Định hướng quy hoạch bảo tồn lâu dài Thành cổ Ô Diên

PHƯƠNG HÀ, ảnh: THẮNG VĂN

VHO - “Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện những kết quả nghiên cứu của Hội thảo trước đây, tạo cơ sở khoa học cho định hướng quy hoạch bảo tồn lâu dài Thành cổ Ô Diên, vùng văn hiến Ô Diên…”, đề dẫn Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản lịch sử - văn hóa quê hương Đan Phượng và danh nhân Tô Hiến Thành” ngày 19.2.2025 nhấn mạnh.

Định hướng quy hoạch bảo tồn lâu dài Thành cổ Ô Diên - ảnh 1
Hội thảo khoa học do UBND huyện Đan Phượng phối hợp với Sở VHTT Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức, thu hút nhiều ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học

Hội thảo khoa học do UBND huyện Đan Phượng phối hợp với Sở VHTT Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức, thu hút nhiều ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học với nội dung trọng tâm bàn về định hướng quy hoạch bảo tồn lâu dài Thành cổ Ô Diên, nơi được chọn làm kinh đô của Nhà nước Vạn Xuân thời Hậu Lý Nam Đế.

Làm rõ lịch sử thành Ô Diên là nhiệm vụ lâu dài

Được biết đến là một vùng đất cổ, nơi hợp lưu của sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ, nơi có Thành cổ Ô Diên được chọn làm kinh đô của Nhà nước Vạn Xuân thời Hậu Lý Nam Đế, Đan Phượng là mảnh đất văn hiến, giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, với nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo như hát chèo tàu, ca trù, thả diều sáo...

“Vùng đất cổ cũng là nơi có hệ thống di tích lịch sử văn hóa đa dạng, trong đó di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng, 37 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 50 di tích xếp hạng cấp Thành phố. Một số di tích có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu gắn với cuộc khởi nghĩa Lý Bí và Thành cổ Ô Diên (thế kỷ VI) như cụm di tích đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác (xã Hạ Mỗ)…”, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết.

Định hướng quy hoạch bảo tồn lâu dài Thành cổ Ô Diên - ảnh 2
Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải phát biểu tại hội thảo

TS. Nguyễn Văn Sơn (Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội) phát biểu đề dẫn, cho biết, qua các hội thảo đã xác định được Khu vực thành cổ Ô Diên là một vùng, một khu vực trung tâm chính trị quân sự của Nhà nước Vạn Xuân. Hiện nay, trên vùng đất này còn hiện hữu những di tích lịch sử quan trọng liên quan đến Thành cổ Ô Diên như đền Chính Khí, miếu Hàm Rồng, chùa Hải Giác, đền Văn Hiến. Hội thảo này tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để làm cơ sở khoa học cho định hướng quy hoạch bảo tồn lâu dài Thành cổ Ô Diên, vùng văn hiến Ô Diên.

Theo TS. Nguyễn Văn Sơn, không gian văn hóa thành cổ Ô Diên còn có di tích đền Văn Hiến, nơi thờ Khổng Tử và đặc biệt hơn, nơi này cũng thờ Đức Thái phó Tô Hiến Thành- một trong những vị quan thanh liêm, tận trung với vương triều Lý và là nơi thờ các vị nho học trên quê hương Hạ Mỗ đã đỗ đạt trong các kỳ thi nho giáo. 

Tiếp nối các Hội thảo về chủ đề này đã được tổ chức trước đây, huyện Đan Phượng và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã phối hợp tổ chức nhiều đợt điều tra điền dã nghiên cứu thực địa với sự tham gia của nhiều nhà khoa học; phối hợp với các nhà nghiên cứu ở các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Phòng để làm sáng rõ thêm những vấn đề chưa có đủ cơ sở khoa học để khẳng định. 

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nhấn mạnh, tuy dấu tích của thành Ô Diên chưa tìm thấy, nhưng bước đầu có thể thấy những giá trị lịch sử - văn hoá nổi bật của thành Ô Diên. Làm rõ lịch sử thành Ô Diên, giữ gìn và phát huy giá trị của thành Ô Diên tiếp tục là nhiệm vụ lâu dài của các nhà sử học và khảo cổ học Việt Nam. 

