Bình Định:
Đề nghị ghi danh Lễ hội Cầu ngư vạn chài ở Nhơn Hải là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
VHO - Ban Quản lý vạn chài ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn (Bình Định) vừa tiến hành cuộc họp lấy ý kiến cộng đồng ngư dân vạn chài ở xã Nhơn Hải đề nghị lập hồ sơ Lễ hội Cầu ngư vạn chài ở xã Nhơn Hải trình cấp có thẩm quyền ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Ngọc cho biết, Lễ hội Cầu ngư vạn chài ở Nhơn Hải vào dịp 11 tháng 2 âm lịch hàng năm. Là một trong 22 di sản lễ hội cầu ngư được kiểm kê, đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể (kết quả thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh về “Nghiên cứu lễ hội cầu ngư ở Bình Định” được nghiệm thu tại Quyết định số 286/QDD-SKHCN ngày 20.9.2019 của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định).

Đây là sự kiện quan trọng nhất trong chu kỳ đánh bắt hải sản của ngư dân vạn chài ở Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, địa bàn thuộc ngư dân thôn Hải Đông và thôn Hải Bắc của xã Nhơn Hải.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, là di sản văn hóa phi vật thể được hình thành và lưu truyền từ trước thế kỷ XVIII ở Nhơn Hải. Thời gian qua, lễ hội này đã đóng góp tích cực để vạn chài hình thành một mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Nhơn Hải.
Hàng năm, Lễ hội truyền thống Cầu ngư vạn chài ở Nhơn Hải được tổ chức trong 3 ngày của tháng Hai âm lịch (từ ngày 11 – 13). Thông thường lễ hội kéo dài khoảng 3 ngày đêm với nhiều nghi thức đặc trưng của ngư dân miền biển Nhơn Hải, tích tụ qua mấy thế kỷ và lan tỏa, ảnh hưởng sâu đậm đến giá trị tinh thần của người dân miền biển, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Nhơn Hải.
Mặc dù đã lớn tuổi, nhưng cụ Nguyễn Khắc Vũ (71 tuổi) - Trưởng Ban Quản lý vạn chài xã Nhơn Hải vẫn tận tụy, nhiệt tình với công việc quản lý, giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của Lễ hội Cầu ngư vạn chài ở Nhơn Hải.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khắc Vũ chia sẻ: Việc xây dựng hồ sơ Lễ hội Cầu ngư vạn chài ở Nhơn Hải, TP Quy Nhơn trình Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là nhằm tôn vinh, nâng tầm giữ gìn, lưu truyền, quảng bá, phát huy giá trị di sản trong quá trình phát triển kinh tế biển đảo, góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch, phát huy giá trị tài nguyên văn hóa của TP Quy Nhơn và tỉnh Bình Định.
Cùng đó, góp phần đẩy mạnh phát triển liên kết vùng, xứng đáng vai trò là đầu tàu trong lĩnh vực văn hóa của vùng với những nét đặc trưng vùng biển đảo lấy điểm nhấn là TP Quy Nhơn.
“Thông qua các sản phẩm của lễ hội giới thiệu một loại hình di sản đặc trưng vùng biển, thắng cảnh hữu tình gắn với đời sống ngư dân ở bán đảo Nhơn Hải đối với du khách trong và ngoài nước”, ông Vũ nói và bày tỏ, đồng thời bảo vệ, quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, tạo thế mạnh phát triển kinh tế biển, xây dựng và phát triển văn hóa gắn kết phục vụ du lịch cộng đồng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn.
Từng bước tiến hành xây dựng dữ liệu văn hóa biển đảo để phục vụ công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, góp phần cung cấp dữ liệu cho mô hình làng văn hóa – du lịch cộng đồng với nhiều giá trị lịch sử - văn hóa cổ truyền của người ngư dân Nhơn Hải nói riêng, làng biển ở Bình Định nói chung”, cụ Nguyễn Khắc Vũ bày tỏ.
Còn ông Lê Công Hóa (61 tuổi) thành viên của Ban Quản lý vạn chài xã Nhơn Hải cho biết: Chúng tôi đã tổ chức lấy ý kiến cộng đồng ngư dân vạn chài ở xã Nhơn Hải, đặc biệt là ý kiến của các nghệ nhân đang nắm giữ vốn quý di sản Lễ hội Cầu ngư vạn chài ở Nhơn Hải và đại diện bà con ngư dân vạn chài hiện đang cư trú tại thôn Hải Bắc và thôn Hải Đông.
Tất cả bà con đều đồng tình ủng hộ đề nghị các cấp xem xét cho phép tiến hành lập hồ sơ khoa học Lễ hội Cầu ngư vạn chài ở Nhơn Hải được công nhận, vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội tổ chức nhằm tôn vinh công đức thần Nam Hải, cùng các vị thần linh, chư tiên linh tiền hiền, hậu hiền khai khẩn, tạo dựng cơ nghiệp vùng biển này và nguyện cầu cho đất nước thịnh trị, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc, ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản đầy khoang.
Lễ hội Cầu ngư vạn chài ở Nhơn Hải không chỉ đem lại giá trị văn hóa, mà còn là chiếc cầu nối giữa nhiều nét văn hóa biển đảo từ các thế hệ ngư dân vạn chài cổ truyền Nhơn Hải trong qúa trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội.
Ông Đỗ Cao Thắng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải cho hay: Thể theo nguyện vọng của ngư dân vạn chài ở Nhơn Hải, UBND xã đã có tờ trình gửi UBND TP Quy Nhơn để thống nhất chủ trương trình UBND tỉnh Bình Định đồng ý cho xã Nhơn Hải triển khai kế hoạch lập hồ sơ khoa học Lễ hội Cầu ngư vạn chài ở Nhơn Hải được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Việc công nhận, ghi danh Lễ hội cầu ngư vạn chài ở Nhơn Hải sẽ góp phần xây dựng TP Quy Nhơn trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đúng theo tinh thần phù hợp với Nghị quyết số 26 ngày 3.11.2022 của Bộ Chính trị.
Thông tin với chúng tôi, ông Phan Tuấn Hoàng, Trưởng phòng VHTT TP Quy Nhơn cho hay: UBND TP Quy Nhơn đã chỉ đạo Phòng có ý kiến tham mưu, đề xuất về việc lập hồ sơ Lễ hội Cầu ngư vạn chài ở Nhơn Hải để ghi danh. Tuy nhiên, việc lập hồ sơ khoa học Lễ hội này phải nghiên cứu, hướng dẫn mời xã làm việc và chưa phải giải quyết liền đâu.
Ông Hoàng cũng dẫn chứng, trước đây việc lập hồ sơ Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý ở xã Nhơn Lý để ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phải mất nửa năm mới xong.