Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa sẽ giải quyết các vấn đề cấp bách của văn hóa trong thời kỳ mới

VHO- Về nhiệm vụ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 mà Bộ VHTTDL đang khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt khẳng định, Chương trình nhằm triển khai thực hiện các quan điểm, Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về chấn hưng, phát triển văn hóa xây dựng con người Việt Nam. Đặc biệt, khi được ban hành, Chương trình được kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách của văn hóa trong thời kỳ mới.

Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa sẽ giải quyết các vấn đề cấp bách của văn hóa trong thời kỳ mới - Anh 1

 Thứ trưởng Đoàn Văn Việt Ảnh: TRẦN HUẤN

P.V: Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết tính cấp thiết của việc xây dựng một Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới?

- Thứ trưởng Đoàn Văn Việt: Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ sứ mệnh của văn hoá: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11.2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại một trong những tư tưởng xuyên suốt của Đảng ta: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định “Văn hóa vừa là trụ cột, vừa là nền tảng phát triển xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước”.

Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam nhằm triển khai thực hiện các quan điểm trên, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về chấn hưng, phát triển văn hóa xây dựng con người Việt Nam. Kt lu̣n số 42-KL/TW về kinh tế xã hội năm 2022-2023 (Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành) nêu rõ: “Triển khai Chương trình quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030”.

Nghị quyết số 68/2022/QH15, Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15 tiếp tục giao Chính phủ xây dựng Chương trình hoặc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030 trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tại Hội thảo Văn hóa 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong tổng kết Hội thảo đã nêu 9 nhóm chính sách và 7 nhiệm vụ cụ thể cần làm ngay, trong đó, nhiệm vụ cần sớm xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa…

Bên cạnh đó, Chương trình nhằm cụ thể hóa các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển văn hóa của đất nước; nâng cao, tiếp nối các nhiệm vụ về phát triển văn hóa tại các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, chương trình, đề án, dự án giai đoạn trước và đang triển khai.

Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa khi được ban hành sẽ góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách của văn hóa trong thời kỳ mới. Đồng thời, Chương trình nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ, phát triển văn hóa bền vững.

Thưa Thứ trưởng, Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam với ý nghĩa quan trọng nói trên cho thấy cần sự tham gia tích cực, chủ động, hiệu quả của ngành VHTTDL, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương. Cũng bởi văn hóa là một lĩnh vực rất rộng, vậy chúng ta sẽ ưu tiên những vấn đề gì để thực sự đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, cào bằng?

- Để có thể đề xuất ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, Bộ VHTTDL đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo tham vấn, xin ý kiến nội dung chương trình với các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa; đánh giá tổng kết các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, các đề án, dự án giai đoạn trước để từ đó có cơ sở cho những chương trình tiếp theo, đề xuất các nội dung đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, cào bằng.

Chương trình có tổng số 10 nội dung thành phần, chia thành 51 nhiệm vụ với 164 mục tiêu, 255 hoạt động cụ thể. 10 nội dung thành phần bao gồm: Phát triển văn hóa con người Việt Nam; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; Thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật; Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; Phát triển nguồn nhân lực văn hóa; Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới; Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.

Chương trình được triển khai từ năm 2025-2035, với dự kiến đầu tư khoảng 350.000 tỉ đồng. Xin nhấn mạnh đây là số liệu được tổng hợp từ đề xuất của 63 tỉnh/thành và các Bộ, ban, ngành cũng như các hội, hiệp hội, tổ chức có liên quan... Trong đó, 60% từ nguồn lực của ngân sách Trung ương, 20% nguồn lực của địa phương và 20% từ nguồn xã hội hóa khác. Chương trình cũng dự kiến sẽ được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn I từ năm 2025 -2030 và giai đoạn II từ năm 2031- 2035.

Ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, địa phương, việc huy động các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp đầu tư cho văn hóa rất quan trọng. Thưa Thứ trưởng, cần có những cơ chế, chính sách, pháp luật thế nào để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực văn hóa?

- Thứ nhất, xin khẳng định Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam sẽ có sự tham gia đa dạng từ các cấp chính quyền đến các tổ chức, người dân và toàn xã hội. Thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, Bộ VHTTDL luôn xác định Chương trình chỉ có thể đạt hiệu quả, thành công nếu ngay từ bước xây dựng, thiết kế Chương trình đến quá trình triển khai thực hiện có sự tham gia đầy đủ, tích cực, chủ động của mọi thành phần xã hội, không chỉ là các cơ quan quản lý nhà nước mà còn là các tổ chức chính trị xã hội, các cơ sở giáo dục, tổ chức văn hóa, nghệ thuật, các văn nghệ sĩ, người thực hành văn hóa và mọi gia đình, người dân trên mọi miền Tổ quốc.

Cách tiếp cận đa dạng này vừa đảm bảo các nội dung hoạt động của Chương trình đúng, trúng nhu cầu thực tế của xã hội, vừa phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia, cùng đoàn kết, chung tay xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thứ hai, một trong những định hướng quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam là không chỉ tập trung vào bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh mà còn có các nội dung hoạt động nhằm hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động sáng tạo, sáng tác, kinh doanh dịch vụ và thực hành văn hóa của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là các hoạt động khối tư nhân, hướng tới phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo của Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao.

Có thể kể đến hoạt động hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ xúc tiến, quảng bá sản phẩm, trợ giúp pháp lý,... Những sự hỗ trợ này mang tính “khuyến khích”, tạo môi trường, điều kiện kinh doanh thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, cá nhân cùng tham gia đầu tư trong lĩnh vực văn hóa.

Thứ ba, ngoài các hoạt động hỗ trợ, Chương trình cũng sẽ kèm theo các giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách để tạo điều kiện, thu hút hiệu quả nguồn lực, sự tham gia của khu vực ngoài Nhà nước vào lĩnh vực văn hóa.

Như vậy, có thể thấy dự thảo đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam được xây dựng, thiết kế bám sát quan điểm của Đảng về việc chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của thời kỳ mới. Chương trình bao gồm các hoạt động cụ thể, các giải pháp đồng bộ để tạo ra môi trường thuận lợi cho mọi thành phần xã hội được tham gia đóng góp, đầu tư, phát triển văn hóa Việt Nam một cách bền vững, mang lại lợi ích cho toàn xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

 HÀ PHƯƠNG (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc