Hoàn thành tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

TÙNG QUANG

VHO - Chào mừng ngày kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám (19.8.1945 – 19.8.2024) và Quốc khánh 2.9, Chương trình khánh thành và bàn giao Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Hội Nhà báo Việt Nam và Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thái Nguyên đồng tổ chức sẽ diễn ra sáng 9.8.2024 tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Hoàn thành tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - ảnh 1
Các đại biểu dự Lễ khánh thành bia Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ (ngày 4.4.2019). Ảnh: Tư liệu

Theo Hội Nhà báo Việt Nam, đây cũng là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động hướng tới 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 – 21.6.2025) và 75 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21.4.1950 – 21.4.2025).

Cách đây 75 năm (ngày 4.4.1949), giữa núi rừng ATK Việt Bắc, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã ra đời. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của Báo chí Cách mạng Việt Nam và cũng là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ngày 28.3.2019, Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 1182/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại khu vực khoanh định Di tích thuộc thửa 32, tờ bản đồ 47, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Trên cơ sở đó, ngày 4.4.2019, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức long trọng Lễ khánh thành Bia Di tích nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Hoàn thành tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - ảnh 2
Công trình Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã hoàn thành cơ bản các hạng mục chính. Ảnh: Hội Nhà báo VN

Năm 2024, thiết thực chào mừng 75 năm Ngày thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, với mong muốn khai thác và phát huy hiệu quả những giá trị lịch sử to lớn của Di tích, bổ sung thêm một điểm đến ý nghĩa trên bản đồ báo chí Việt Nam đương đại, đáp ứng mong mỏi của các thế hệ người làm báo cả nước, hấp dẫn công chúng trong và ngoài nước, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử đối với thế hệ trẻ, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND và các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Ngày 18.1.2024, Lễ khởi công tu bổ tôn tạo Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được tổ chức. Tới nay, sau 7 tháng thi công, với sự phối hợp rất tích cực của lãnh đạo và các ban ngành tỉnh Thái Nguyên, huyện Đại Từ, xã Tân Thái và sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), công trình Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã hoàn thành cơ bản các hạng mục chính.

Với nỗ lực không chỉ tái hiện lịch sử mà còn đảm bảo tính mỹ thuật cao cũng như bổ sung các công năng cần thiết, ngoài Bia Di tích đã được dựng từ 2019, quá trình tu bổ, tôn tạo hiện có các cấu phần như sau:

Nhà trưng bày - Bảo tàng thu nhỏ về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, dưới hình thức căn nhà cấp 4 rộng 80m2 xây trên đồi cao, phỏng dựng theo tài liệu ghi chép và một số hình ảnh tư liệu để lại, xưa là nhà tre nứa, nay là nhà khung gỗ, mái lá nhân tạo chống cháy.

Nhà sàn - Bảo tàng thu nhỏ trưng bày về Báo chí Chiến khu Việt Bắc 1946 - 1954, rộng 80m2, phỏng dựng từ ngôi nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh, nơi chỉ đạo trực tiếp các hoạt động báo chí kháng chiến và cũng là nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam năm 1950.

Phù điêu với 48 chân dung các thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên của Trường.

Hội trường trong lòng đồi phục vụ hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác, có sức chứa trên 150 người.

Quảng trường mini phục vụ tổ chức sự kiện, rộng 200m2...

Hoàn thành tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - ảnh 3
Khu vực sân là quảng trường phục vụ tổ chức sự kiện, rộng 200 m2, nổi bật là một tấm phù điêu lớn. Ảnh: Hội Nhà báo VN

Di tích sau khi tu bổ, tôn tạo dự kiến sẽ được khai thác, tổ chức đón tiếp các đoàn khách tham quan, các nhà báo về nguồn, các sinh viên và học sinh học tập và trải nghiệm về lịch sử báo chí; đồng thời là nơi tổ chức các hội nghị, hội thảo về báo chí, tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn, nơi phát thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, lễ trao các giải báo chí khu vực và địa phương…

Đặc biệt, Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn khi đi vào hoạt động, các trưng bày về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và Báo chí Chiến khu Việt Bắc tại đây không chỉ góp phần lưu giữ và giới thiệu những tư liệu, hiện vật báo chí giá trị giai đoạn 1946-1954 mà còn khẳng định được những thành quả to lớn của Báo chí Cách mạng Việt Nam trong các cuộc đấu tranh vệ quốc và trong hành trình kiến thiết đất nước.

“Chúng tôi dự kiến sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để đưa di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng vào danh mục các điểm tham quan “Thủ đô gió ngàn” - Thủ đô của đất nước trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (gồm Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn), trong đó Thái Nguyên giữ vị trí đặc biệt quan trọng, vị trí trung tâm của “Thủ đô kháng chiến”. Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến với các Hội Nhà báo địa phương, các Liên Chi hội và Chi hội Nhà báo trong toàn quốc với mong muốn tất cả giới báo chí thấy rõ tầm quan trọng của di tích này, từ đó coi đây là một “địa chỉ đỏ” để các nhà báo, nhất là các nhà báo trẻ, hướng về nguồn, để tìm hiểu lịch sử báo chí hào hùng, nghe kể chuyện về lớp lớp đàn anh đi trước và xây đắp cho tương lai của báo chí nước nhà”, nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết.

Chúng tôi dự kiến sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để đưa di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng vào danh mục các điểm tham quan “Thủ đô gió ngàn” - Thủ đô của đất nước trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (gồm Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn), trong đó Thái Nguyên giữ vị trí đặc biệt quan trọng, vị trí trung tâm của “Thủ đô kháng chiến”. Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến với các Hội Nhà báo địa phương, các Liên Chi hội và Chi hội Nhà báo trong toàn quốc với mong muốn tất cả giới báo chí thấy rõ tầm quan trọng của di tích này, từ đó coi đây là một “địa chỉ đỏ” để các nhà báo, nhất là các nhà báo trẻ, hướng về nguồn, để tìm hiểu lịch sử báo chí hào hùng, nghe kể chuyện về lớp lớp đàn anh đi trước và xây đắp cho tương lai của báo chí nước nhà.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam