Khi khung cửi dệt giấc mơ toàn cầu
VHO - Việc làng dệt lụa Vạn Phúc (Hà Nội) chính thức gia nhập mạng lưới các Thành phố Thủ công Sáng tạo thế giới là bước ngoặt quan trọng. Không chỉ là điểm đến giàu bản sắc văn hóa, làng nghề hàng trăm năm tuổi này hứa hẹn sẽ trở thành động lực thúc đẩy công nghiệp văn hóa tại Thủ đô.

Biến “di sản” thành lợi thế cạnh tranh
Nếu bước vào cổng làng lụa Vạn Phúc chục năm về trước, người ta không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến không khí đìu hiu, trầm lắng của một làng nghề được đánh giá là “đệ nhất tinh xảo Đông Dương”. Giờ đây, nhờ định hướng và hỗ trợ từ TP Hà Nội, làng lụa Vạn Phúc đã “thay da đổi thịt”, trở thành điểm đến hấp dẫn, nơi du khách không chỉ tìm thấy những tấm lụa tinh xảo mà còn được đắm mình trong không gian đầy hoài niệm.
Giữa những nếp nhà cổ kính, họ có thể lắng nghe nhịp điệu rộn ràng của khung cửi, tiếng lách cách của thoi đưa và những câu chuyện đầy tâm huyết từ các nghệ nhân về nghề dệt lụa truyền thống quê hương. Chính sự kết hợp giữa truyền thống và trải nghiệm thực tế này đã giúp làng lụa Vạn Phúc gia tăng giá trị trên thị trường nội địa, đồng thời lọt vào “mắt xanh” của bạn bè quốc tế.
Là niềm tự hào của làng lụa Vạn Phúc, lụa Vân là sản phẩm tạo dấu ấn riêng, tựa như áng mây trắng uyển chuyển, nhẹ nhàng trên nền lụa, thể hiện kỹ thuật dệt tinh xảo và sự tài hoa của nghệ nhân Vạn Phúc. Ngoài lụa Vân, các nghệ nhân nơi đây còn phục dựng thành công dòng gấm từng bị thất truyền, vốn là niềm kiêu hãnh của lụa Việt khi từng được vinh danh tại Đấu xảo Quốc tế Paris với danh hiệu “Sản phẩm đệ nhất vùng Đông Dương”.
Lụa Vạn Phúc mang theo hơi thở thời tiết, hè thì mát, đông lại ấm, thu về nhẹ nhàng, duyên dáng. Trải qua bao thăng trầm, lụa Vạn Phúc vẫn giữ vững giá trị và nét đẹp truyền thống. Ngày nay, ngôi làng này không chỉ là niềm tự hào của người Việt mà còn là điểm đến thu hút du khách quốc tế, những ai muốn khám phá tinh hoa văn hóa Việt Nam. Sự hồi sinh của những sản phẩm mang giá trị văn hóa cao không chỉ khẳng định đẳng cấp của lụa Vạn Phúc mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Trong bối cảnh thị trường đầy rẫy các sản phẩm công nghiệp và lụa nhập khẩu, những dòng lụa mang dấu ấn lịch sử như lụa Vân hay gấm cổ chính là yếu tố giúp Vạn Phúc khác biệt và ghi dấu trên bản đồ làng nghề thế giới.
Làng lụa Vạn Phúc ngày nay đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp lớn, góp phần mở rộng quy mô sản xuất và làm phong phú thêm các dòng sản phẩm. Không chỉ có lụa truyền thống, nơi đây còn cung cấp đa dạng chất liệu như gấm, the, lĩnh, đũi… với nhiều mẫu mã mang tên gọi mỹ miều như băng hoa, long phượng, mây bay, tứ quế, sa trơn, the trơn, đũi hoa, vân thọ đỉnh…
Với mong muốn tiếp tục thu hút du khách và phát triển bền vững, làng nghề Vạn Phúc đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, cho ra đời những sản phẩm thủ công tinh xảo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc Nguyễn Văn Hùng, việc làng lụa Vạn Phúc được xếp vào danh sách các điểm du lịch của thành phố Hà Nội là một lợi thế lớn.
Du khách đến với Vạn Phúc ngày càng nhiều, mang theo những ý kiến đóng góp quý báu, giúp làng nghề hoàn thiện và sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo, từ đó, tăng thêm thu nhập cho người dân. Những chiếc túi xách xinh xắn, những món đồ lưu niệm được làm từ mảnh vải vụn không chỉ là sản phẩm thủ công đơn thuần mà còn là kết tinh của sự sáng tạo, khéo léo và tình yêu nghề của người thợ Vạn Phúc.
Đặc biệt, hợp tác xã Vụn Art, nơi những người khuyết tật tạo ra những sản phẩm hoa độc đáo từ vụn vải, đã trở thành một điểm sáng, lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc, khẳng định tinh thần tương thân tương ái, sẻ chia khó khăn trong cộng đồng.
Nỗ lực để trở thành điểm đến du lịch
Trong dòng chảy hối hả của thời gian, giữa nhịp sống hiện đại với bao đổi thay, Vạn Phúc vẫn lặng lẽ giữ cho mình những giá trị truyền thống ngàn đời. Với bề dày lịch sử, làng lụa Vạn Phúc đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển thành một điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm vừa bảo tồn nghề dệt truyền thống, vừa nâng cao trải nghiệm cho du khách.
Hạ tầng du lịch đóng vai trò then chốt trong việc nâng tầm sức hút của làng lụa Vạn Phúc. Việc cải thiện hệ thống giao thông, mở rộng bãi đỗ xe, lắp đặt biển chỉ dẫn và tạo dựng không gian chung sạch đẹp sẽ mang đến sự thuận tiện cho du khách.
Đặc biệt, các bảng giới thiệu về lịch sử làng nghề và quy trình sản xuất lụa nên được thiết kế sinh động, đa ngôn ngữ, giúp người tham quan dễ dàng khám phá và cảm nhận sâu sắc hơn về nét tinh hoa của nghề dệt lụa truyền thống. Hiện nay, một số tour du lịch đã đưa khách đến tham quan làng lụa, nhưng chủ yếu dừng lại ở việc mua sắm và tìm hiểu sơ lược về nghề dệt.
Để tạo dấu ấn mạnh mẽ hơn, cần triển khai thêm những chương trình cho phép du khách trực tiếp tham gia các công đoạn như kéo sợi, nhuộm vải, dệt lụa trên khung cửi.
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Chúng tôi mong muốn xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, nơi du khách có thể ở cùng người dân, trải nghiệm công việc dệt lụa thực tế. Tuy nhiên, làng hiện chưa có đủ quỹ đất và cơ sở vật chất để triển khai mô hình này. Hy vọng trong tương lai, có đủ điều kiện tài chính và nguồn lực để mở rộng sản xuất và phát triển du lịch bền vững”.
Bên cạnh việc bảo tồn kỹ thuật dệt truyền thống, làng cần khuyến khích nghệ nhân sáng tạo mẫu mã mới, kết hợp tinh hoa thủ công với xu hướng hiện đại để sản phẩm lụa vừa mang giá trị văn hóa, vừa phù hợp với nhu cầu thị trường. Việc xây dựng hệ thống cửa hàng lưu niệm, showroom trưng bày lụa và không gian triển lãm lịch sử làng nghề sẽ giúp du khách có trải nghiệm mua sắm trọn vẹn, đồng thời gia tăng nguồn thu cho địa phương.
Nếu triển khai đồng bộ các giải pháp từ hạ tầng, mô hình du lịch đến công tác quảng bá và phát triển sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc mới có thể thực sự “dệt” nên giấc mơ toàn cầu, trở thành một điểm đến không thể bỏ qua trên hành trình khám phá văn hóa Việt Nam trong bối cảnh nhiều làng nghề truyền thống đang gặp khó khăn và đứng trước nguy cơ mai một.