Giữ gìn và phát huy nghề làm bún hơn 400 năm

SƠN THÙY

VHO - Trong hai ngày 18-19.2, thị xã Hương Trà (TP Huế) tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội ẩm thực di sản bún Việt - Làng bún Vân Cù và đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề làm bún Vân Cù, xã Hương Toàn.

Giữ gìn và phát huy nghề làm bún hơn 400 năm - ảnh 1
Bún tươi Vân Cù được người Huế sử dụng trong món bún bò Huế nổi tiếng

 Tháng 12.2024, Bộ VHTTDL đã có quyết định đưa nghề làm bún Vân Cù của tỉnh Thừa Thiên Huế, nay là TP Huế vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là làng nghề có lịch sử hơn 400 năm, là địa phương duy nhất ở miền Trung tổ chức lễ tế vị tổ nghề Bà Bún vào ngày 22 (âm lịch) tháng Giêng. Trước đó, từ năm 2014, làng nghề bún Vân Cù đã được công nhận là làng nghề truyền thống của Huế.

Hiện nay, làng nghề bún Vân Cù có hơn 100 hộ dân tham gia sản xuất với hơn 300 lao động thường xuyên và nhiều lao động tham gia vào các dịch vụ cung cấp nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm. Đại diện lãnh đạo UBND xã Hương Toàn thông tin, mỗi ngày, làng bún Vân Cù sản xuất khoảng 25-28 tấn bún (bún tươi), trong đó, trung bình mỗi hộ sản xuất và tiêu thụ hơn 200 kg bún/ngày.

Nghề làm bún đã trở thành nghề chính, có hộ gia đình thu nhập từ 25-30 triệu đồng/tháng, mang lại nguồn kinh tế bền vững cho dân cư địa phương. Đặc biệt vào những dịp lễ Tết, sản lượng bún tăng gấp 2,3 lần so với ngày thường. Bún Vân Cù được phân phối khắp các chợ, cơ sở kinh doanh trên địa bàn và vùng lân cận.

Theo người dân địa phương, bún Vân Cù nổi tiếng bởi trong quá trình sản xuất, người làm bún không dùng bất cứ chất phụ gia nào trừ muối sống để ngâm, vo gạo, nuôi bột nhằm làm sạch các tạp chất, khử khuẩn, khử chua. Vì thế bún cũng chỉ để được ở môi trường tự nhiên trong 24h, và cũng là “lợi thế” mà nhiều người tiêu dùng chọn lựa.

Đặc trưng của bún Vân Cù là sợi mịn, có màu trắng trong, bề mặt bóng, khi ăn không chua mà thơm mùi bột, không bở mà cũng không quá dai. Nhiều năm qua, với sự hỗ trợ của máy móc và nguồn nước máy sạch, giúp tăng sản lượng, rút ngắn thời gian. Tuy nhiên, ở một số công đoạn, người dân vẫn đảm bảo các quy trình truyền thống để đảm bảo chất lượng, tạo ra những mẻ bún ngon khác biệt với nghề bún ở các địa phương khác. Đó cũng là cách để bảo tồn các giá trị phi vật thể gắn với nghề bún Vân Cù hiện nay.

Phát triển nghề thủ công đi đôi với bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những tiêu chí quan trọng để phát triển bền vững của làng nghề bún Vân Cù. Nguồn nước thải được các hộ sản xuất thu gom vào bể lắng lọc, tổ chức thu gom các loại rác thải, túi ni lông phát sinh trong quá trình sản xuất...

Giữ gìn và phát huy nghề làm bún hơn 400 năm - ảnh 2
Quảng diễn hình ảnh các mẹ, các bà xưa với gánh bún Vân Cù qua các làng quê

Ông Đỗ Ngọc An, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà cho biết, địa phương sẽ đẩy mạnh những giải pháp đồng bộ, chú trọng về cả khía cạnh bảo tồn di sản văn hóa và phát triển sản xuất để bảo đảm phát triển bền vững, hướng đến bảo tồn phát và phát giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công làm bún làng Vân Cù. Như tổ chức các hoạt động thực hành và truyền dạy bài bản được lồng ghép với bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cùng với những chính sách chung khuyến khích hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề trong những giai đoạn nhất định. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xử lý môi trường; thực hiện chính sách ưu đãi vốn vay, hỗ trợ phát triển sản xuất; khai thác nhãn hiệu chứng nhận OCOP; quảng bá sản phẩm theo hướng kiểm định chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Do đó cần có sự chung tay của các cấp, các ngành để có hỗ trợ về cách thức, cơ chế, mô hình phù hợp.

Nhiều năm qua, các bậc cao niên, nghệ nhân, thợ lành nghề ở làng bún Vân Cù cũng đã chia sẻ kỹ thuật, quy trình, kinh nghiệm làm bún cho con cháu trong và ngoài làng, kể cả những người dân ở nơi khác đến học nghề. Vì thế, nghề bún Vân Cù được lan tỏa đi nhiều tỉnh thành khác trong nước như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Trị...

Trong 2 ngày 18- 19.2, trong khuôn khổ chương trình đón nhận di sản văn hóa phi vật thế quốc gia nghề làm bún Vân Cù, nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng cũng sẽ được tổ chức. Như lễ tế Bà Bún; lễ hội ẩm thực di sản bún Việt - làng bún Vân Cù; chương trình văn nghệ có chủ đề “Tự hào di sản làng bún Vân Cù”; hành trình xe đạp về với miền thương Hương Toàn; hành trình khám phá di sản làng bún Vân Cù; các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản của địa phương...

Đặc biệt, chương trình quảng diễn tái hiện lại nghề làm bún truyền thống của làng Vân Cù, góp phần quảng bá hình ảnh về điểm du lịch cộng đồng gắn với làng nghề đến du khách.