Hội An sẽ khen thưởng đơn vị, tổ chức tham gia tu bổ di tích Chùa Cầu

KHÁNH CHI

VHO -Vào dịp khánh thành công trình tu bổ di tích Chùa Cầu , UBND thành phố Hội An sẽ khen thưởng để động viên, ghi nhận những nỗ lực của đơn vị thi công và quản lý dự án tu bổ di tích Chùa Cầu.

 Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, vào chiều mai, ngày 3.8, nhân dịp khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu (cầu Nhật Bản- Lai Viễn Kiều), UBND TP Hội An sẽ khen thưởng cho đơn vị thi công và đơn vị quản lý dự án nhằm động viên, ghi nhận những nỗ lực của các đơn trong công tác trùng tu di tích này.

Hội An sẽ khen thưởng đơn vị, tổ chức tham gia tu bổ di tích Chùa Cầu - ảnh 1
Di tích Chùa Cầu sau tu bổ thắp sáng trong không gian đêm phố cổ 

Ngoài ra, UBND thành phố Hội An cũng sẽ có thư khen gửi quỹ Sumitomo Nhật Bản và Tổng cục Văn hóa Nhật Bản vì đã có đóng góp quan trọng trong quá trình hỗ trợ, giám sát, trùng tu di tích Chùa Cầu.

Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu do Công ty TNHH Xây dựng TNHH Kim An thực hiện, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An là đơn vị giám sát, quản lý trong quá trình tổ chức để trùng tu di tích Chùa Cầu.

Theo UBND thành phố Hội An, 2 đơn vị trên đã rất nỗ lực hoàn thành dự án một cách thành công, dù quá trình trùng tu gặp nhiều khó khăn.

Hội An sẽ khen thưởng đơn vị, tổ chức tham gia tu bổ di tích Chùa Cầu - ảnh 2
Hình ảnh tư liệu quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu

Di tích Chùa Cầu đã trải qua 400 năm tồn tại với ít nhất 7 lần trùng tu, sửa chữa lớn nhỏ trong lịch sử. Qua nhiều tư liệu cho biết, từ khi được xây dựng đến cuối thế kỷ 20, Chùa Cầu đã được tu bổ ít nhất 7 lần vào các năm 1763, 1817, 1875, 1915, 1962, 1986, 1996.

Mặc dù được các thế hệ cư dân Hội An trân trọng, gìn giữ cẩn thận nhưng dưới tác động khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên, thời gian, Chùa Cầu không tránh khỏi xuống cấp và việc tu bổ di tích trở nên cấp thiết nhằm giữ gìn toàn vẹn và lâu dài giá trị của di tích.

Với ý nghĩa và giá trị đặc biệt nêu trên, việc tu bổ di tích Chùa Cầu được xem là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, cần quan tâm và thực hiện một cách hết sức thận trọng, tỉ mỉ, bài bản, khoa học trong tất cả các khâu từ nghiên cứu, khảo sát xây dựng phương án đến tổ chức triển khai thi công tu bổ.

Hội An sẽ khen thưởng đơn vị, tổ chức tham gia tu bổ di tích Chùa Cầu - ảnh 3
Hình ảnh tư liệu quá trình tu bổ Chùa Cầu

Cuối tháng 12.2022, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu chính thức khởi công. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách TP Hội An bố trí 50%, UBND TP Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An thực hiện, Trung tâm Tư vấn bảo tồn di tích - Viện Bảo tồn di tích là đơn vị tư vấn.

UBND thành phố Hội An cũng cho biết thêm, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 20 tỉ đồng nhưng gói thầu thi công giá trúng thầu chỉ gần 13 tỉ đồng, phần còn lại là chi phí quản lý dự án, các hoạt động hội thảo, hội nghị, riêng phần nhà bao che đã hơn 4 tỉ đồng.

Hội An sẽ khen thưởng đơn vị, tổ chức tham gia tu bổ di tích Chùa Cầu - ảnh 4
Một số chi tiết như màu vôi tường, ngói,… gây tranh cãi vì cho là "được làm mới"

Trong quá trình tu bổ, dự án này nhận được khá nhiều sự quan tâm của người dân, các chuyên gia trong nước và quốc tế. Thành phố Hội An đã tổ chức nhiều lần tham vấn ý kiến của các chuyên gia về một số hạng mục quan trọng. thậm chí nhiều nội dung gây tranh cãi nhiều chiều như nên tu bổ mặt sàn Chùa Cầu cong hay thẳng,….UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất gia hạn thời gian thi công tu bổ công trình bởi tính chất quan trọng của di tích này để nhằm hoàn thành các công việc, khối lượng còn lại của dự án.

Ngay trước thời điểm khánh thành, khi vừa tháo dỡ nhà bao che dự án, diện mạo của di tích Chùa Cầu sau trùng tu cũng nhận được nhiều ý kiến nhiều chiều, tranh luận xoay quanh, xuất phát từ luồng ý kiến cho rằng màu vôi và một số họa tiết làm mới màu sắc quá mới, quá sáng khiến di tích trông lạ lẫm.

Tuy nhiên, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực bảo tồn di tích đều khẳng định dự án trùng tu Chùa Cầu đã thành công.

Hội An sẽ khen thưởng đơn vị, tổ chức tham gia tu bổ di tích Chùa Cầu - ảnh 5
Hình ảnh trên mái di tích Chùa Cầu sau trùng tu

Như Văn Hóa đã thông tin, hình ảnh của Chùa Cầu sau trùng tu những ngày qua gây tranh cãi nhiều chiều trong cộng đồng mạng.

Nghiêm trọng hơn, một số người đưa thông tin về việc mất cắp đĩa cổ trên mái di tích Chùa Cầu. Sau đó những người này đã thừa nhận đây là thông tin sai và lên tiếng xin lỗi.

Trên mạng xã hội lan truyền thông tin nghi vấn về việc trên mái Chùa Cầu có quá nhiều đĩa mới. Một tài khoản Facebook còn đặt nghi vấn "mất cắp khi bảo tồn" đối với các đĩa trang trí trên mái Chùa Cầu, kèm theo đó là hình ảnh Chùa Cầu trước và sau khi trùng tu để so sánh.

Liên quan đến những thông tin sai sự thật về di tích Chùa Cầu sau trùng tu lan truyền trên mạng xã hội, Công an thành phố Hội An cho biết đơn vị đang phối hợp với Phòng An ninh Chính trị nội bộ (Phòng PA03), Công an tỉnh Quảng Nam để rà soát, xác minh những người lợi dụng việc trùng tu Chùa Cầu đưa thông tin thất thiệt, từ đó xử lý theo quy định của Luật An ninh mạng.

Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An khẳng định, thông tin mất đĩa cổ trên mái Chùa Cầu hoàn toàn là xuyên tạc, vu khống.

Theo ông Ngọc, toàn bộ đĩa mặt tiền diềm mái phần cầu được đánh số và đến 80% được tận dụng trở lại như vị trí cũ. Hai đầu cầu chỉ thay một số vị trí đĩa đã mất hoàn toàn. Bờ nóc, bờ chảy các đĩa gốc bị nứt nhẹ đã được xử lý và trả lại. Chi tiết cụ thể các phần này có hình ảnh hiện trạng đã chụp, ghi chép và hoàn thành thực tế.

Lãnh đạo thành phố Hội An cũng cho biết những hình ảnh trên mạng không chính xác. Đĩa lắp trên Chùa Cầu sau khi trùng tu hầu hết sử dụng lại đĩa cũ. Ngoài ra, đây cũng không phải đĩa cổ mà là đĩa từ đợt trùng tu năm 1986.