Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp”:
“Đại sứ” lan toả sức mạnh mềm văn hoá Việt Nam
VHO - Chiều 10.11 tại Hà Nội, Diễn đàn quốc gia thường niên "Văn hóa với Doanh nghiệp" lần thứ tư và Chương trình xét, công nhận doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam năm 2024 đã được Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Bộ VHTTDL trang trọng tổ chức.
Dự buổi lễ có ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ VHTT, Chủ tịch Hội đồng quốc gia xét chọn doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Trưởng BTC triển khai cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (VNABC), nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn; đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương; các diễn giả tham gia tọa đàm; các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam và 20 doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam năm 2024.
Sứ mệnh quảng bá văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, tiếp nối thành công của các kỳ Diễn đàn những năm qua, Bộ VHTTDL tiếp tục phối hợp với Hiệp hội phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn với chủ đề “Kinh doanh trong môi trường đa văn hóa”.
Đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm góp phần hiện thực hóa các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đồng thời tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hoá trong việc góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tôn vinh các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong xây dựng và thực hành văn hoá doanh nghiệp, hưởng ứng tích cực Cuộc vận động “Xây dựng Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Thứ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp trong nước ngày càng lớn mạnh, tăng nhanh về số lượng và quy mô, đóng góp quan trọng trong thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều doanh nghiệp nỗ lực xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, tạo nên sức mạnh mềm, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.
Trong giai đoạn hiện nay, trước các cơ hội, thách thức đặt ra, chúng ta đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh; bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng, sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước.
“Đảng, Nhà nước đang nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa để hình thành và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng những doanh nghiệp Việt lớn mạnh, không chỉ đủ sức cạnh tranh trên sân nhà mà còn vươn tầm khu vực và thế giới.
Mỗi doanh nghiệp trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, lan toả “sức mạnh mềm” của văn hoá Việt Nam”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định
“Kinh doanh trong môi trường đa văn hóa” là diễn đàn mở để các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài có vốn đầu tư tại Việt Nam trao đổi, thảo luận, làm rõ nội dung, nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, xây dựng môi trường văn hóa kinh doanh lành mạnh, từ đó đề xuất với Chính phủ, Bộ, ngành các kiến nghị về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong tình hình mới.
Tại cuộc gặp gỡ với đại diện cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam ngày 11.10.2024 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Thành quả của gần 40 năm đổi mới đất nước, chúng ta vui mừng có được đội ngũ doanh nhân ngày càng đông đảo và lớn mạnh như ngày nay. Đó là những con người có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng học hỏi để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; thực hiện trách nhiệm xã hội, đạo đức và văn hóa kinh doanh".
Tổng Bí thư cũng khẳng định “vai trò đặc biệt quan trọng” của doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam “Khu vực doanh nghiệp sẽ đóng vai trò lớn hơn nữa, quan trọng hơn nữa cho sự thịnh vượng của quốc gia. Để làm được điều đó, đòi hỏi mỗi người dân, mỗi doanh nhân đều phải hun đúc cho mình một tinh thần doanh nhân mạnh mẽ, đầy khát vọng. Đối với các thế hệ doanh nhân hiện tại, đây chính là thời điểm để định hình lại vai trò của nhà lãnh đạo doanh nghiệp và sứ mệnh của đội ngũ doanh nhân chúng ta".
“Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư là định hướng quan trọng, là sự cổ vũ, động viên to lớn đối với các cơ quan quản lý và đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới…”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Doanh nghiệp Việt Nam tự tin ra biển lớn
Điểm nhấn tại diễn đàn là tọa đàm với 2 phiên thảo luận: "Môi trường đa văn hoá trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu", "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hoá số tạo nên sự khác biệt".
Ở phiên chủ đề “Môi trường đa văn hóa trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu”, các diễn giả đã chia sẻ về những thách thức, khó khăn cũng như những vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh đa văn hóa.
Ông Hong Son, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) chia sẻ, với kinh nghiệm đầu tư vào Việt Nam hơn 30 năm, thành công không phải ngẫu nhiên mà vai trò văn hóa doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng. Các doanh nghiệp đầu tư ở nước ngoài trước hết phải chú trọng chữ tín, có tính mạo hiểm. Ông Hong Son cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam cần thêm sự tự tin để vươn ra biển lớn.
Ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam chia sẻ: “Môi trường hoạt động đa văn hóa đặt ra nhiều yêu cầu đối với doanh nghiệp, trong đó, yếu tố văn hóa góp phần tạo nên sự hòa hợp và sức mạnh tổng hợp. Doanh nghiệp cần nêu cao tinh thần hợp tác, đồng thời phát huy sức mạnh nội lực để tương tác với đối tác một cách bình đẳng. Sự am hiểu về văn hóa làm việc của nhau là điều rất quan trọng”.
PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại nhấn mạnh tầm quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường kinh doanh đa văn hóa: “Nhân lực là hồn cốt, quyết định thành bại của bất cứ doanh nghiệp nào hoạt động trong môi trường đa văn hóa. Việc đào tạo nguồn lực này đang là vấn đề đặt ra cấp thiết, đặc biệt chú trọng tính hòa nhập, toàn cầu”, bà Loan chia sẻ.
Từ góc nhìn truyền thông, ông Lê Quang Minh, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam đề cập cách tiếp cận bao quát về văn hóa doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh đa văn hóa. “Cộng đồng doanh nghiệp chưa bao giờ ở một thế giới phẳng như bây giờ, vì vậy, họ cần sẵn sàng tâm thế để cạnh tranh, để hòa nhập và phát triển. Hành trình này cần vai trò của truyền thông, góp phần tìm tiếng nói chung cho các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh hòa nhập toàn cầu”.
Tại phiên 2 với chủ đề "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hoá số tạo nên sự khác biệt", các diễn giả thảo luận về vai trò của văn hóa số trong môi trường kinh doanh thời đại 4.0; những thay đổi căn bản về văn hóa doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số; kinh nghiệm xây dựng và phát triển văn hóa số từ một số doanh nghiệp tiên phong…
Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Misa Đinh Thị Thúy chia sẻ, trải qua 30 năm hình thành và phát triển, từ những ngày đầu chỉ vẻn vẹn vài người cho đến nay, Misa đã có đội ngũ 3000 cán bộ nhân viên. Doanh nghiệp đặc biệt chú trọng phát triển chuyển đổi số trong nền tảng quản trị, điều hành và coi đây là chìa khóa then chốt để tạo nên những thay đổi đột phá.
“Chuyển đổi số trước hết cần xác định là thay đổi cách nghĩ, cách làm, tư duy của doanh nghiệp. Trong ứng dụng các giải pháp về chuyển đổi số, doanh nghiệp cần thay đổi mô hình làm việc, quy trình…, từ đó mang đến những trải nghiệm cho khách hàng cũng như tăng cường hiệu quả làm việc”, lãnh đạo CTCP Misa cho biết.
“Điều cần kích hoạt, lan tỏa hiện nay là văn hóa sáng tạo trong hoạt động của mỗi doanh nghiệp, từ đó để kịp thời nắm bắt xu thế mới của thế giới…”, PGS.TS. Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh. Theo ông, văn hóa sáng tạo của doanh nghiệp cần chú trọng cả những yếu tố dám làm, dám chịu rủi ro, có tính khác biệt, và tất cả cần dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ.
Tại Diễn đàn, BTC đã biểu dương, trao tặng bằng khen cho 6 doanh nghiệp, 1 Diễn đàn, 19 phóng viên báo chí có đóng góp tích cực trong việc lan tỏa Cuộc vận động xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước. BTC cũng đã vinh danh và trao chứng nhận cho 20 "Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam" năm 2024. Đây là các doanh nghiệp đã đáp ứng xuất sắc các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Hội đồng quốc gia xét chọn.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy bày tỏ, thông qua lễ tôn vinh, Diễn đàn sẽ là hoạt động thiết thực lan tỏa sâu rộng những ý nghĩa, thông điệp của Cuộc vận động; nêu cao vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước; khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa như là “đòn bẩy” quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế; đẩy mạnh phong trào xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, hình thành cộng đồng ngày càng đông đảo các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam, tiến tới tiệm cận với tiêu chuẩn văn hóa kinh doanh thế giới.