Xã hội trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật:

“Kìm nén” lớn nhất từ chính sách pháp luật

THÙY TRANG

VHO - Tại tọa đàm khoa học “Nghiên cứu đề xuất giải pháp khuyến khích các nguồn lực xã hội phát triển văn hóa nghệ thuật trên địa bàn TP.HCM, giai đoạn 2021-2035”, do Sở VHTT TP.HCM và Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại TP.HCM phối hợp tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng, xã hội hóa (XHH) hoạt động văn hóa nghệ thuật vẫn còn nhiều hạn chế.

“Kìm nén” lớn nhất từ chính sách pháp luật - ảnh 1
Quang cảnh buổi tọa đàm

 Câu hỏi đặt ra là, với cơ chế, chính sách đang có đã thực sự thúc đẩy, thu hút được các nguồn lực trong xã hội để đầu tư cho văn hóa, nhất là với lĩnh vực hoạt động nghệ thuật?

Nhiều “rào cản” trong huy động các nguồn lực

Theo NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM, hoạt động XHH ngày càng đi vào thực tiễn cuộc sống và đạt được những kết quả, nhất là trong các lĩnh vực bảo tàng, di sản văn hóa, thư viện, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn… TP.HCM có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã tạo điều kiện thuận lợi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và huy động nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của TP.HCM trong thời gian tới.

“Bên cạnh những thuận lợi, hiện thành phố vẫn đang đứng trước những thách thức và hạn chế trong việc huy động nguồn lực xã hội ở TP.HCM cho hoạt động văn hóa, trong đó có hoạt động văn học, nghệ thuật. Lực lượng lao động chưa được tiếp cận các kỹnăng và chuyên môn phù hợp để thích ứng, vận hành hiệu quả các mô hình tổ chức, kinh doanh trong thời đại công nghệ. Cơ sở vật chất, thiết chế hiện đại tầm quốc tế, các tổ hợp giải trí đa chức năng còn thiếu. Tình trạng vi phạm bản quyền, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn tồn tại, bất cập. Các cơ chế chính sách, ưu đãi về thuế chưa tạo động lực để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa…”, NSND Thanh Thúy tâm tư. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc huy động nguồn lực tài trợ cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ở TP.HCM đang có những điểm tích cực, nhưng cũng còn nhiều thách thức cần được giải quyết.

Đơn cử đối với việc huy động từ doanh nghiệp và tư nhân, PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho biết, ngày càng nhiều doanh nghiệp và tư nhân nhận thức được vai trò của nghệ thuật trong việc xây dựng cộng đồng và hình ảnh của mình. Họ có xu hướng đầu tư vào các hoạt động này để góp phần vào phát triển cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, việc tìm kiếm và kết nối với họ thường gặp khó khăn. Thiếu sự liên kết giữa các nghệ sĩ và doanh nghiệp cũng như thiếu sự hợp tác trong việc đề xuất và thực hiện các dự án nghệ thuật. Việc huy động nguồn lực xã hội từ cộng đồng cũng là một giải pháp quan trọng. Ở tín hiệu tích cực, TP.HCM là nơi có một cộng đồng đa dạng và phong phú, thu nhập bình quân đầu người cao và rất sẵn sàng chi trả cho nghệ thuật. Tuy nhiên, một bộ phận cư dân thiếu ý thức về giá trị của nghệ thuật biểu diễn và không nhận biết được cơ hội hỗ trợ cho nghệ thuật.

 Thời gian qua TP.HCM đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội, tuy nhiên dường như địa phương còn khó khăn, lúng túng trong việc lựa chọn để nâng cấp, phát triển sản phẩm văn hóa đặc trưng, tiêu biểu.

Bên cạnh đó, sự thiếu đồng bộ về hạ tầng, cơ chế chính sách với nguồn nhân lực, không chỉ là “điểm nghẽn” mà còn là thách thức, lực cản đối với sự phát triển của thị trường văn hóa nghệ thuật tại TP.HCM, trong đó nguồn lực XHH bị “kìm nén” lớn nhất từ chính sách pháp luật.

(Ông NGUYỄN THANH SƠN, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL)

“Việc huy động nguồn lực xã hội cho văn hóa nói chung, nghệ thuật biểu diễn nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào hành lang pháp lý. Việt Nam đã có nhiều luật về văn hóa, trong đó có cả nghị định về nghệ thuật biểu diễn, tuy nhiên khó khăn là các văn bản này không quy định chi tiết về khuyến khích nguồn lực xã hội, mà phải phụ thuộc vào các luật chuyên ngành khác như thuế, đất đai, đầu tư... Gần đây, Nghị quyết số 98 đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế thành phố, khơi thông tối đa các nguồn lực hiện có để bứt phá và phát triển. Tuy nhiên, việc thực hiện huy động nguồn lực xã hội, ví dụ như thông qua các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) vẫn còn là thí điểm, trong quá trình triển khai cần có sự quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ của các cơ quan ban ngành Trung ương”, ông Sơn phân tích.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) cũng cho rằng, thời gian qua TP.HCM đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội, tuy nhiên dường như địa phương còn khó khăn, lúng túng trong việc lựa chọn để nâng cấp, phát triển sản phẩm văn hóa đặc trưng, tiêu biểu. Bên cạnh đó, sự thiếu đồng bộ về hạ tầng, cơ chế chính sách với nguồn nhân lực, không chỉ là “điểm nghẽn” mà còn là thách thức, lực cản đối với sự phát triển của thị trường văn hóa nghệ thuật tại TP.HCM, trong đó nguồn lực XHH bị “kìm nén” lớn nhất từ chính sách pháp luật.

“Kìm nén” lớn nhất từ chính sách pháp luật - ảnh 2
Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần thứ nhất năm 2024 (HIFF), được tổ chức thành công thông qua việc huy động nguồn lực XHH. Trong ảnh: Chương trình giao lưu và chiếu phim ngoài trời trong khuôn khổ HIFF

Tạo môi trường thúc đẩy và hỗ trợ

Theo TS Nguyễn Văn Thăng Long (Đại học RMIT Việt Nam), để thu hút nguồn lực phát triển và khán giả, các loại hình nghệ thuật truyền thống nên xem xét việc cân bằng yếu tố nghệ thuật và giải trí. Đồng thời có kế hoạch đầu tư dài hạn cho việc phát triển các nội dung nghệ thuật truyền thống theo xu hướng hiện đại.

Chuyên gia này cũng cho rằng cần có chiến lược marketing, truyền thông bài bản, đưa các hoạt động văn hóa, giải trí, nghệ thuật trở thành một nhu cầu thiết yếu trong đời sống hằng ngày của người dân. Đẩy mạnh đầu tư theo mô hình đối tác công tư, hội tụ các nguồn lực xã hội để đầu tư cho văn hóa nghệ thuật đồng nhất theo chiến lược dài hạn. Đặc biệt chú trọng vào xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc tế… Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM nhấn mạnh, cần phải coi trọng yếu tố bản quyền và xu hướng số hóa. Việc này về lâu dài sẽ tạo được nguồn thu thụ động từ các nền tảng số, giúp có thêm kinh phí để tái đầu tư cho các hoạt động và sự kiện tiếp theo. “Bên cạnh việc tạo thuận lợi để các sự kiện văn hóa nghệ thuật có yếu tố XHH được tham gia vào thị trường, được khai thác thương mại, tạo nguồn kinh phí để tái đầu tư… thì việc tôn trọng bản quyền cũng hết sức quan trọng và góp phần để các sản phẩm văn hóa nghệ thuật đạt được hiệu quả tốt, giữ được uy tín, hình ảnh trong lòng công chúng”, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn đề nghị và nhắc lại sự cố “đường lưỡi bò” trong concert BlackPink tại Việt Nam gây xôn xao dư luận vào năm ngoái là một bài học cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác XHH.

Để khuyến khích huy động nguồn lực xã hội cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần hoàn thiện thể chế, chính sách khuyến khích và ưu đãi cho các nhà tài trợ và người đóng góp cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về nhu cầu và lợi ích của việc hỗ trợ nghệ thuật biểu diễn; đồng thời xây dựng mạng lưới kết nối và hợp tác giữa các nhà tài trợ và người làm nghệ thuật. “Chúng ta đã thấy rằng việc huy động nguồn lực xã hội có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp tài chính, cơ sở vật chất, đào tạo và hỗ trợ cho các nghệ sĩ, dự án nghệ thuật. Đồng thời, thông qua việc xây dựng mạng lưới kết nối và hợp tác giữa các nhà tài trợ, người làm nghệ thuật có thể tạo ra một cộng đồng nghệ sĩ mạnh và đoàn kết, từ đó thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo. Tuy nhiên, để thực hiện được các giải pháp này, cần sự đồng lòng và hợp tác từ cộng đồng, doanh nghiệp, và nhà nước. Chúng ta cần tạo môi trường thúc đẩy và hỗ trợ cho việc huy động nguồn lực xã hội, đồng thời đảm bảo tính minh bạch, công bằng, hiệu quả trong việc sử dụng nguồn lực này”, PGS Bùi Hoài Sơn nói.

Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết thêm, chính sách pháp luật là vấn đề cốt lõi huy động nguồn lực XHH lĩnh vực nghệ thuật. Đối với TP.HCM, cần rà soát, tập trung ưu tiên và triển khai đồng bộ về hạ tầng, đầu tư; môi trường sáng tạo; tạo lập chính sách; thực thi chính sách và nguồn nhân lực. Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết trên cơ sở tiếp nhận những ý kiến, đề xuất và giải pháp từ chuyên gia, các đơn vị nghệ thuật, doanh nghiệp, các đơn vị sẽ tham mưu UBND, HĐND TP.HCM ban hành các cơ chế, chính sách nhằm phát huy, tạo điều kiện khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật TP.HCM trong thời gian tới.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc