Khai hội chùa Hương Tích
VHO - Chùa Hương Tích là di tích văn hóa nằm trên dãy núi Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, là một trong những danh thắng nổi tiếng, được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”. Sự tích ngôi chùa gắn liền với huyền thoại dân gian về Công chúa Diệu Thiện tu hành đắc đạo, hóa Phật, cứu độ chúng sinh.
Ngày 15.2 (tức mồng 6 tháng Giêng), tại Khu di tích, danh thắng chùa Hương Tích, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khai hội chùa Hương Tích - mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh 2024.
Chùa Hương Tích được xây dựng từ thời nhà Trần, nằm ở độ cao 650m so với mặt nước biển, tọa lạc trên lưng chừng đỉnh Hương Tích, đây là một trong những đỉnh núi đẹp nhất trong số 99 đỉnh núi Hồng - thuộc địa phận xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Tiết mục văn nghệ khai hội chùa Hương Tích
Chùa Hương Tích là một quần thể di tích văn hóa tôn giáo với rất nhiều công trình và hạng mục khác nhau. Ngoài thờ Phật ra thì tại đây vẫn còn thờ rất nhiều vị Thần khác theo tín ngưỡng văn hóa Việt Nam. Chùa có 3 khu vực chính bao gồm Am Thánh Mẫu, Đền Thiên Vương và Thượng Điện. Trong số đó nổi bật nhất là Cung Tam Bảo, tại đây hiện đang đặt 54 pho tượng Phật bằng gỗ quý với lịch sử hàng nghìn năm.
Lễ hội tại chùa Hương Tích được tổ chức sau Tết Nguyên Đán, lễ hội sẽ được diễn ra từ đầu tháng Giêng kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Ngày 18.2 hàng năm, là ngày chính của lễ hội tại chùa và đây cũng là ngày mà nàng công chúa Diệu Thiện hóa thành Phật.
Nếu như những năm trước, lễ hội do tỉnh chủ trì thì năm 2024, phần việc này sẽ do huyện Can Lộc thực hiện, Sở VHTTDL Hà Tĩnh hướng dẫn và phối hợp triển khai một số phần việc.
Đông đảo người dân, du khách đến hội Chùa Hương Tích
Ông Đặng Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc cho biết: "Để tổ chức các trò chơi dân gian tại lễ khai hội chùa Hương Tích, chúng tôi đã chỉ đạo các thôn cắt cử người tham gia đội kéo co, đấu vật tích cực tập luyện. Về hội thi mâm ngũ quả, phân công Hội LHPN xã chủ trì, cắt cử phân công chị em chuẩn bị bằng cách thực hành trước khi hội thi diễn ra. Ngoài ra, là địa phương diễn ra lễ hội, chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền đến người dân về tinh thần đón tiếp du khách thập phương, ứng xử văn hóa, văn minh, tăng cường vệ sinh môi trường khu dân cư, các tuyến đường trước và suốt mùa lễ hội...Chúng tôi mong muốn tham gia lễ khai hội, du khách được hoà mình vào không gian văn nghệ với nhiều tiết mục đặc sắc, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong sự kiện mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh".
Với sự linh thiêng của chùa và vẻ đẹp của thiên nhiên, những năm qua, du khách đến với Hương Tích tự ngày càng tăng (năm 2023 đạt hơn 150 vạn lượt khách, tăng 70 vạn so với năm 2022).
Cùng với đó, việc đầu tư, tôn tạo, nâng cấp khu di tích cũng được tỉnh, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, bà con nhân dân, các tăng ni phật tử quan tâm góp công, góp của, góp sức từng bước xây dựng hệ thống hạ tầng để chùa trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Tại lễ hội, ngoài các phần lễ, tế lễ, dâng hương chiêm bái cúng Phật và tham quan du ngoạn cảnh đẹp, du khách còn được tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian, tham quan trưng bày các sản phẩm đặc trưng của Hà Tĩnh.
Quét mã QR người dân, xem mô hình du khách tìm hiểu được thông tin về ngôi chùa được mệnh danh “Hoan Châu đệ nhất danh lam”
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng Ban Quản lý khu du lịch chùa Hương Tích cho biết: Việc tổ chức khai hội chùa Hương Tích, sự kiện mở đầu cho năm du lịch Hà Tĩnh 2024 là dịp quảng bá hình ảnh con người và những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của tỉnh; đồng thời góp phần lan tỏa vẻ đẹp, các giá trị văn hóa của ngôi chùa được mệnh danh “Hoan Châu đệ nhất danh lam”. Đến với chùa Hương Tích du khách có thể mua vé du thuyền hồ, trải nghiệm xe điện và hệ thống cáp treo hiện đại. Để tránh việc quá nhiều người thắp hương, Ban Quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích quy định mỗi người chỉ được thắp một cây. Năm nay đơn vị đã bố trí thêm điểm bán vé cũng như các dịch vụ đi kèm để người dân, du khách có nhiều lựa chon và trải nghiệm tốt nhất khi lên chùa thắp hương, vãn cảnh.
PHẠM TƯỚC