Danh mục di sản văn hoá không phải để phân biệt di sản này hơn di sản kia
VHO - Những ngày qua, khi Bộ VHTTDL công bố một số di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quốc gia, một số ý kiến bàn luận trên các diễn đàn thắc mắc rằng, “Phở và mì Quảng được ghi danh di sản, bún bò Huế và những món ngon khác thì sao?”
Ý kiến trên nói rằng đang có sự phân biệt giá trị giữa các di sản từng địa phương, vùng miền, dân tộc; trong khi di sản này được ghi danh mà di sản kia thì không… Thậm chí họ còn cho rằng đang có tình trạng lạm phát DSVHPVT. Và khi mà di sản tràn ngập thì có còn quý giá, có còn là di sản nữa không?
Vậy câu chuyện di sản được đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia hay được UNESCO ghi danh là DSVHPVT đại diện của nhân loại, cần được hiểu như thế nào?
Trao đổi với Văn Hóa, TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho hay, lâu nay việc một di sản được đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia hay được UNESCO ghi danh, thường được một số người hiểu đó là sự “công nhận”, “vinh danh”. Chính cách hiểu này khiến nhiều người nhầm tưởng là chúng ta chọn ra một số di sản để “xếp hạng”. Hiểu như thế là chưa đúng, tinh thần ở đây là chúng ta đang bảo vệ và phát huy DSVHPVT.
Việc đầu tiên và quan trọng nhất không phải là đưa di sản vào Danh mục quốc gia hay quốc tế, mà phải cho người dân hiểu những di sản đó là giá trị, giúp người dân nhận diện những giá trị đó, để họ thấy giá trị cần phải nuôi dưỡng, cần phải gìn giữ để tạo thành một nét văn hóa đẹp, thậm chí là tạo ra nguồn thu từ di sản đó…
Việc đưa di sản vào Danh mục, đều phải xuất phát từ đề cử của cộng đồng, từ người dân và chính quyền địa phương - là chủ thể của di sản đó mong muốn, chứ không phải Bộ VHTTDL hay Tổ chức UNESCO chỉ định cái này xứng đáng hay chưa xứng đáng và tự “phong” danh hiệu cho di sản.
Theo TS Lê Thị Minh Lý, việc cộng đồng muốn ghi danh cho di sản địa phương họ vào danh mục là để họ có trách nhiệm hơn, để chính quyền địa phương và người dân cùng có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, phát huy. Họ hoàn toàn có quyền đề cử di sản nào mà họ thấy cần thiết, đó là các nghề thủ công, tập quán xã hội, văn hóa truyền khẩu, lễ hội, tri thức dân gian…
Nói về các món ăn trong Danh mục DSVHPVT quốc gia, chuyên gia cho rằng, món ăn đạt tiêu chí di sản ở đây phải liên quan đến nếp sống và tri thức dân gian, chứ cái bánh, bát mì, tàu hũ ky, hay tô phở… riêng bản thân món ăn đó không phải là DSVHPVT. Mà cách sống của người dân trong bối cảnh đó, họ đã làm ra món ăn đó từ tri thức, kỹ năng, từ cách thức chế biến nguyên liệu, gia vị và kết hợp khéo léo để tạo nên. Và món ăn đấy mang đặc trưng địa phương đó, thì mới được gọi là di sản.
Khi một món ăn trở thành di sản, đầu tiên món ăn đó phải gắn với lối sống, cách sống của cộng đồng trong một thời gian rất dài, tạo thành dấu hiệu để cho thấy (nhận diện) được bản sắc của cộng đồng ấy và chính cộng đồng ấy tạo ra món ăn bằng tri thức dân gian của họ.
Ví dụ, nói những món ăn từ dừa thì ta nghĩ ngay đến người dân Bến Tre; nói món phở, thì nghĩ về người dân Nam Định, Hà Nội; nói đến món tàu hủ ky thì nghĩ ngay cộng đồng người Hoa…
Điều thứ hai, nó sẽ chỉ trở thành di sản khi người ta nhận thấy rằng món đó đang được truyền từ đời này sang đời khác. Và trong một dòng chảy như thế thì mình thấy được rằng có sự phát triển rất bền vững, và có tính lịch sử, tính văn hóa.
Thứ ba, món ăn đó trở thành di sản khi công chúng tiếp xúc với cộng đồng chủ thể đấy, được trải nghiệm, được nghe kể những câu chuyện… Thứ tư, món ăn đó chỉ trở thành di sản khi đảm bảo câu chuyện ứng xử văn hóa. Và điều cuối cùng, tất cả những câu chuyện về ẩm thực thì bao giờ cũng phải gắn với sức khỏe con người, với vệ sinh an toàn thực phẩm, món ăn đấy không có gì xung đột với những món khác trong đời sống… Khi đặt món ăn nào trong di sản thì cần nhìn toàn cục như thế.
“Tất nhiên, cũng có những cái đã quá phổ biến rồi thì cũng không nhất thiết phải nhận diện giá trị nữa, ta cứ để nó sống trong đời sống xã hội. Và ngay cả cộng đồng cũng không nhất thiết phải đề cử nó, vì đôi khi mình đề cử thì lại có cảm giác đang chạy theo danh hiệu, vì món ăn đó người ta đã quá biết rồi, ví dụ ai cũng biết bún bò Huế, ai cũng biết mì Quảng,… Cho nên việc nhận diện để lập hồ sơ di sản hoàn toàn xuất phát từ cộng đồng, gắn với cộng đồng, do cộng đồng đề cử, quyết định,…”, TS Lý nói.
Quay lại câu chuyện, thế thì mục đích cuối cùng trong việc nhận diện giá trị, đưa vào Danh mục DSVHPVT để làm gì? Là để tạo ra sự đa dạng văn hóa, chứ không phải để phân biệt di sản này hơn di sản kia. Hôm nay mình giới thiệu di sản này, một ngày nào đó mình lại giới thiệu cái khác… Và khi được đưa vào danh mục thì chính quyền địa phương và người dân nơi đó sẽ có trách nhiệm bảo vệ, phát huy, nếu không thì di sản có nguy cơ mai một, bị lãng quên.
Chúng ta dùng những món ăn đó để đón du khách quốc tế, đón bè bạn phương xa, đón cộng đồng với nhau để cùng chia sẻ, và chúng ta tìm thấy những nét đẹp trong sự đa dạng ấy.
Nếu nói rằng cứ mỗi đợt công nhận một số di sản, đến một lúc nào đó gần như địa phương nào cũng có món ăn trở thành DSVHPVT quốc gia, thì vấn đề gì sẽ xảy ra?
Đây không phải là sự xếp hạng nhất - nhì, trước - sau, cao - thấp,… mà đây là danh sách để mọi người nhìn vào thấy rằng mình đang có sự đa dạng văn hóa và đưa vào danh sách ấy để cộng đồng có trách nhiệm, để nhà nước có trách nhiệm.
Chúng ta không sợ có nhiều món ăn, nhiều DSVHPVT trong danh mục ấy thì lại nhạt nhòa, vì càng đa dạng càng tốt. Thế nhưng điều này cũng không đồng nghĩa với việc chúng ta cổ súy, tất cả đều phải tự nhiên, tự nguyện. Những tiêu chí đó cộng đồng phải phấn đấu rất khó mới đạt được, nhằm hướng tới sự đa dạng văn hóa, sự phát triển bền vững đất nước.
Những tiêu chí này tương đồng với tiêu chí UNESCO khi xét hồ sơ cho DSVHPVT đại diện nhân loại. Và trên thế giới hiện nay, nhiều món ăn của các nước đã đứng trong danh mục của UNESCO, như món kim chi của Hàn Quốc, kim chi của Bắc Triều Tiên, bánh mì của Pháp, cà phê của Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều món ăn của các tộc người khác, họ đâu có sợ nhiều thì nhạt nhòa, đó là tính đại diện của mỗi cộng đồng.
Như vậy, việc đưa vào danh mục là để giới thiệu văn hóa, khẳng định sự đa dạng văn hóa, từ đó có biện pháp bảo vệ, nâng cao nhận thức cộng đồng, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong giữ gìn văn hóa của chính mình.