Đề xuất giải pháp điều tra khảo cổ học lần tìm thành Ô Diên, ông Tống Trung Tín nhấn mạnh: ”Bắc thuộc nhìn chung là thời kỳ mờ mịt nhất về sử liệu. Để nghiên cứu phát hiện thành cổ Ô Diên đòi hỏi phải có sự nỗ lực to lớn của liên ngành khảo cổ học, sử học, văn hóa học, cổ địa lý học, xã hội học...

Định hướng quy hoạch bảo tồn lâu dài Thành cổ Ô Diên - ảnh 3
Tượng danh nhân Tô Hiến Thành tại đền Văn Hiến

Trên mặt đất hiện nay, dấu tích thành Ô Diên hầu như không có gì. Chúng ta cần tập trung nghiên cứu khảo cổ học như kết luận của Hội thảo năm 2011: “Các nhà khoa học tham gia trao đổi đã khẳng định cần tiếp tục bổ sung các tư liệu (phải khai quật khảo cổ) để tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn và gần với sự thực hơn (nếu có thể) về thời đại này, làm rõ hơn về một số điểm còn khuất trong lịch sử Ô Diên.”

Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam kiến nghị: “Để tìm thành cổ Ô Diên, chúng ta có thể đẩy mạnh công tác nghiên cứu khảo cổ học, trong đó ưu tiên vào việc điều tra, thăm dò toàn bộ khu vực Ô Diên.  

Bảo vệ không gian di sản trong guồng quay đô thị hóa

Nhấn mạnh vấn đề cần thiết mà chủ đề hội thảo đặt ra,  PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhấn mạnh, Hạ Mỗ là vùng đất cổ, có lịch sử hơn 1.500 năm, vị trí ở đầu nguồn sông Nhuệ cổ (còn gọi là sông Từ Liêm), một phân lưu lớn của sông Hồng. Hạ Mỗ còn được đánh giá cao là vùng đất địa linh nhân kiệt có nền văn hiến ngàn đời – nơi sinh ra nhiều bậc hào kiệt, danh tiếng mà nổi bật nhất là Thái úy Tô Hiến Thành, quan nghê Đỗ Trí Trung, các vị hậu hiền của làng gồm cử nhân, tú tài hai đời Lê, Nguyễn.

Định hướng quy hoạch bảo tồn lâu dài Thành cổ Ô Diên - ảnh 4
Sông Nhuệ cổ tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng

Tô Hiến Thành là một trong những nhân vật kiệt xuất lừng lẫy trong chiều dài lịch sử dân tộc. Ông là người có công lớn với dân, với nước trong nhiều lĩnh vực đời sống: tổ chức quân đội, bảo vệ vững chắc biên cương đất nước, mở mang văn hiến, tiến cử hiền tài cho triều đình để dựng xây đất nước.

 “Có thể khẳng định, Tô Hiến Thành là người văn võ toàn tài. Ông vừa là nhà quân sự, nhà chính trị tài giỏi, lại là nhà văn hóa lỗi lạc của đất nước, mà công đầu phải ghi nhận và biết ơn là ông đã tham mưu cho các vị vua Triều Lý quyết định xây dựng Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Thăng Long Hà Nội – một di tích quốc gia đặc biệt có dấu ấn quan trọng trong đời sống văn hóa Việt Nam xưa và nay”, PGS.TS Đặng Văn Bài nhìn nhận.

Khẳng định tổ chức lễ hội là phương thức hữu hiệu để bảo vệ và phát huy giá trị đền Văn Hiến gắn với phát triển du lịch, PGS.TS Đặng Văn Bài băn khoăn: “Với một thiết chế văn hoá đặc thù gắn với tín ngưỡng thờ một vị thành hoàng hiển hách, lẫy lừng lịch sử như Thái uý Tô Hiến Thành nhưng vì sao không thấy có tài liệu nào đề cập tới hội làng diễn ra trong đời sống cộng đồng của cư dân địa phương...".

Các nhà nghiên cứu thống nhất quan điểm cho rằng giữa lễ hội truyền thống và du lịch có mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương cũng như cấp độ quốc gia. 

