"Khâm phục và biết ơn khi người dân Hội An đang thực hiện những đức tính tốt đẹp của Nhật Bản mà nhiều người Nhật đã lãng quên"

KHÁNH CHI

VHO - Đó là ý kiến của Lãnh sự Nhật Bản tại Việt Nam tại Toạ đàm “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” lần thứ 20 diễn ra sáng nay 3.8, do UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam tổ chức.

Tọa đàm đã nhìn nhận những đổi mới, sáng tạo qua từng lần tổ chức sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản”, đánh giá lại chặng đường dài qua 20 lần tổ chức sự kiện, những thành công, những kinh nghiệm và những vấn đề cần phải chú trọng từ bây giờ.


Khai mạc giao lưu văn hóa Hội An- Nhật Bản lần thứ 20 diễn ra vào ngày 2.8.2024

Cùng với đó là chia sẻ, trao đổi những giải pháp hay, cách làm hiệu quả nhất để chương trình “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” cũng như các chương trình hợp tác, tình đoàn kết hữu nghị giữa Hội An và Nhật Bản càng đạt về chiều sâu, diện rộng, tầm cao và độ bền trong thời kỳ mới - thời kỳ đất nước Việt Nam tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và tỉnh Quảng Nam quyết tâm bức phá vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng với truyền thống của vùng đất mở và tiên phong.


Nhà trưng bày văn hoá Nhật Bản tại Hội An

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh nhấn mạnh: Thành phố Hội An luôn ghi nhận và trân trọng sự hợp tác, hỗ trợ nhiệt tình, đầy hiệu quả của các bạn Nhật Bản đối với công cuộc bảo tồn vững chắc, phát huy bền vững Di sản văn hóa và tài nguyên sinh thái của Hội An.

Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2003 đến nay, sự kiện Giao lưu văn hóa này đã 20 lần được tổ chức tại TP Hội An và 2 lần tổ chức tại thành phố Sakai, Nhật Bản vào các năm 2014 và 2024.


Trình diễn nghệ thuật dân gian Hội An trong “Đêm Hội An tại Sakai”

“Hôm nay, ngược dòng thời gian nhìn lại 20 lần sự kiện Giao lưu văn hóa diễn ra tại Hội An, chúng ta càng hiểu thêm về mối lương duyên Hội An – Nhật Bản trong quá khứ trở thành mạch nguồn và dòng chảy trong lành, ấm áp cho tình hữu nghị thủy chung giữa Hội An đối với những người bạn Nhật Bản thân hữu nói riêng và các địa phương, các tổ chức, cũng như đối với toàn thể dân tộc đất nước Nhật Bản”, ông Lanh chia sẻ.


Chương trình “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” đã được đưa vào lịch lễ hội, sự kiện văn hóa - du lịch định kỳ thường niên của  Hội An

Từ sự kiện giao lưu này cũng mở ra những cơ hội hợp tác, đầu tư giữa TP Hội An với các cơ quan tổ chức, địa phương của Nhật Bản.

Thông qua Đại sứ quán Nhật Bản, TP Hội An đã nhận được sự đóng góp trí tuệ và nguồn kinh phí hỗ trợ của các tổ chức Nhật Bản cho công cuộc bảo tồn Đô thị cổ, công tác nghiên cứu khoa học của các giáo sư, sinh viên thuộc Viện nghiên cứu quốc tế trường Đại học Nữ Chiêu Hòa; sự phối hợp hỗ trợ trùng tu các ngôi nhà cổ của tổ chức JICA.

Sự hỗ trợ của Công ty TAKARA trong việc xây dựng 3 nhà vệ sinh công cộng trong Khu phố cổ, hỗ trợ trang trí Nhà trưng bày văn hoá Nhật Bản.

Sự cộng tác phối hợp đầy nhiệt tình của Trung tâm Giao lưu văn hoá Nhật Bản, Trung tâm hợp tác nguồn nhân lực Nhật Bản, các thành phố: Sakai, Matusaka, Nagasaki, Oda, ông Hirohata Takeshi - Trưởng đoàn nghệ thuật Tokyo Shirubakai, các ban nhạc, nghệ sỹ… đến từ Nhật Bản.


Hoàng Thái tử Akishino và Công nương Kiko tham quan mô hình Châu Ấn Thuyền tháng 9.2023

Đặc biệt, vào năm 2017, cố Thủ tưởng Shino Abe đã đến thăm Hội An và cùng với nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt biển khai trương “Không gian Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản”, cùng với phiên bản Châu Ấn Thuyền - do tỉnh Nagasaki trao tặng được trưng bày tại không gian Phố xưa Nhật Bản ở Khu phố cổ Hội An.

Tại sự kiện lần thứ 20 này, Viện Văn hóa Quốc tế, trường Đại học Nữ Chiêu Hòa sẽ tặng mô hình Chùa Cầu cho Bảo tàng Hội An, TP Hội An tổ chức khánh thành công trình “đại trùng tu” Chùa Cầu.

Đây là những minh chứng cho mối giao lưu hữu nghị sâu đậm kéo dài từ quá khứ cho đến ngày hôm nay và sẽ mãi bền chặt trong tương lai.


Tái hiện đám cưới Công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Araki Sotaro cùng đoàn rước mô hình Châu Ấn thuyền

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng đã chia sẻ những quan điểm, ý kiến để giúp thành phố Hội An có tầm nhìn bao quát, đầy đủ và toàn diện hơn; đồng thời thống nhất với nhau những vấn đề cơ bản, nội dung chủ yếu để ngay bây giờ có thể hình thành nên những ý tưởng và chương trình hành động cho thời gian tới, mà cụ thể là cho chương trình “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” năm 2025 – năm có nhiều sự kiện quan trọng của thành phố Hội An.     

Thay mặt Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng, Lãnh sự Teramoto cho biết: Sau khi Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản được thành lập ở miền Trung Việt Nam vào năm 2022, Tổng Lãnh sự quán đã luôn nỗ lực trong việc thúc đẩy giao lưu giữa Nhật Bản và khu vực miền Trung.

Tuy nhiên, sau mấy năm đi vào hoạt động, tôi nhận ra rằng có thể công việc ban đầu chúng tôi cần làm đó là tìm lại những “đặc điểm Nhật Bản” đang tồn tại tại miền Trung Việt Nam và duy trì, phát huy những cái đó.

“Cá nhân tôi luôn cảm thấy bình yên mỗi khi ghé tới Hội An. Cảm giác này có lẽ là do vẻ đẹp của khu phố và sự thân thiện của người dân Hội An, nhưng việc người dân Hội An qua hàng trăm năm vẫn không quên Nhật Bản cũng có thể là một lý do lớn mang lại cho tôi cảm nhận đó”, Lãnh sự Teramoto chia sẻ.

Người dân Hội An dù trải qua thời kỳ hỗn loạn và khó khăn vẫn luôn cố gắng bảo vệ lăng mộ của các thương nhân người Nhật, cũng như Chùa Cầu qua bao lần trùng tu, đến nay vẫn được giữ gìn và bảo vệ. Tôi thấy khâm phục khi họ tìm thấy giá trị trong “ý nghĩa của sự tồn tại những ngôi mộ và cây cầu” và tôi cảm nhận rằng họ đang thực hiện những đức tính tốt đẹp của Nhật Bản mà nhiều người Nhật đã lãng quên.


Biểu diễn trích đoạn vở Opera “Công nữ Anio” tại sự kiện Giao lưu lần thứ 19

Trong những Lễ hội Nhật Bản được tổ chức ở Việt Nam thì sự kiện này của Hội An có thể coi là Lễ hội có hoạt động từ lâu nhất.

“Tôi thấy biết ơn khi mỗi năm những người liên quan Nhật Bản và Việt Nam có thể tập trung trong bầu không khí hạnh phúc như thế này. Hy vọng mối giao lưu và tình hữu nghị giữa chúng ta sẽ được thắt chặt hơn nữa”, Lãnh sự Teramoto chia sẻ.