Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành VHTDL năm 2025:
Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho hôm nay và mai sau
VHO - Nhiều ý kiến, tham luận tại Hội nghị từ nhiều góc độ đã nhấn mạnh những thành tựu, kết quả tích cực toàn ngành VHTTDL đã đạt được trong năm qua. Các ý kiến khẳng định, những thành quả đạt được đã hội tụ, vun đắp, tạo động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: “Từ những câu chuyện văn hoá để tạo nên điểm nhấn đặc sắc”
Những thành tựu ngành VHTTDL đạt được trong năm vừa qua đến từ sự nỗ lực của toàn ngành.
Có thể nói, đầu tư, phát triển văn hoá chính là “vun trồng” con người và là sự đầu tư cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Ngành VHTTDL và Nông nghiệp trong năm 2024 đã có sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện phát triển các làng nghề, coi đây là một trong những “chất liệu” quan trọng để phát triển du lịch. Từng sản phẩm nông nghiệp, làng quê đều mang trong mình những câu chuyện văn hoá và được tái hiện lại bằng ngôn ngữ nghệ thuật, quảng bá đến bạn bè trong nước, quốc tế.
Có thể lấy ví dụ từ video Gia Lai - Miền sử thi, ca khúc Rock hạt gạo của ca sĩ Phương Mỹ Chi, bằng ngôn ngữ nghệ thuật, các tác phẩm đã khơi dậy sự tự hào về vẻ đẹp thiên nhiên và văn hoá Tây Nguyên, cũng như nền văn minh lúa nước.
Trong phát triển du lịch nông nghiệp, năm 2024, giữa hai ngành đã có sự trao đổi, hợp tác để phát triển, sáng tạo nên những sản phẩm du lịch nông nghiệp độc đáo dựa trên bản sắc văn hoá; lấy sức mạnh văn hoá để tạo nên sức mạnh về nông nghiệp; lấy nền tảng nông nghiệp để phát triển du lịch. Cùng với đó, đã có nhiều loại hình du lịch cộng đồng mang đậm dấu ấn giữa văn hoá và nông nghiệp. Nhiều làng du lịch ở những miền quê của Việt Nam được vinh danh là Làng du lịch tốt nhất thế giới.
Về một số giải pháp tăng cường hợp tác giữa Ngành VHTTDL và Nông nghiệp, cần chú trọng các ngành công nghiệp văn hoá, các lĩnh vực cần phát triển dựa trên nền tảng lịch sử, tri thức bản địa và văn hoá sáng tạo. Nếu kết hợp được những yếu tố trên, cộng với huy động được sức sáng tạo của người dân, đặc biệt là sức trẻ, các ngành công nghiệp văn hoá của Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ với nhiều điểm nhấn mới, mang tính đặc sắc.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy: “Hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố sáng tạo tại TP.HCM”
TP.HCM đang hướng tới trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực, đầu tư nguồn lực phù hợp và khuyến khích xã hội hóa, tập trung phát triển các ngành văn hóa có lợi thế, đóng góp vào GRDP thành phố. Quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2021-2030 đã xác định các mô hình phát triển và phân bổ nguồn lực cho các dự án đột phá.
Sự phát triển công nghiệp văn hóa TP.HCM gặp nhiều thách thức, đòi hỏi giải pháp cụ thể. Trong đó, tốc độ đô thị hóa nhanh và yêu cầu phát triển bền vững đặt ra nhu cầu bảo vệ môi trường văn hóa và bản sắc. Ngành công nghiệp văn hóa cần đổi mới tư duy, khắc phục tình trạng chênh lệch thu nhập, thiếu kỹ năng quản lý và ứng dụng công nghệ số.
Để phát triển công nghiệp văn hóa, TP.HCM sẽ đầu tư vào các thiết chế văn hóa hiện đại như phim trường, trung tâm biểu diễn, và cơ sở đào tạo chuyên ngành. Thành phố sẽ tăng cường liên kết quốc tế, xây dựng sản phẩm văn hóa quốc gia và quảng bá văn hóa Việt Nam. TP.HCM sẽ hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư, phát triển nhân lực và chương trình đào tạo chuyên nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và bảo vệ sở hữu trí tuệ. Với điện ảnh, TP.HCM sẽ trở thành Thành phố Điện ảnh và tái sử dụng di sản công nghiệp thành trung tâm sáng tạo. Thành phố cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo qua vườn ươm, tư vấn và kết nối đầu tư.
TP.HCM đề xuất các chính sách và cơ chế để phát triển công nghiệp văn hóa, bao gồm: giữ thuế suất VAT ưu đãi 5% cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, sản xuất và chiếu phim thay vì thuế suất 10%, nhằm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này; điều chỉnh các văn bản pháp lý cho phép thực hiện các dự án công nghiệp văn hóa theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với những dự án không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, nhằm thúc đẩy đầu tư; tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm văn hóa nghệ thuật, nâng cao giá trị thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế…
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà: “Điểm sáng trong tổng thể các ngành kinh tế Thủ đô”.
