Thừa Thiên Huế tích cực bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hán - Nôm

VHO- Nguồn tư liệu Hán - Nôm từ cộng đồng làng xã, tư gia, phủ đệ… trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được sưu tầm, số hóa và bảo tồn một cách bài bản, khoa học. Qua đó góp phần giữ gìn và phát huy nguồn di sản tư liệu quý và có giá trị này.

Thừa Thiên Huế tích cực bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hán - Nôm - Anh 1

 Tham quan không gian trưng bày các sc phong, bng cp, văn bn Hán - Nôm quý

Ngày 28.12, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế đã sơ kết 2 năm triển khai sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán - Nôm trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2021-2022). Đồng thời trao chứng nhận cho các chủ sở hữu tư liệu Hán - Nôm. Ông Võ Mảnh, 67 tuổi, đại diện họ Võ tại làng Xuân Ổ, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, vui mừng cho biết trải qua thời gian ảnh hưởng bởi chiến tranh và thời tiết khắc nghiệt, nhiều văn bản lâu đời của họ tộc đã bị hư hại, rách nát. Nếu không được bảo quản kịp thời, rất khó để gìn giữ những tư liệu này cho con cháu đời sau. Tháng 10.2022 vừa qua đã rất may mắn gặp đoàn cán bộ của thư viện về khảo sát, sưu tầm và đã tiến hành khai mở hòm tư liệu, số hóa và lưu trữ cho họ tộc.

Ngoài việc tiếp nhận, số hóa nguồn tài liệu quý cho các họ tộc ở làng, xã, nhiều chủ sở hữu và đại diện sở hữu cũng được tham gia tập huấn, tiếp cận, hướng dẫn về công tác bảo tồn và phục chế tư liệu quý này. Bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh cho biết, trong 2 năm 2021-2022, bộ phận chuyên môn của thư viện đã tiến hành số hóa được 1.440 đầu tài liệu, tương ứng với gần 71.500 trang, với các thể loại như sắc phong, gia phả, văn tế, bằng cấp, địa bạ, văn bản hành chính, hương ước, văn cúng... Trong đó, năm 2021, thư viện đã đẩy mạnh công tác khảo sát, điền dã và sưu tầm tư liệu Hán - Nôm tại 98 làng của 15 xã, thị trấn thuộc các huyện: Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền; đồng thời thực hiện số hóa tư liệu tại 26 làng với 197 họ tộc ở 4 huyện và 1 tư gia ở TP Huế với 53.542 trang, tương ứng với 1.119 đầu tư liệu. Năm 2022, đơn vị tiếp tục tiến hành sưu tầm, số hóa tư liệu Hán - Nôm trên địa bàn huyện Phú Vang và TP Huế với số lượng 17.955 trang tương ứng 321 đầu tài liệu.

Thực tế công tác này đã được ngành văn hóa phối hợp với các chuyên gia của Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM triển khai từ năm 2009, và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến nay, đã số hóa hơn 417.955 trang tư liệu tương ứng với 5.211 đầu tài liệu ở 187 làng, 923 họ tộc và 18 phủ đệ, tư gia. Những tài liệu được sưu tầm đều là văn bản gốc, khá đầy đủ và đa dạng các loại hình tư liệu Hán - Nôm ở Thừa Thiên Huế. Các văn bản được thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau với nội dung phong phú và có giá trị trên nhiều lĩnh vực như văn bản học, lịch sử - văn hóa, tư tưởng và phong tục tập quán… Trong 2 năm qua, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã triển khai nhiều lớp tập huấn ở các huyện Quảng Điền, Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc... Qua đó, đã có 300 học viên là các chủ sở hữu đã được trang bị kiến thức và kỹ năng về công tác bảo quản, lưu giữ tư liệu Hán - Nôm. Ngoài ra, thư viện cũng cử đoàn cán bộ tham gia tập huấn bảo quản, tu bổ, phục chế tài liệu Hán - Nôm tại TP.HCM; mở khóa tập huấn cho đội ngũ viên chức, người lao động làm công tác thư viện trong hệ thống các thư viện công cộng, thư viện các trường đại học, cao đẳng, hệ thống bảo tàng trên địa bàn tỉnh...

Đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, thư viện đã xây dựng và vận hành phần mềm quản lý toàn diện dựa trên nền tảng công nghệ và phù hợp với xu thế phát triển chung. Hệ thống tài liệu Hán - Nôm đã được số hóa trong năm 2021 và 2022, thư viện đã triển khai phân loại, biên mục để lưu trữ trong hệ thống lưu trữ của thư viện. Từ nguồn tư liệu này, đơn vị cũng đã tuyển chọn, phục chế nguyên gốc 60 sắc phong, hơn 200 bằng cấp quý hiếm để phục vụ công tác trưng bày, quảng bá giá trị tư liệu Hán - Nôm. Thời gian tới, thư viện tiếp tục nghiên cứu phục chế một số tài liệu Hán - Nôm quý hiếm bị hư hỏng nặng, ưu tiên bảo quản các tư liệu quý hiếm, khó bảo quản lâu dài. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng trong 2 năm qua, các đơn vị và địa phương đã tích cực phối hợp triển khai một cách bài bản, công phu từ việc tổ chức các nghi lễ truyền thống đến công tác số hóa, phiên dịch, phân loại, bảo quản và phục hồi, lưu trữ và phát huy giá trị tài liệu. Thư viện đã biên soạn và in ấn 2 công trình: Bằng cấp quan chức triều Nguyễn tại Thừa Thiên Huế (năm 2021), Văn thư - đơn từ Hán - Nôm các làng tại Thừa Thiên Huế (năm 2022). Trong thời gian tới, đề nghị thư viện kết nối các chuyên gia biên soạn, xuất bản các ấn phẩm liên quan đến tư liệu Hán - Nôm ở Huế, cũng như chú trọng lập website, thư mục giới thiệu, quảng bá loại hình di sản này. 

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc