Làm “sống lại” lũy đá cổ trên bán đảo Phương Mai

PHAN HIẾU

VHO - Được xây dựng cách đây hơn hai thế kỷ và sau khi được công nhận di tích, hiện TP Quy Nhơn và các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đang nỗ lực đưa lũy cổ Phương Mai “sống lại” để người dân và du khách thăm thú, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

 Làm “sống lại” lũy đá cổ trên bán đảo Phương Mai - ảnh 1
Một đoạn trường thành chỉ dài tầm 5-6m trong khu vực trạm hải đăng Phước Mai

 Lũy cổ Phương Mai nằm trên hai điểm của bán đảo Phương Mai, tục danh gọi gò Vũng Tàu (hay Hải Minh trong) và Gò Kinh Để (hay Hải Minh ngoài) cũng có tên là Hải Khẩu (cửa biển). Trải qua thăng trầm, di tích lũy cổ Phương Mai hiện nay là khu vực 9 (còn gọi là Hải Minh), phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn.

Theo chỉ dẫn của người dân, để đi đến di tích, chúng tôi phải đi đò từ bến Hàm Tử mất khoảng 10 phút để qua Hải Minh.

Từ tượng đài Đức Thánh Trần trên núi Tam Tòa, xuôi theo con dốc nhỏ chừng vài trăm mét có thể nhìn thấy một cổng thành kiên cố của lũy cổ, được ốp đá chắc chắn, cao và sâu khoảng 3m, rộng tầm 5m nằm lọt trong Trạm hải đăng Phước Mai. Kế tiếp, bên trái khi bước qua cổng là một đoạn trường thành chỉ dài tầm 5-6m trong khu vực trạm hải đăng.

Trao đổi với chúng tôi, nhân viên Trạm Quản lý đèn biển Phước Mai cho biết, di tích lũy cổ Phương Mai đã được cơ quan chức năng cắm mốc để khoanh vùng bảo vệ. Ngoài việc quản lý đèn biển Phước Mai, đơn vị cũng phải mở cửa thường xuyên để người dân và du khách đến tham quan di tích lũy cổ.

Cùng tham quan lũy cổ Phương Mai, ông Nguyễn Thái Học, người sống rất nhiều năm ở khu vực 9 (phường Hải Cảng) cho hay, ngư dân ở đây quen gọi lũy đá Phương Mai là bờ thành cổ.

Năm 2010, lũy cổ Phương Mai được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích. Cùng với tượng đài Đức Thánh Trần và di tích núi Tam Tòa, lũy cổ Phương Mai trở thành điểm đến của những người thích tìm hiểu về lịch sử khi có dịp đặt chân lên bán đảo Phương Mai.

Ở góc độ nghiên cứu, TS Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Bình Định cho biết: Ở phía Đông đầm Thị Nại, bán đảo Phương Mai được ví như bức bình phong khổng lồ án ngữ phía biển cho Quy Nhơn.

Cửa biển Thị Nại có vị trí chiến lược quan trọng nên người xưa đã xây dựng một pháo đài tên là Hổ Ky rất kiên cố trên núi Tam Tòa (còn gọi là núi Đá Đen). Phía sau pháo đài, tại gò Vũng Tàu và gò Kinh Để là lũy đá.

 Làm “sống lại” lũy đá cổ trên bán đảo Phương Mai - ảnh 2
Cổng thành kiên cố của di tích Lũy cổ Phương Mai

Cũng theo TS Đinh Bá Hòa, tuyến phòng thủ trên núi Tam Tòa được xây dựng dưới triều Tây Sơn và hoàn thiện vào thời nhà Nguyễn.

Lũy đá trên gò Kinh Để dài khoảng 100m, điểm đầu nối với pháo đài Hổ Ky nhằm bảo vệ pháo đài Hổ Ky nếu bị tấn công từ phía sau, đồng thời ngăn không cho quân địch tiến từ sườn núi phía Đông vào bên trong cửa Thị Nại đánh chiếm pháo đài.

Lũy trên gò Vũng Tàu dài chừng 600m, có nhiệm vụ ngăn quân địch đi bằng đường thủy đến Hải Giang, sau đó theo sườn núi phía Đông lên chiếm mặt phía tây của pháo đài và chiếm cửa biển Thị Nại.

“Dưới triều Nguyễn, các nhà quân sự đã bố trí 9 lỗ súng trên tuyến phòng thủ này. Lũy đá Phương Mai là một phần quan trọng trong hệ thống công trình quân sự phòng thủ cửa biển, gồm pháo đài, kỳ đài, đồn trú…

Trải qua hơn 200 năm, nhiều đoạn lũy đá bị hư hại, bụi rậm che lấp, song những đoạn lũy trên đỉnh núi hầu như còn nguyên vẹn”, TS Đinh Bá Hòa cho biết thêm.

Để khai thác tốt cũng như bảo tồn lũy cổ Phương Mai, cơ quan quản lý di tích cần phải làm gì, TS Đinh Bá Hòa chia sẻ: Cần khai thác du lịch mạo hiểm, ở đây có thể kết hợp với tham quan các hang yến, ngắm Quy Nhơn.

“Rất hiếm có thành phố nào có nhiều tích cổ nằm trong nội thành như TP Quy Nhơn (Tháp Đôi, lũy cổ Phương Mai và tượng đài Đức Thánh Trần…). Sự giao thoa văn hóa này có thể bắt nguồn từ Chămpa, sau đến Tây Sơn và cuối cùng là thời Nguyễn. Nếu chúng ta tạo đường đi đến thuận lợi thì khai thác du lịch rất tốt”, TS Hòa nêu ý kiến.

Để khai thác tiềm năng vẻ đẹp của dãy núi bán đảo Phương Mai, đầm Thị Nại, trong đó có lũy cổ Phương Mai, ông Phan Tuấn Hoàng, Trưởng Phòng VHTT TP Quy Nhơn cho biết: Hiện nay, UBND TP Quy Nhơn đã xây dựng, giới thiệu sản phẩm tour du lịch tại làng chài Hải Minh, để người dân và du khách có thể thuận di chuyển tham quan tại di tích Lũy cổ Phương Mai và núi Tam Tòa.

Theo phân cấp quản lý di tích, trong thời gian tới di tích Lũy cổ Phương Mai sẽ được giao lại cho phường Hải Cảng quản lý bảo vệ và thực hiện việc khai thác để hút khách du lịch. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc