Thừa Thiên Huế:
Hơn 452.000 trang tư liệu Hán Nôm được số hóa
VHO - Trong vòng 5 năm (từ 2020 - 2024), Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các đơn vị tiến hành số hóa gần 131.000 trang tư liệu Hán Nôm với khoảng 2.866 đầu tài liệu.
Chiều ngày 30.12, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổng kết Chương trình sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị Hán Nôm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2024.
Theo bà Hoàng Thị Kim Oanh, 5 năm vừa qua, thư viện đã phối hợp với các đơn vị thực hiện khảo sát, số hóa được gần 131.000 trang tư liệu, tương ứng 2.866 đầu tài liệu. Riêng trong năm 2024, đã thực hiện khảo sát, số hóa tư liệu Hán Nôm tại 8 xã của 2 huyện Phong Điền và Quảng Điền với 25.610 trang tư liệu
Từ khi tiến hành công tác số hóa năm 2009 đến nay, đã có hơn 452.000 trang tư liệu Hán Nôm tương ứng với 5.971 đầu tài liệu ở 222 làng, 1.058 họ tộc và 22 phủ đệ, 4 tư gia được số hóa.
Tư liệu Hán Nôm được số hóa đều là văn bản gốc và đa dạng với nhiều chất liệu, loại hình tài liệu khác nhau với nội dung phong phú, có giá trị ở nhiều lĩnh vực như: văn bản học, lịch sử - văn hóa, phong tục, tập quán…
Từ kết quả sưu tầm, số hóa tư liệu Hán Nôm, Thư viện Tổng hợp tỉnh cũng đã thực hiện phân loại các loại hình tư liệu, biên mục lên hệ thống phần mềm Emiclib nhằm đáp ứng nhu cầu tìm kiếm và khai khác cho người sử dụng.
Cùng với đó, thư viện phối hợp với các Phòng VHTT và UBND các xã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các chủ sở hữu tài liệu Hán Nôm về phương pháp bảo quản, tu bổ, phục chế tài liệu. Tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ viên chức, người lao động làm công tác thư viện trong các thư viện trên địa bàn tỉnh...
Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, đội ngũ thực hiện công tác chuyên môn về số hóa và biên mục tài liệu Hán Nôm của thư viện còn rất hạn chế, phải có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Đến nay, nhờ có sợ hỗ trợ tạo điều kiện của các địa phương, làng xã, họ tộc nên việc triển khai sưu tầm, số hóa đã có nhiều kết quả tích cực; hiện còn 8 xã trên địa bàn huyện Phong Điền chưa số hóa và sẽ tiếp tục được triển khai sớm.
Qua các hoạt động của chương trình đã góp phần nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy giá trị di sản Hán Nôm tại các làng xã, họ tộc. Sắp tới, ngành văn hóa cũng kiến nghị UBND tỉnh triển khai giai đoạn 2, trong đó tập trung công việc phân mục, biên mục các tài liệu; ưu tiên chọn một số chuyên gia am hiểu về Hán Nôm để đào tạo cho các thể hệ trẻ; huấn luyện thêm kỹ thuật bảo quản tư liệu chuyên sâu...
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao tặng Bằng khen cho 6 tập thể và 6 cá nhân; Giám đốc Sở VHTT đã tặng Giấy khen cho 5 tập thể và 7 cá nhân đã có nhiều thành tích trong công tác sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020 - 2024.