Địa chỉ đỏ của người làm báo Việt Nam
VHO - Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã mang đến cho các thế hệ người làm báo Việt Nam cảm xúc tự hào, biết ơn và trân trọng. Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, đây là địa chỉ đỏ để các nhà báo, nhất là các nhà báo trẻ hướng về nguồn, để tìm hiểu lịch sử báo chí hào hùng, nghe kể chuyện về lớp lớp đàn anh đi trước và xây đắp cho tương lai của báo chí nước nhà.
Lễ khánh thành, bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng vừa được Hội Nhà báo Việt Nam và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên trang trọng tổ chức cuối tuần qua, tại xã Tân Thái (huyện Đại Từ, Thái Nguyên).
Điểm đến trên bản đồ báo chí Việt Nam đương đại
Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động hướng tới 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2025) và 75 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21.4.1950 - 21.4.2025). Mong muốn khai thác và phát huy hiệu quả những giá trị lịch sử to lớn của di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, thêm một điểm đến ý nghĩa trên bản đồ báo chí Việt Nam đương đại, công trình tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được triển khai. “Di tích là công trình văn hóa, lịch sử quan trọng nhằm tôn vinh di sản báo chí to lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà báo cách mạng tiền bối đã để lại cho các thế hệ nhà báo hôm nay và mai sau”, nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định.
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời là dấu mốc đặc biệt gắn với những chặng đường làm báo vinh quang, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta. Xúc động và tự hào là cảm xúc của những người làm báo sau 75 năm, kể từ dấu mốc cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam, cũng là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp ra đời. Tên trường do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn đặt. Người đặc biệt quan tâm và hai lần viết thư động viên tinh thần dạy và học của thầy trò nhà trường lúc đó. Tấm bảng đen nằm giữa “bảo tàng thu nhỏ” tái hiện bóng dáng của một giảng đường tre nứa trên đồi 75 năm về trước, giờ đây đang gợi lên thật nhiều xúc cảm với dòng phấn viết tên ngôi trường đặc biệt, Khóa học đặc biệt và quãng thời gian cũng thật đặc biệt: Khai giảng ngày 4.4.1949. Bế giảng ngày 6.7.1949
Ban Giám đốc Trường ngày ấy được thành lập gồm năm người: Ông Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh làm Giám đốc, ông Xuân Thủy làm Phó Giám đốc. Trong vòng 3 tháng, trường đã tổ chức thành công khóa đào tạo ngắn hạn đặc biệt của mình. Do hoàn cảnh kháng chiến, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất khóa học này. 42 học viên là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước tham dự. Các giảng viên là những lãnh đạo giàu kinh nghiệm về chính trị, phong phú về lý luận, thực tiễn và là những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ, trí thức cách mạng có tên tuổi như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, nhà báo Quang Đạm, nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học Nguyễn Đình Thi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà thơ Xuân Diệu, nhà văn Nam Cao, nhà thơ Thế Lữ, nhà văn Nguyễn Tuân… Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp giảng dạy tại Trường, ông đã để lại bút tích trong Sổ ghi cảm tưởng của lớp học: “Khóa thứ nhất Trường Huỳnh Thúc Kháng này là một thí nghiệm hay. Tôi tin rằng sau khi rút tỉa kinh nghiệm của khóa này, Tổng bộ Việt Minh sẽ thành công hơn trong việc đào tạo cán bộ chiến đấu với quân thù bằng ngòi bút và hướng dẫn dư luận quốc dân”.
Các học viên sau khi tốt nghiệp, nhiều người đã trở thành các cây bút trụ cột của nhiều cơ quan báo chí hoặc trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ nước nhà.
Khắc ghi một thế hệ vàng
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, thời gian dần trôi theo dòng chảy của lịch sử, hầu hết các giảng viên, học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã về cõi vĩnh hằng. Dù muộn nhưng chúng ta vẫn đang nỗ lực tôn vinh và khắc ghi về một thế hệ nhà báo kháng chiến tiên phong trên mặt trận báo chí đã từng dành cả đời mình vì mục tiêu “Tất cả để chiến thắng” góp sức làm nên truyền thống vẻ vang và sức sống của báo chí cách mạng nước ta.
Bà Đào Thị Ngọc Dung (92 tuổi), thân nhân học viên tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng cho biết, gia đình đã hiến tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhiều bức ảnh chụp thời kỳ đó, trong đó có bức ảnh chụp Ban giám hiệu, giảng viên và hơn 40 học viên của lớp học ngày ấy đã được tạc thành bức phù điêu trưng bày tại không gian di tích. Lặn lội từ Hà Nội lên khu di tích để dự lễ khánh thành và bàn giao công trình, bà Dung xúc động: “Cách đây 5 năm (năm 2019), tôi có thay mặt ông nhà tôi lên đây dự lễ cắm mốc và gắn bia di tích. Lúc đó, ông ngoài 90 tuổi, khá yếu nên không đích thân đi được. Tuy nhiên khi mọi người quan tâm đến địa chỉ của những người báo chí gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang, ông ấy mừng lắm. Rất tiếc năm ngoái ông ấy đã mất nên không kịp chứng kiến công trình được hoàn thành”.
Giờ đây, bên Hồ Núi Cốc, soi bóng xuống vùng đất lịch sử Tân Thái, một quần thể di tích được thiết kế và thi công phỏng dựng trên cơ sở những ghi chép và tư liệu để lại về một giảng đường tre nứa trên đồi và ngôi nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh, như hai bảo tàng thu nhỏ, được Bảo tàng Báo chí Việt Nam nỗ lực thực hiện hai trưng bày “Báo chí chiến khu Việt Bắc 1946-1954” và “Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - 1949”. Cùng với đó, “Quảng trường mini” rộng 200m2, với bức phù điêu cao gần 3m rộng gần 8m được kỳ vọng sẽ là một điểm nhấn ấn tượng tạo cảm xúc cho khách tham quan.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ góp thêm một “địa chỉ đỏ” trên con đường di sản cách mạng đầy tự hào ở nơi từng là “thủ đô kháng chiến”, làm phong phú hơn mạng lưới các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của vùng Chiến khu Việt Bắc. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh, sau khi nhận bàn giao di tích cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Hội Nhà báo Việt Nam triển khai những hoạt động hữu ích, khai thác, sử dụng hiệu quả công năng của những hạng mục đã được tu bổ, tôn tạo để tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị bền vững của di tích quốc gia có tầm vóc và ý nghĩa thiêng liêng, là nơi kết nối lịch sử, hiện tại và tương lai của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ, dự kiến di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ được đưa vào danh mục các điểm tham quan “Thủ đô gió ngàn”, Thủ đô của đất nước trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn), trong đó Thái Nguyên giữ vị trí đặc biệt quan trọng, vị trí trung tâm của “Thủ đô kháng chiến”. “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến các hội nhà báo địa phương, các liên chi hội và chi hội nhà báo trong toàn quốc với mong muốn tất cả giới báo chí thấy rõ tầm quan trọng của di tích này, từ đó coi đây là một địa chỉ đỏ để các nhà báo, nhất là các nhà báo trẻ, hướng về nguồn, để tìm hiểu lịch sử báo chí hào hùng, nghe kể chuyện về lớp lớp đàn anh đi trước và xây đắp cho tương lai của báo chí nước nhà”, ông Minh khẳng định.