Năm 2024, trong bối cảnh tình hình chính trị - xã hội quốc tế có nhiều biến động lớn, diễn biến phức tạp, khó lường; nhiều ngành, lĩnh vực trong nước còn gặp khó khăn, thách thức; Du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Hà Nội nói riêng tiếp tục có sự phục hồi và phát triển tốt, là điểm sáng trong tổng thể các ngành kinh tế của Thủ đô.
Du lịch Thủ đô đã chủ động triển khai quyết liệt, sáng tạo các chỉ đạo, định hướng quan trọng của Bộ VHTTDL; đặc biệt là các văn bản lớn về phát triển du lịch được Bộ tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, thông qua đó đạt được nhiều kết quả, thành tích nổi bật.
Năm 2025 là năm cuối trong nhiệm kỳ 2021-2025, là năm nền tảng cho công tác hoạch định chính sách, định hướng phát triển du lịch Hà Nội nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở đó, cùng với việc nắm bắt được những thuận lợi cũng như nhận diện khó khăn, thách thức, du lịch Hà Nội đặt mục tiêu năm 2025 thu hút được trên 30 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với ước thực hiện năm 2024, với trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 27,3% và 23 triệu lượt khách nội địa, tăng 7%; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng, tăng 26,1% so với ước thực hiện năm 2024.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam: “Bảo tồn, đổi mới, sáng tạo và hội nhập văn hóa…”.
Văn hóa là linh hồn, cốt lõi định hình bản sắc dân tộc, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, nền tảng cho sự phát triển trường tồn của dân tộc. Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên hội nhập và phát triển mạnh mẽ, văn hoá Việt Nam đứng trước nhiều thời cơ cũng như thách thức quan trọng, đòi hỏi những giải pháp, hành động cấp thiết để thúc đẩy sự phát triển và vươn mình trên trường quốc tế, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên “vươn mình” của dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh những thời cơ, trong giai đoạn này, việc phát triển văn hóa Việt Nam gặp phải những vấn đề mang tính thách thức sau: Thách thức trong việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về văn hóa; Thách thức trong việc chuyển đổi mô hình từ quản lý tập trung sang mô hình phân cấp quản lý văn hóa; Thách thức về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực văn hóa; Thách thức về việc xây dựng con người Việt Nam với hệ giá trị văn hóa mới là giàu có, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm và tự cường; Thách thức về giáo dục, đào tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; Thách thức về ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; Thách thức về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tổng hợp của Việt Nam.
Một số giải pháp cấp thiết cần làm ngay gồm: Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, chính sách; Đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đầu tư vào giáo dục và đào tạo chuyên sâu trong các lĩnh vực như bảo tồn di sản, nghệ thuật, truyền thông văn hóa... để tạo ra một thế hệ chuyên gia có năng lực đóng góp vào việc phát triển văn hóa quốc gia; Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế và quảng bá mạnh mẽ văn hóa Việt Nam ra thế giới; Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa; Đổi mới tư duy, giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp xã hội; Tăng cường đầu tư cho văn hoá.
Trong kỷ nguyên mới, văn hóa chính là động lực phát triển bền vững của đất nước. Các giải pháp tập trung vào bảo tồn, đổi mới, sáng tạo và hội nhập văn hóa sẽ giúp Việt Nam không chỉ giữ gìn được bản sắc dân tộc mà còn vươn mình ra thế giới. Những nỗ lực này sẽ góp phần xây dựng một xã hội văn minh, giàu bản sắc và đầy sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển của kỷ nguyên mới.
Ông Phạm Cao Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL): “Công tác xây dựng văn bản pháp luật về VHTTDL góp phần tháo gỡ khó khăn, khắc phục điểm nghẽn”.
Về công tác xây dựng pháp luật, Bộ VHTTDL với chức năng, nhiệm vụ là một Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, hiện nay chúng ta đang có 11 Luật điều chỉnh 08 lĩnh vực, 55 Nghị định đang trực tiếp điều chỉnh các lĩnh vực của Ngành như: Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa, Luật Thư viện, Luật Quảng cáo, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Du lịch, Luật Thể dục thể thao.... Chúng ta hiện đang có trên 200 Thông tư của Bộ trưởng ban hành để quy định chi tiết các Luật, các nghị định và nhiều Thông tư trong đó ban hành để quy định các biện pháp quản lý nhà nước cần thiết cho công tác quản lý của Ngành.
Có thể thấy, trong 3 năm từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ đã chủ trì xây dựng khối lượng nhiều nhất các văn bản pháp luật đang điều chỉnh các lĩnh vực quản lý của ngành. Công tác xây dựng pháp luật là một công tác khó, từ việc tổng kết thực tiễn đến đề xuất chính sách, xây dựng dự thảo, lấy ý kiến đóng góp trong quá trình xây dựng dự thảo, quá trình dài tiếp thu, chỉnh lý, giải trình ... kể cả quá trình bảo vệ các quan điểm trong đề xuất các chính sách ...