PGS.TS Đặng Văn Bài Theo chia sẻ, nhận thức mới, nguồn lực văn hóa không đứng ngoài kinh tế. Ở đây, lễ hội đền Văn Hiến, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng nếu có đề án tổ chức, thực hành tốt gắn với phát triển du lịch sẽ thúc đẩy, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế của Đan Phượng. Đồng thời có thể đóng góp thiết thực cho mục tiêu hiện thực hóa khát vọng biến Hà Nội thành Thủ đô sáng tạo.

Định hướng quy hoạch bảo tồn lâu dài Thành cổ Ô Diên - ảnh 5
Các ý kiến tại hội thảo tiếp tục khẳng định, Tô Hiến Thành là một trong những nhân vật kiệt xuất lừng lẫy trong chiều dài lịch sử dân tộc.

Một số ý kiến nêu những việc cần phải làm để trong một tương lai không xa sẽ có những dự án khả thi để khôi phục dòng sông Nhuệ cổ, xây dựng Công viên văn hóa lịch sử danh nhân Tô Hiến Thành…

Các cơ quan quản lý văn hóa cũng đã và đang hoàn thiện hồ sơ khu di tích Hạ Mỗ gồm: đền Chính Khí, miếu Hàm Rồng, đền Văn Hiến, chùa Giác Hải… trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích văn hóa quốc gia đặc biệt.

Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, bên cạnh sự phát triển ồ ạt của các khu đô thị cao tầng, có mật độ dày đặc thì việc đưa vào quy hoạch để bảo vệ, giữ gìn những không gian di sản văn hóa lịch sử như trên vô cùng ý nghĩa. Ông đề xuất huyện Đan Phượng cần đặt hàng các viện nghiên cứu, các nhà quản lý xây dựng quy hoạch đô thị huyện Đan Phượng có chất lượng. Trong đó bảo tồn được không gian di sản văn hóa, lịch sử về Nhà nước Vạn Xuân, sự hình thành của cố đô Ô Diên theo hình thức công viên mở với mô thức cộng đồng chung sống. 

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá, Hội thảo không chỉ giúp huyện Đan Phượng trong việc một lần nữa khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của Thành Ô Diên trước đây cũng như huyện Đan Phượng trong giai đoạn hiện nay mà còn đóng góp cho TP. Hà Nội và cả quốc gia về tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc và Thăng Long - Hà Nội.

Định hướng quy hoạch bảo tồn lâu dài Thành cổ Ô Diên - ảnh 6
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với những quan điểm, tầm nhìn mới, tính tới tính khả thi và dựa trên nguồn lực cụ thể. Ví dụ như nỗ lực hồi sinh lại các dòng sông, trong đó có sông Nhuệ cổ. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, điều này trùng với quan điểm, định hướng TP. Hà Nội đã xác định trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVIII của Đảng bộ TP. 

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Thủ đô Hà Nội với bề dày lịch sử hơn một nghìn năm, nếu tính cả thời Cổ Loa, Ô Diên, Thăng Long – Hà Nội chúng ta đã có lịch sử hơn 2.000 năm, một điều đặc biệt hiếm có của các Thủ đô trên thế giới. Chính vì thế, TP Hà Nội rất trân trọng và luôn xác định nguồn lực văn hóa, con người trong quá trình phát triển nhanh, bền vững.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị huyện Đan Phượng sau hội thảo sớm báo cáo với lãnh đạo TP những kiến nghị, đề xuất về các công việc cụ thể. Theo đó, sớm cụ thể hóa, cập nhật, bổ sung ngay kết quả của hội thảo, đặc biệt là khu vực Thành cổ Ô Diên trong quá trình xây dựng quy hoạch phát triển.

"Đề nghị các sở, ngành không nên quy hoạch những cụm di tích lịch sử, văn hóa riêng biệt cho từng huyện mà phải hướng tới liên vùng, từ thị xã Sơn Tây, huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, đến quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm để thành một dải dọc sông Hồng, qua đó phát huy hết giá trị của di tích", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, sớm biên tập thành những tài liệu rất cụ thể, trước hết để đưa vào các nhà trường, hun đúc niềm tự hào và trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của quê hương trong nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc