“Địa chỉ đỏ” phát huy giá trị di sản báo chí Việt Nam

PHƯƠNG ANH

VHO - Lễ khánh thành, bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ được Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 9.8.2024, tại xã Tân Thái (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).

 “Địa chỉ đỏ” phát huy giá trị di sản báo chí Việt Nam - ảnh 1

Nhằm bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa báo chí Việt Nam, dự án “Tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên quyết định đầu tư đã hoàn thành các hạng mục chính để bàn giao cho đơn vị chức năng của tỉnh Thái Nguyên quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản. 

Lễ khánh thành, bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là sự kiện chính trị quan trọng, mở đầu cho chuỗi các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925- 21.6.2025).

 “Địa chỉ đỏ” phát huy giá trị di sản báo chí Việt Nam - ảnh 2
Hình ảnh di tích địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trong quá trình tu bổ, tôn tạo

Sự kiện góp phần đưa di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trở thành “địa chỉ đỏ”, phát huy đầy đủ giá trị lịch sử của người làm báo cách mạng, thúc đẩy công tác tuyên truyền, quảng bá công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế tại vùng chiến khu xưa.

Lễ khánh thành có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các Ban, Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thái Nguyên; thân nhân một số giảng viên, học viên của Trường; đại diện lãnh đạo các học viện, trường đại học đào tạo về báo chí; đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, lãnh đạo cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí…

Cùng trong khuôn khổ các hoạt động thiết thực hướng tới Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với BQL Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, UBND xã Tân Thái (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) và Nhị Vân Media tổ chức chương trình “Truyền thông, trải nghiệm thực tế: Lịch sử và di sản Báo chí cách mạng Việt Nam”. 

 “Địa chỉ đỏ” phát huy giá trị di sản báo chí Việt Nam - ảnh 3
Hội đồng thẩm định chụp bên phù điêu Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, bản đất

Nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết, chương trình nhằm thực hiện hiệu quả hoạt động tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong và ngoài nước về những di sản vô giá của báo chí cách mạng Việt Nam mà các thế người làm báo đã nỗ lực xây dựng và phát triển.

Chương trình diễn ra trong hai ngày, với nhiều hoạt động ý nghĩa. Khởi đầu với hoạt động tham quan, nghe thuyết minh về lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, các thành viên của hành trình trải nghiệm sẽ được hòa mình vào không khí hoài niệm của Bảo tàng Báo chí Việt Nam; lắng nghe những câu chuyện từ các hiện vật lịch sử vô giá, qua đó tái hiện bức tranh toàn cảnh lịch sử báo chí Việt Nam đầy sống động và cảm xúc. 

 “Địa chỉ đỏ” phát huy giá trị di sản báo chí Việt Nam - ảnh 4
Ký kết hợp tác “Truyền thông và Trải nghiệm thực tế: Lịch sử và Di sản Báo chí Cách mạng Việt Nam”

Hành trình tiếp tục “về nguồn”, đến với mảnh đất Tân Thái (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Tại điểm dừng chân ý nghĩa là Khu di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, các thành viên tham gia trải nghiệm sẽ được sống lại cùng lịch sử những năm đầu kháng chiến. 

Nơi này, lớp học dạy làm báo đầu tiên và duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp vẫn còn lưu lại nhiều dấu ấn ký ức vô giá. Từ mái lá đơn sơ, đội ngũ nhà báo tiên phong đã tỏa đi khắp muôn nẻo, chiến đấu và tác nghiệp ở những chiến trường ác liệt nhất, cống hiến và hy sinh cho Tổ quốc.

Trong ngày thứ hai, các hoạt động trải nghiệm sẽ diễn ra gồm: tham quan Khu du lịch Hồ Núi Cốc trên địa bàn xã Tân Thái (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên); trải nghiệm văn hoá địa phương.

 “Địa chỉ đỏ” phát huy giá trị di sản báo chí Việt Nam - ảnh 5
Ký kết hợp tác “Truyền thông và Trải nghiệm thực tế: Lịch sử và Di sản Báo chí Cách mạng Việt Nam”

Với 89 hòn đảo lớn nhỏ chạy dọc suốt 17km đường hồ, Hồ Núi Cốc được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn”. Khu danh thắng nổi tiếng với chuyện tình huyền thoại chàng Công - nàng Cốc không chỉ hấp dẫn với cảnh sắc hữu tình mà còn có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, kết hợp với nhiều trải nghiệm văn hóa đặc sắc.

 Để chuẩn bị cho chương trình  “Truyền thông, trải nghiệm thực tế: Lịch sử và Di sản Báo chí cách mạng Việt Nam”, Lễ ký kết hợp tác phối hợp tổ chức vừa diễn ra tại trụ sở xã Tân Thái (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).

Thông qua chương trình, Bảo tàng Báo chí Việt Nam mong muốn người làm báo cả nước, đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, các sinh viên, học sinh thêm hiểu hơn về Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, góp phần bồi đắp kiến thức khoa học lịch sử và văn hoá...