Văn hóa là “chìa khóa” thành công của doanh nghiệp

VHO - Trong buổi họp báo giới thiệu diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” lần thứ 3 tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp đã đồng quan điểm, cho rằng xu thế phát triển bền vững, văn hóa kinh doanh chính là một yếu tố cốt lõi của năng lực cạnh tranh. Thế nhưng, trong thời đại hội nhập, làm sao để tận dụng được chuyển đổi số, nhằm giúp gia tăng được văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp, nhưng vẫn giữ được bản sắc vẫn là một “bài toán”. Và đây cũng là những nội dung chính mà diễn đàn năm nay mong muốn truyền tải đến với cộng đồng doanh nghiệp.

Văn hóa là “chìa khóa” thành công của doanh nghiệp - Anh 1

BTC trong buổi họp báo tại TP.HCM

Lan tỏa mạnh mẽ

Theo đó, diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” và lễ tôn vinh “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam” năm 2023 sẽ diễn ra vào ngày 18.11, tại TP.HCM. Diễn đàn nhằm góp phần hiện thực hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hoá trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa như là đòn bẩy và trợ lực quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế. “Cùng với đó, các hoạt động của diễn đàn sẽ góp phần thúc đẩy việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước, từng bước hình thành những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa kinh doanh Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”, ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng ban tổ chức 248 cho biết thêm.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, các tiêu chí của danh hiệu góp phần tích cực trong xây dựng hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp mong muốn chương trình tạo thêm sức lan tỏa để có thêm nhiều đơn vị tham gia. Ông Phù Tường Nguyên Dũng, Chủ tịch Hội doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre cho biết, ngày nay vai trò của văn hóa đã và đang khẳng định được vị thế trong phát triển doanh nghiệp. Phát triển văn hóa doanh nghiệp vừa là động lực, vừa là mục tiêu và đây có thể nói đây chính là “chìa khóa” để doanh nghiệp phát triển bền vững. “Theo đó, Bộ tiêu chí VHKD được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, bền vững, phát triển hài hòa với yếu tố cốt lõi là “văn hóa”. Chính vì thế, để lan tỏa bộ tiêu chí, nên chăng cần được mở rộng về các tỉnh để giới thiệu, để đại đa số doanh nghiệp được tiếp cận và hiểu được sức mạnh của văn hóa trong cộng đồng doanh nghiệp hiện nay”, ông Nguyễn Dũng cho biết thêm.

Là 1 trong 4 doanh nghiệp du lịch đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam, được vinh danh tại diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” 2022, ông Trần Văn Tâm, Giám đốc Khách sạn Continental Sài Gòn cho biết: “Ban tổ chức nên triển khai rộng chương trình “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” đến tất cả các hiệp hội doanh nghiệp trong cả nước để các hội viên đều biết. Để nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM và cả nước tham gia thì họ phải biết bộ tiêu chí này và lợi ích của nó. Và khi doanh nghiệp đạt được danh hiệu, họ phải nỗ lực để giữ danh hiệu này, đây cũng là cách để doanh nghiệp phát triển bền vững”. Còn theo ông Nguyễn Ngọc Tấn, Giám đốc Công ty Du lịch Saco travel, cũng là doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa năm 2022, khi áp dụng thêm bộ tiêu chí VHDN đã thu hút được nhiều hiền tài và đang hướng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Cùng với đó, doanh nghiệp đã hình thành môi trường làm việc tích cực, thân thiện hỗ trợ có động lực phát triển. “Doanh nghiệp chú trọng xây dựng văn hóa của mình bài bản sẽ tạo ra động lực cho nhân viên, gắn kết các thành viên lại với nhau từ đó thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững. Xây dựng văn hóa hòa nhập trong doanh nghiệp nhưng không hòa tan cũng là cách để doanh nghiệp giữ chân nhân tài”, ông Nguyễn Ngọc Tấn chia sẻ.

Ở góc cạnh giáo dục, là nơi đào tạo ra những doanh nhân tương lai, đại diện Trường Đại học Hoa Sen cho biết, trường rất quan tâm đến việc đào tạo sinh viên với tinh thần dân chủ, để sinh viên có những kinh nghiệm, những bài học thiết thực nhất. “Xây dựng văn hóa, phải xây dựng từ gốc từ đầu và việc xây dựng văn hóa cho một công ty mới hình thành thì sẽ dễ dàng hơn với một công ty đã hình thành. Hiệp hội và diễn đàn nên có sự quan tâm đến các doanh nghiệp, doanh nhân trong tương lai. Và để lan tỏa văn hóa kinh doanh, không đâu tốt hơn chính là trường học, vì đây là nơi ươm mầm cho tương lai”, ThS. Nguyễn Hải Ninh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen đưa ra đề xuất để lan tỏa Bộ tiêu chí VHKD.

“Sức mạnh mềm” của văn hóa

Có thể thấy, nếu muốn vươn ra toàn cầu, doanh nghiệp cần có trụ cột văn hóa vững chắc. Trong đó, bước đầu tiên để doanh nghiệp Việt làm được điều đó chính là đạt chuẩn văn hóa kinh doanh tại Việt Nam, từ đó tạo “bước đệm” để đạt chuẩn văn hóa kinh doanh toàn cầu. Trên thế giới, những tập đoàn lớn, thành công đều có nền móng văn hóa doanh nghiệp vững chắc, bởi đây chính là linh hồn, là yếu tố khác biệt tạo nên sự bền vững của thương hiệu. Thậm chí, bản sắc văn hóa chính là “chìa khóa” góp phần tạo nên thành công, vị thế của mỗi doanh nghiệp. Tại Việt Nam, hiểu được sức mạnh của văn hóa doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư thời gian, công sức xây dựng bản sắc riêng từ những ngày đầu thành lập. Vì thế, bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh, UV BTV Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam (VNABC) cho biết, nền tảng để xây dựng nội dung cho diễn đàn năm nay xuất phát từ bối cảnh mong muốn hiểu hơn về nền tảng tạo nên giá trị của con người Việt Nam, từ đó, thúc đẩy tạo nền tảng cho văn hóa kinh doanh.

Câu chuyện của ChatGPT, AI đang diễn ra hàng ngày và thay đổi với một tốc độ mạnh mẽ, vậy thì văn hóa kinh doanh của Việt Nam nên như thế nào để có khả năng hội nhập và sử dụng, thích ứng linh hoạt với tất cả sự thay đổi của công nghệ. “Với tinh thần đó, chúng tôi mong muốn có một diễn đàn để trả lời được những câu hỏi chính đó là: Trong dòng chảy của giao thương Việt Nam, đâu là những giá trị được và mất? Đâu là những điều tự hào chúng ta đã có và giữ được đến ngày hôm nay? Đồng thời, chúng tôi mong muốn tìm hiểu rõ hơn đâu là những bản sắc tạo nên con người Việt Nam và văn hóa kinh doanh tại Việt Nam. Vì đó sẽ là nơi tạo ra được những chuẩn mực thúc đẩy cho các doanh nghiệp đang mong muốn phát triển ra thế giới, nhưng với một bản sắc đại diện rõ nét cho Việt Nam”, bà Khánh Linh chia sẻ thêm.

Rõ ràng, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang có tư duy toàn cầu để mạnh dạn phát triển kinh doanh ra nước ngoài. Và để thành công vượt trội, cần xây dựng một văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đặc sắc và khác biệt. Từ đó, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể vươn tầm thế giới và có thể bứt phá. Bên cạnh đó, khi tham gia vào sân chơi toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải biết thích ứng để phù hợp văn hóa ở sân chơi này, song song đó là nâng tầm văn hóa doanh nghiệp Việt Nam lên. Cũng tại buổi trao đổi, nhiều đại diện cho biết, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn kinh doanh ở nước ngoài hoặc làm việc với các đối tác nước ngoài ở Việt Nam đã biết cách để nâng tầm văn hóa, tạo ra sự phù hợp với đối tác, giúp sức cho việc kết nối, tạo uy tín với khách hàng và tạo ra những thành công nhất định. Chính vì thế, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa, văn hóa doanh nghiệp đã trở thành tài sản vô hình, là hồn cốt của mỗi doanh nghiệp.

Có thể thấy, các hoạt động của diễn đàn trong thời gian tới sẽ góp phần thúc đẩy việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước, từng bước hình thành những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa kinh doanh Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

HOÀNG HẢI - HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc