Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ở TP.HCM:

Hầu hết chưa đáp ứng được yêu cầu

THÙY TRANG

VHO - Tại Hội thảo chuyên đề “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở” do Sở VHTT TP.HCM tổ chức hôm qua 31.12, nhiều chuyên gia và cán bộ quản lý văn hóa địa phương cho rằng, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao (VHTT) và công tác quản lý hoạt động này ở TP.HCM hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, cần thiết phải có đánh giá toàn diện nhằm tìm ra giải pháp để cải tiến và đổi mới mạnh mẽ.

Hầu hết chưa đáp ứng được yêu cầu - ảnh 1
Trung tâm Văn hóa TP.HCM, một trong các thiết chế văn hóa đang trong tình trạng xuống cấp

 Theo TS Lê Thị Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, hệ thống thiết chế VHTT cơ sở đóng vai trò quan trọng, là cầu nối giữa chính quyền và người dân, nhằm duy trì và phát triển các hoạt động văn hóa, TDTT. Đây cũng là nơi bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy giao lưu văn hóa và lan tỏa các giá trị văn hóa của thời đại. Thực tế cho thấy, hệ thống thiết chế VHTT còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Phần lớn chưa đạt chuẩn theo quy định

Các bất cập chủ yếu bao gồm quy hoạch đất đai và quy mô xây dựng còn hạn chế, thiếu cơ sở vật chất hiện đại, vẫn còn tình trạng thiếu và thừa diện tích đất đai, lãng phí tài sản công. Các trung tâm VHTT còn gặp khó khăn về nguồn kinh phí và cơ chế hợp tác công tư, dẫn đến thiếu nguồn lực phát triển hệ thống này.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, về nhân lực, nhiều thiết chế VHTT chưa đáp ứng được yêu cầu công việc do thiếu chính sách đãi ngộ hợp lý. Việc sáp nhập các trung tâm VHTT cũng khiến tổ chức bộ máy gặp khó khăn. Các hoạt động VHTT hiện nay chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ chính trị, chưa đáp ứng đủ nhu cầu văn hóa tinh thần và rèn luyện sức khỏe của người dân… Đặc biệt, ở cấp khu phố, sau khi thực hiện Nghị quyết 11/2024 của HĐND TP.HCM về sáp nhập, chia tách khu phố, nhiều khu phố không còn trụ sở ổn định cho sinh hoạt văn hóa, ảnh hưởng đến hiệu quả phục vụ và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.

Thống kê của Sở VHTT TP.HCM cho biết, hệ thống thiết chế VHTT công lập trên địa bàn thành phố có khoảng 319 công trình, trong đó, hệ thống thiết chế thuộc ngành VHTT quản lý gồm 249 công trình. Theo ông Trần Thanh Vương, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VHTT TP.HCM), qua xem xét cơ sở vật chất dành cho công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học hiện nay đạt ở mức thấp. Hiện trạng cơ sở vật chất sử dụng cần phải nâng cao chất lượng các công trình TDTT lên trên 50%. Việc quy hoạch quỹ đất dành cho hệ thống thiết chế VHTT cơ sở còn hạn chế do quy mô dân số trên địa bàn thành phố ngày càng tăng, nhiều dự án quy hoạch phải ưu tiên xây dựng. Hệ thống thiết chế VHTT ở cấp phường, xã, thị trấn phần lớn chưa đạt chuẩn theo quy định, do không đáp ứng được yêu cầu về diện tích đất.

Theo nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, TP.HCM là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nhưng sự phát triển của các công trình VHTT vẫn còn hạn chế. Hầu hết các cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế.

Quy hoạch hệ thống thiết chế chưa bắt kịp sự phát triển

Hệ thống thiết chế văn hóa ở các phường, xã của thành phố hiện chỉ đạt 88/273 (32,2%) Trung tâm Văn hóa - Thể thao, trong đó chỉ có 36/88 (40,09%) trung tâm đạt chuẩn. Kết quả này chưa đạt mục tiêu đề ra của Thủ tướng Chính phủ là 80% các đơn vị hành chính cấp xã phải có Trung tâm Văn hóa - Thể thao, theo Quyết định số 2164/QĐ-TTg (mục tiêu đến năm 2020).

Theo Sở VHTT TP.HCM, nguyên nhân chính của vấn đề này là quỹ đất công ở các quận, huyện rất hạn chế, hầu như không còn đất hoặc nhà dành cho các cơ sở VHTT cấp phường, xã, thị trấn. Sau khi thực hiện việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, thành phố vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt VHTT của người dân. Hiện tại, hệ thống thiết chế VHTT cấp khu phố, ấp vẫn kết hợp với văn phòng khu phố, ấp. Cả thành phố có 1.990/4.861 điểm sinh hoạt VHTT (chiếm 40,09%), trong đó có 1.346 Nhà văn hóa - Khu thể thao đạt chuẩn, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu theo Quyết định số 2164/ QĐ-TTg. Vì vậy, cần tiến hành rà soát, đánh giá lại và nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn này, đồng thời đảm bảo phù hợp với đặc thù của thành phố.

Số lượng các công trình TDTT ở TP.HCM hiện nay là thấp nhất trong các thành phố trực thuộc Trung ương, với chỉ 15 công trình thi đấu đạt chuẩn quốc tế, tức là khoảng 1,5 công trình cho mỗi 10.000 người dân. Theo Quyết định số 2164/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế VHTT cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030, tỷ lệ xây dựng các thiết chế văn hóa vẫn chưa đạt kế hoạch, đặc biệt là ở cấp xã, phường. Ví dụ, quận 4 và quận 6 không có thiết chế văn hóa cấp phường. Bên cạnh đó, diện tích không gian công cộng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Thành phố cũng thiếu không gian nghệ thuật chuyên biệt cho các hoạt động sinh hoạt, trình diễn và kinh doanh văn hóa nghệ thuật, như các con đường nghệ thuật…

Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, cơ sở vật chất của ngành VHTT thành phố hiện đang quản lý chủ yếu là những công trình được xây dựng từ hơn chục năm qua, chưa được nâng cấp, mở rộng đúng quy chuẩn. Các mặt bằng hiện hữu đang dần xuống cấp, cần phải được đầu tư sửa chữa, xây dựng mới; một số nơi tận dụng công trình sẵn có nên quy mô, kiến trúc không phù hợp với yêu cầu sử dụng. Định mức chỉ tiêu quy hoạch dành cho các công trình VHTT vẫn còn thấp; chưa đủ sức thu hút, hoàn vốn tạo động lực đầu tư. Quỹ đất dành cho thiết chế VHTT còn hạn chế trong khi nhu cầu sử dụng tăng cao do quy mô dân số ngày càng gia tăng; quy chuẩn và tiêu chí Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, thị trấn không phù hợp với điều kiện đặc thù tại thành phố. Công tác quy hoạch xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa chưa bắt kịp sự phát triển chung của quy hoạch đô thị…

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật thành phố nhận định, sự phát triển và phân bố các thiết chế VHTT ở TP.HCM có tính chất manh mún, theo địa phương quận huyện, chưa mang tính tổng thể của tầm vóc đô thị hiện đại. Do đó, giải pháp theo hướng điều chỉnh quy hoạch sắp xếp lại theo phân bố dân cư thực tế ở thành phố có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu VHTT của nhiều thành phần cư dân.

Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM bày tỏ: “Qua những ý kiến từ các cơ sở, chúng ta nhận thấy hệ thống thiết chế VHTT cơ sở vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, chúng ta đã nỗ lực không ngừng. Diễn đàn này sẽ đúc kết lại những khó khăn, những điều chưa làm được. Điều quan trọng nhất là mục tiêu và tầm nhìn của lãnh đạo ở từng địa phương, quận, huyện. Trong thời gian qua, ngành văn hóa đã nhận được sự quan tâm lớn từ Đảng và Nhà nước thông qua nhiều Nghị quyết, chủ trương về văn hóa. Vai trò của văn hóa ngày càng được khẳng định, và hiện nay, các chính sách cũng bắt đầu đề cao vai trò của văn hóa, thể thao và du lịch. Vì vậy, dù còn khó khăn, nhưng chúng ta cũng đã nhận được sự quan tâm, và từ thực trạng khó khăn này, sẽ có những mô hình mới được hình thành. Chúng ta có niềm tin vào những thay đổi tích cực”.

 Theo Quyết định số 2164/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế VHTT cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030, tỷ lệ xây dựng các thiết chế văn hóa vẫn chưa đạt kế hoạch, đặc biệt là ở cấp xã, phường.

Ví dụ, quận 4 và quận 6 không có thiết chế văn hóa cấp phường. Bên cạnh đó, diện tích không gian công cộng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Thành phố cũng thiếu không gian nghệ thuật chuyên biệt cho các hoạt động sinh hoạt, trình diễn và kinh doanh văn hóa nghệ thuật, như các con đường nghệ thuật…