Để đạt được những thành tích là sự cố gắng lớn của mỗi cán bộ, công chức, các cơ quan được lãnh đạo Bộ phân công, tham gia. Nhưng cố gắng là chưa đủ, để có được kết quả tốt đẹp phải từ sự quyết liệt trong hành động, sự tận tâm trong cống hiến. Tinh thần quyết liệt đã lan tỏa trong Bộ và đang thể hiện bằng những việc làm cụ thể thời gian vừa qua.
Về hệ thống pháp luật nói chung, như Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá “Nước ta đã hình thành hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, cơ bản điều chỉnh tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; tạo nền tảng pháp lý để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước...”.
Trong thành quả chung đó, có đóng góp rất quan trọng của Ngành, khi công tác xây dựng các văn bản pháp luật về VHTTDL là một bộ phận góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục điểm nghẽn, điều chỉnh các mặt trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành. Một hệ thống các văn bản pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch đồng bộ là cơ sở để chúng ta thực hiện chuyển từ tư duy làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, khơi thông nguồn lực cho thể thao, tạo hành lang thông thoáng cho du lịch phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long: “Văn hóa cơ sở gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới”
Xác định được tầm quan trọng của phát triển đời sống văn hóa cơ sở gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng con người văn hóa Nghệ An là một trong những giải pháp để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa, Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Nhiều năm qua và đặc biệt trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Nghệ An đã tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp từ phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, nhân rộng mô hình văn hóa tiêu biểu gắn với xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở...
Đối với lĩnh vực bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, hiện nay toàn tỉnh Nghệ An đang lưu giữ hệ thống di sản phong phú, đa dạng với 2602 di tích- danh thắng, 485 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 6 di tích quốc gia đặc biệt, 145 di tích cấp quốc gia, 334 di tích cấp tỉnh, gần 50 nghìn hiện vật, di vật, cổ vật. Có 546 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 89 di sản lễ hội, 6 di sản tiếng nói, chữ viết, 68 di sản nghề thủ công truyền thống, 47 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, 29 di sản ngữ văn dân gian, 147 di sản tập quán xã hội, 160 di sản tri thức dân gian.
Trong đó, Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cũng có mặt ở Nghệ An và 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Một số di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đã được đồng bào các dân tộc gìn giữ và phát huy tốt trong đời sống cộng đồng như: trình diễn nghệ thuật dân gian, dân ca Ví Giặm, ca trù, lễ hội truyền thống, nghề truyền thống... đã tạo nên sự đa dạng, phong phú trong đời sống văn hóa cơ sở.
Giám đốc Sở VHTT TP. Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai: “Chính sách của thành phố Hải Phòng dành cho phát triển thể thao”
TP. Hải Phòng đã và đang tích cực triển khai nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển thể thao ở mọi cấp độ, từ phong trào quần chúng đến thể thao thành tích cao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời xây dựng môi trường sống lành mạnh, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - thể thao, cũng như đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đặc biệt là chính sách phát triển thể thao thành tích cao.
Những Nghị quyết định hướng cho sự phát triển của Thể thao thành tích cao đã được ban hành và tạo ra những tác động rất tích cực cho thành tích Thể thao thành phố trong những năm gần đây.
Từ những sự quan tâm trên, thành tích vận động viên của TP. Hải Phòng ở các giải quốc tế đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng huy chương quốc tế khi lần lượt là 45 huy chương năm 2022, 51 huy chương năm 2023, nổi bật là tấm HCV của xạ thủ Phạm Quang Huy đạt được tại ASIAD Hàng Châu - Trung Quốc năm 2023, đây là tấm huy chương Vàng đầu tiên của Thể thao Hải Phòng và của Bắn súng Việt Nam tại đấu trường ASIAD.
Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đồng Nai Lê Thị Ngọc Loan: “Xây dựng môi trưởng văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp”
Xây dựng môi trường văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai là một công việc quan trọng, không chỉ giúp cải thiện chất lượng sống của người lao động mà còn thúc đẩy năng suất lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất góp phần xây dựng danh hiệu doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá.
Ngành VHTTDL tỉnh luôn nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa nói chung, cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp nói riêng; xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tính đến ngày 30.11.2024, toàn tỉnh có trên 1.600 doanh nghiệp với gần 600.000 công nhân lao động, trong đó, công nhân các khu, cụm công nghiệp khoảng 139.000 người.
Để xây dựng môi trường văn hoá cho công nhân trong các khu công nghiệp cần thực hiện tốt các giải pháp: Tạo dựng không gian sinh hoạt văn hóa, xây dựng các trung tâm VHTT; Xây dựng các chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với nhu cầu của công nhân; Tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa, giải trí; Chăm sóc sức khỏe và đời sống công nhân; Tăng cường giao tiếp và đối thoại, tổ chức các cuộc đối thoại định kỳ giữa công nhân với lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp, nhu cầu của công nhân, từ đó cải thiện môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ.
Việc xây dựng môi trường văn hóa cho công nhân không chỉ nhằm nâng cao đời sống tinh thần mà còn giúp phát triển một cộng đồng lao động đoàn kết, sáng tạo và hiệu quả. Các doanh nghiệp ở tỉnh Đồng Nai cần xây dựng các mô hình này để cải thiện chất lượng sống cho công nhân và xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, tích cực.