Chuyên gia “hiến kế” xây dựng, phát triển Hội An- Thành phố sáng tạo toàn cầu
VHO - Hội thảo đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian, phát huy lĩnh vực văn hóa sáng tạo. Từ đó, đưa ra các định hướng giải pháp phát triển Hội An- thành phố sáng tạo toàn cầu, xây dựng kế hoạch quảng bá, định vị thương hiệu, tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác trong thời gian tớ.
Ngày 14.6, UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Chính sách, nguồn lực xây dựng và phát triển Hội An- Thành phố sáng tạo toàn cầu”.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ VHTTDL), Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Sở, ngành địa phương và các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu chiến lược phát triển, các nhà nghiên cứu văn hóa, các chuyên gia sáng tạo trên các lĩnh vực liên quan.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, hội thảo này có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm đề ra định hướng, giải pháp cho thành phố Hội An trong chặng đường đầu tiên tham gia có hiệu quả vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO (UCCN).
Hội thảo nhằm mục đích thu thập, lĩnh hội những ý kiến, góp ý sâu sắc của các chuyên gia, các nhà khoa học am tường trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian; cùng trao đổi, thảo luận và đánh giá toàn diện về vai trò, nguồn lực, chính sách mà thành phố có thể huy động để thực hiện các cam kết trong quá trình gia nhập UCCN.
Đặc biệt, tìm kiếm các giải pháp nhằm thu hút sự tham gia của giới trẻ, tạo ra các diễn đàn, xu hướng, bồi dưỡng, phát triển tài năng trên các lĩnh vực văn hóa sáng tạo, tổ chức các sự kiện, ứng dụng công nghệ số trong việc quảng bá giới thiệu nghệ thuật dân gian và sản phẩm nghề thủ công nhằm tăng thêm giá trị và chỗ đứng trong bối cảnh đương đại.
Đồng thời, có cơ chế, chính sách thúc đẩy người dân và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục tiên phong trong sản xuất sản phẩm theo xu hướng xanh, bền vững, có chất lượng, hướng đến mục đích bảo vệ thiên nhiên, dựa trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa. Củng cố chính sách, thúc đẩy truyền dạy và hỗ trợ nghệ nhân, tạo môi trường sáng tạo cho các nghệ nhân, văn nghệ sĩ sáng tạo…
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đưa ra một số gợi mở đối với quá trình triển khai các cam kết của Hội An. Đồng thời gợi mở chi tiết hơn về các đề xuất đối với việc triển khai các cam kết của Hội An với UCCN giai đoạn 2023 – 2027 dựa trên kinh nghiệm của các TP sáng tạo Chiang Mai (Thái Lan) và Joenju (Hàn Quốc) như:
Thành lập Nhóm tư vấn hoặc Tổ tư vấn sáng tạo Hội An bao gồm đại diện chính quyền, đại diện cộng đồng sáng tạo, các doanh nghiệp ở lĩnh vực lựa chọn và các lĩnh vực liên quan, chuyên gia trong nước, quốc tế cùng các chủ thể khác nhằm triển khai hiệu quả các cam kết với UCCN.
Phát triển thủ công thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn định vị bản sắc Hội An trong mối liên kết với lĩnh vực như ẩm thực, thiết kế, nghệ thuật truyền thông.
Tạo sự dịch chuyển, kết nối linh hoạt của các không gian phố cổ và làng nghề thông qua gắn kết thủ công và nghệ thuật dân gian, các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là ẩm thực và nghệ thuật truyền thông theo hướng bền vững từ sự chuyển hóa năng động các nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm của nhóm ngành công nghiệp văn hóa.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, Ths. Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chia sẻ: Sự xuất hiện của 3 thành phố sáng tạo Hà Nội, Hội An, Đà Lạt trên bản đồ các thành phố sáng tạo toàn cầu ở 3 lĩnh vực sáng tạo khác nhau là một căn cứ vững vàng để Việt Nam xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa hội tụ sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á.
Tham gia vào UCCN cũng đồng nghĩa với việc các thành phố cam kết chia sẻ những thực hành tốt nhất, đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức gắn liền với trách nhiệm, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, phát triển hợp tác với khu vực công và tư cũng như các tổ chức xã hội - nghề nghiệp nhằm tăng cường sáng tạo, sản xuất, phân phối và truyền bá về các hoạt động, hàng hóa và dịch vụ văn hóa; phát triển các không gian sáng tạo và đổi mới, mở rộng cơ hội cho những người sáng tạo và chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa; nâng cao việc tiếp cận và tham gia vào đời sống văn hóa, đặc biệt đối với các nhóm và cá nhân yếu thế và dễ bị tổn thương; lồng ghép văn hóa và sáng tạo vào các kế hoạch phát triển bền vững của địa phương.
"Việc Hội An được ghi danh là thành viên UCCN trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian tiếp tục tạo ra cho Hội An những lợi thế và cơ hội nhất định trong quá trình hội nhập quốc tế. Hồ sơ ứng cử của thành phố đã khẳng định phát huy truyền thống kết nối Đông - Tây, thành phố tích cực sử dụng các giải pháp sáng tạo nhằm định vị thương hiệu quốc tế và kỳ vọng thành phố sẽ là một trong những tiêu điểm ở châu Á lan tỏa sự bình yên từ sức sáng tạo bền vững", bà Vân nói.
Hội thảo sẽ diễn ra trong ngày 14.6 với hai phiên thảo luận chủ đề ““Hội An - Từ thành phố di sản đến thành phố sáng tạo” và “Phát huy nguồn lực để phát triển Hội An - Thành phố sáng tạo”.
Các nội dung được chia sẻ đáng chú ý như: Hợp tác quốc tế: Lợi thế và những bước tiếp theo của Hội An trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO; Thịnh vượng mà không tăng trưởng : Định vị hướng từ bên trong vì Hội An bền vững; Định hướng chiến lược bảo tồn và phát huy đô thị sáng tạo; Để Hội An thực sự “cất cánh” như một thành phố sáng tạo-một số tranh luận và đề xuất; Vai trò của các bên liên quan trong xây dựng, phát triển thành phố sáng tạo,…