Thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm:
Cộng đồng hưởng lợi, sinh thái được bảo vệ
VHO - UBND tỉnh Quảng Nam vừa quyết định thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm, thuộc phân hạng Khu Dự trữ Thiên nhiên. Khu bảo tồn được xây dựng trên nền tảng kế thừa Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm trước đây, đồng thời mở rộng phạm vi bảo vệ bằng cách bổ sung hệ sinh thái rừng tự nhiên trên các đảo.
Việc thành lập khu bảo tồn không chỉ giúp bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học mà còn hướng đến mô hình quản lý tổng hợp, kết nối hệ sinh thái rừng, biển và vùng ven bờ một cách bền vững.
Điều này góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững.

Hệ sinh thái phong phú, giá trị bảo tồn cao
Với sứ mệnh bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, quản lý và sử dụng tài nguyên bền vững, cải thiện sinh kế cộng đồng, Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo Cù Lao Chàm, tạo cơ hội cho cộng đồng tham gia vào công tác bảo tồn, khai thác các tiềm năng để phát triển du lịch, kinh tế góp phần vào phát triển bền vững tại xã Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Khu Bảo tồn có tổng diện tích 23.530 ha, gồm ba phân khu chức năng: Bảo vệ nghiêm ngặt, Phục hồi sinh thái và Dịch vụ - Hành chính, cùng vùng đệm. Hệ thống bảy đảo gồm Hòn Lao, Hòn Cụ, Hòn Khô, Hòn Lá, Hòn Dài, Hòn Mồ và Hòn Tai, trong đó Hòn Lao lớn nhất (1.147 ha) là nơi sinh sống của cộng đồng dân cư xã đảo Tân Hiệp.
Nơi đây sở hữu hệ sinh thái đa dạng với hơn 624 loài thực vật bậc cao, trong đó 365 loài có giá trị dược liệu, 52 loài quý hiếm được bảo tồn và ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam, Nghị định 06 của Chính phủ và Danh lục đỏ IUCN. Hệ sinh thái biển phong phú, liên kết chặt chẽ giữa rừng - biển - vùng bờ, tạo nên hành lang đa dạng sinh học độc đáo.
Bên cạnh giá trị thiên nhiên, Cù Lao Chàm còn là trung tâm giao thoa văn hóa - lịch sử, với dấu ấn của văn hóa Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt cùng các di tích chứng minh mối giao thương với các nước trong khu vực. Đây cũng từng là điểm dừng chân của thương thuyền quốc tế trên Con đường tơ lụa trên biển từ thế kỷ XIII.

Bảo tồn bền vững, phát triển du lịch sinh thái
Từ năm 2005, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quy chế quản lý Khu bảo tồn biển, và năm 2006, thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Đến tháng 5.2009, Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, danh hiệu này đã thúc đẩy chính quyền và người dân chuyển đổi sinh kế từ khai thác thủy sản sang du lịch sinh thái bền vững, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên cả trên rừng lẫn dưới biển.
Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm được xem là hình mẫu tiêu biểu trong hệ thống Khu bảo tồn biển của Việt Nam. Không chỉ bảo tồn và phát triển hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nơi đây còn góp phần thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế bảo tồn và cải thiện sinh kế cho cộng đồng. Đặc biệt, Cù Lao Chàm là địa phương đầu tiên tại Việt Nam và là một trong gần 600 Khu dự trữ sinh quyển thế giới triển khai thành công mô hình “Nói không với túi nilon”.
Nhờ sự phong phú về đa dạng sinh học, Cù Lao Chàm đã được Chính phủ và Bộ Tài nguyên & Môi trường đưa vào nhiều quy hoạch trọng điểm.
Việc thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm không chỉ cụ thể hóa các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mà còn là bước đi cần thiết để bảo vệ hệ sinh thái, đảm bảo an ninh - quốc phòng và phát triển bền vững, thông qua mô hình quản lý tổng hợp rừng - biển - vùng bờ.
Phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng
Trong giai đoạn tới, Khu Bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm tập trung vào các chương trình ưu tiên nhằm bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái, quản lý bền vững cảnh quan, đồng thời ngăn chặn các tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học. Các hoạt động bao gồm phục hồi rừng, tăng độ che phủ, tái tạo cảnh quan thiên nhiên trên đảo và biển.
Đặc biệt, khu bảo tồn hướng đến phát triển sinh kế bền vững, giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên, tạo cơ hội việc làm mới, đặc biệt cho các hộ dân chịu ảnh hưởng từ phân vùng chức năng bảo tồn. Các chương trình đào tạo sẽ giúp cộng đồng nâng cao năng lực phát triển du lịch sinh thái, xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái rừng và biển, đồng thời thiết lập cơ chế chia sẻ lợi ích từ du lịch.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và thực hiện đề án phát triển dịch vụ hệ sinh thái sẽ đảm bảo khai thác tiềm năng du lịch một cách bền vững, không gây tổn hại đến tài nguyên. Khu bảo tồn cũng tập trung hoàn thiện cơ chế chia sẻ lợi ích giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, nghiên cứu sức tải của hệ sinh thái, tạo cam kết trách nhiệm với các doanh nghiệp trong phát triển du lịch sinh thái.
Ngoài ra, khu bảo tồn chú trọng nâng cao năng lực quản lý, nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, đặc biệt trong bối cảnh điều chỉnh phạm vi, quy mô bảo tồn.
Công tác nghiên cứu, giám sát đa dạng sinh học, cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hỗ trợ bảo tồn, sẽ được triển khai nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.