Cần xử lý nghiêm thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội

THÙY TRANG

VHO - Thông tin phở Hà Nội, phở Nam Định, mì Quảng và một số loại hình được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thay vì tự hào, chúc mừng, thì trên mạng xã hội, nhiều cá nhân đã đùa cợt, chê bai, thậm chí tự ý chỉnh sửa văn bản, ghép vào nội dung khác, mà trường hợp vừa qua là món cháo lươn của tỉnh Nghệ An.

Cần xử lý nghiêm thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội - ảnh 1
Văn bản công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Bộ VHTTDL bị chỉnh sửa, ghép món cháo lươn của Nghệ An, lan truyền trên mạng xã hội

Trước đó, không ít trường hợp tương tự, nhiều người cố tình lợi dụng sự ảnh hưởng và tính phổ biến mạnh của mạng xã hội để tuyên truyền, đưa những thông tin sai sự thật, với mục đích xuyên tạc, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của các Bộ, ngành.

Còn nhớ cách đây không lâu, nhiều tài khoản mạng xã hội lan truyền thông tin về nội dung được cho là ngữ liệu trong sách giáo khoa (SGK) có “sạn”. Mỗi bài đăng kèm theo hình ảnh và cho rằng, nội dung đó được in trong SGK chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.

Trong số đó, có các bài như: Giã gạo thổi cơm, Bắn Tung Tóe, Bạn An dũng cảm, Bé xách đỡ mẹ, Vẽ gì khó…

Trong công văn gửi cơ quan chức năng, Bộ GD&ĐT khẳng định đây là những nội dung không có trong SGK hiện hành đang được thực hiện tại các nhà trường.

Cái bài viết đó đều cố tình xuyên tạc, thay đổi nội dung theo ý nghĩa tiêu cực về các bài học giáo dục dành cho học sinh, khiến dư luận hoang mang, các bậc phụ huynh lo lắng. Các bài đăng thu hút nhiều ý kiến bình luận tiêu cực về nội dung, chất lượng SGK mới.

Chính vì thế, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra nguồn gốc thông tin trên, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức đăng tải, xuyên tạc.

Được biết, thời điểm đó là đầu năm học 2023-2024, học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 (bậc tiểu học); học sinh lớp 6 đến lớp 8 (bậc THCS) và học sinh lớp 10 và 11 (bậc THPT) đã học theo chương trình, SGK mới. Năm học 2024-2025 này, các lớp cuối cấp gồm lớp 5, lớp 9, lớp 12 sẽ học theo chương trình, SGK mới.

Các thông tin xuyên tạc nói trên xuất hiện vào thời điểm đầu năm học, dư luận đang đặc biệt quan tâm đến nội dung, chất lượng SGK mới, vì thế mà, phải chăng việc cố tình đăng tải các thông tin xuyên tạc như vậy với mục đích chống phá, khiến người dân bức xúc, bất mãn về nội dung, chất lượng SGK mà con em mình sẽ theo học.

Cần xử lý nghiêm thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội - ảnh 2
Hình ảnh một số ngữ liệu đang được lan truyền trên mạng xã hội không có trong SGK hiện hành

Tương tự vậy, trường hợp một số tri thức dân gian như phở, mì Quảng khi được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ngay lập tức bị nhiều tài khoản mạng xã hội vào đùa cợt, tự ý chỉnh sửa văn bản, ghép vào nội dung khác, để cố tình xuyên tạc, hạ uy tín của cơ quan nhà nước.

Trong khi trên các diễn đàn hoặc ở phần bình luận của các trang báo điện tử, nhiều người hào hứng so sánh hương vị, cách thức chế biến và chia sẻ thông tin về nguồn gốc của phở Hà Nội và phở Nam Định.

Đặc biệt, nhiều người dân, du khách còn bày tỏ mong muốn được cùng lúc thưởng thức hai món phở để có trải nghiệm thú vị…

Những cuộc bàn luận lớn nhỏ trên các diễn đàn cho thấy mức độ phổ biến của món ăn và tình cảm của công chúng dành cho ẩm thực Việt, khi được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nếu số đông công chúng dành sự tôn vinh cho các di sản thì lại có những người đùa cợt đến mức quá trớn.

Ngay sau đó, Bộ VHTTDL đã có công văn gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ TT&TT, đề nghị xử lý việc đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Trong công văn, Bộ khẳng định: “Đây là thông tin xuyên tạc, sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Bộ VHTTDL và cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, cần được xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành”.

Những tranh luận, bàn bạc liên quan di sản cho thấy sự quan tâm, theo dõi của công chúng. Điều này hoàn toàn bình thường, thậm chí rất cần thiết đối với một quốc gia sở hữu nhiều di sản như Việt Nam.

Các Quyết định công bố Danh mục di sản được UBND các tỉnh/thành phố, cộng đồng chủ thể đại diện di sản hưởng ứng tích cực, là biện pháp động viên cộng đồng tiếp tục bảo tồn, duy trì, thực hành và phát huy tinh hoa nghề…

Tuy nhiên, nhiều người lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xuyên tạc, không chỉ dừng lại ở câu chuyện đùa cợt, ứng xử thiếu văn hóa mà là hành vi vi phạm pháp luật, cần bị xử lý để tạo tính răn đe trong cộng đồng, hạn chế những vi phạm tương tự về sau.