Cần xây dựng bảo tàng xứng tầm với nền văn hóa Đông Sơn

NGUYỄN LINH

VHO - Tại Hội thảo khoa học “Văn hóa Đông Sơn - 100 năm phát hiện, bảo tồn và phát huy giá trị” vừa diễn ra tại Thanh Hóa, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý văn hoá một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò nền văn minh rực rỡ đối với tiến trình lịch sử Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hoá nói riêng, đồng thời, kiến nghị cần xúc tiến xây dựng một Bảo tàng công lập xứng tầm với văn hóa Đông Sơn.

Thanh Hóa là vùng “Địa linh nhân kiệt”, nơi hội tụ đậm đặc các di tích khảo cổ từ tiền sử đến lịch sử.

Các di tích này đã và đang được chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị tạo nên sức mạnh quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 810 di tích đã được xếp hạng, trong đó 706 di tích cấp tỉnh, 99 di tích cấp quốc gia, 5 di tích cấp quốc gia đặc biệt và 1 di sản văn hóa thế giới là Thành Nhà Hồ.

Bên cạnh những di tích đã được xếp hạng kể trên, các di tích thuộc nền văn hoá khảo cổ Đông Sơn đóng một vai trò đặc biệt.

Cần xây dựng bảo tàng xứng tầm với nền văn hóa Đông Sơn  - ảnh 1
Các chuyên gia, nhà khoa học tham khảo sát hố khai quật Di chỉ khảo cổ học Đông Sơn

Đông Sơn là một làng nằm cạnh bờ sông Mã, tỉnh Thanh Hoá. Địa danh Đông Sơn được dùng để đặt tên một nền văn hóa khảo cổ thời đại sắt sơ kỳ nổi tiếng ở Việt Nam, nền văn hóa Đông Sơn.

Kể từ khi văn hoá Đông Sơn được phát hiện, năm 1924, đến nay đã tròn 100 năm nền văn hoá này được bảo tồn và nghiên cứu.

Từ một địa điểm bên bờ sông Mã, khu vực từ núi Đông Sơn ra đến bờ sông Mã, từ cầu Hàm Rồng vào thôn Đông Sơn thuộc xã Đông Giang, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (nay là phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) từ năm 1924 đến nay 2024 đã có trên gần 500 địa điểm thuộc văn hóa Đông Sơn và hàng trăm (trên 600) địa điểm phát hiện lẻ, ngẫu nhiên và di tích trống đồng.

Thanh hóa là nơi phát hiện các di tích Đông Sơn nhiều nhất trên 120 địa điểm, gần 300 di tích lẻ và trống đồng, chiếm số lượng tuyệt đối trong 30 tỉnh thành, diện tích đã khai quật, nghiên cứu trên 5000m2..

Tại Thanh Hoá, lưu vực sông Mã, sông Chu, sự phân bố các di tích văn hoá Đông Sơn đặc biệt phong phú với gần như đầy đủ các loại hình di tích như di chỉ cư trú, di chỉ cư trú - mộ táng, mộ táng, di chỉ - xưởng và các sưu tập ngẫu nhiên trên hầu hết các dạng địa hình và môi trường.

Di tích Đông Sơn qua nhiều lần khai quật, nghiên cứu đã biết đó là khu cư trú và mộ táng với nhiều giai đoạn trong khoảng thời gian gần 2 thiên niên kỷ.

Đáng chú ý, tại Thanh Hóa có cụm di tích Đông Lĩnh gồm gò Mả Chùa, Cồn Cấu, Bái Tê, Xóm Rú..., tuy niên đại muộn, tầng văn hoá mỏng, diện tích nhỏ nhưng lại là những di chỉ - xưởng, một loại hình di tích hiếm gặp trong văn hoá Đông Sơn.

Cụm di tích Quỳ Chữ và di tích Thiệu Dương nổi bật lên vừa là khu cư trú vừa là khu mộ táng của giai đoạn Tiền Đông Sơn tới Đông Sơn. Cụm di tích Định Công đã phát hiện được nhiều trống đồng Đông Sơn...

Có thể khẳng định, văn hoá Đông Sơn là niềm tự hào của Việt Nam nói chung và Thanh Hoá nói riêng, vấn đề quản lý, bảo tồn quá khứ, hiện tại và tương lai, phát huy giá trị của các di tích văn hoá Đông Sơn ở Thanh Hoá được đặt ra mang tính cấp thiết.

Từ năm 1960 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), các cơ quan nghiên cứu có liên quan ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước,… tiến hành rất nhiều cuộc nghiên cứu, thám sát, khai quật khảo cổ học thu về nhiều kết quả quan trọng.

Cần xây dựng bảo tàng xứng tầm với nền văn hóa Đông Sơn  - ảnh 2
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia: Thời gian tới, cần xây dựng một Bảo tàng công lập về văn Hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa, xứng tầm với văn hóa Đông Sơn, đó là yêu cầu cấp bách hiện nay

Tuy nhiên việc bảo tồn và phát huy giá trị của nền văn minh này vẫn là vấn đề đang còn phải bàn đến nhiều trong thời gian tới. Theo đó, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng cần sớm xúc tiến xây dựng một bảo tàng công lập ở Thanh Hoá về văn Hóa Đông Sơn.

“Chúng ta đã có bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi. Vậy sao sau 100 năm nghiên cứu, vẫn chưa có bảo tàng văn hóa Đông Sơn. Việc xúc tiến xây dựng một Bảo tàng công lập về văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa để xứng tầm với văn hóa Đông Sơn, đó là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Riêng trống đồng Đông Sơn thôi, cũng hoàn toàn có thể mở một bảo tàng riêng, bên cạnh xúc tiến xây dựng bảo tàng văn hóa Đông Sơn để nghiên cứu, phát huy, bảo tồn”, nhiều nhà khoa học kiến nghị và hy vọng, thời gian tới, tỉnh Thanh Hoá có thể có bảo tàng trưng bày hàng ngàn hiện vật suốt thế kỷ khai quật, nghiên cứu.

Cũng theo các nhà khoa học, thời gian tới tỉnh Thanh Hoá cần lập dự án tập trung điều tra, thăm dò, khai quật, nghiên cứu khu vực sông Mã - sông Chu, các chi lưu và vùng đồng bằng.

Nghiên cứu giải pháp bảo tồn các hố khai quật khảo cổ tại làng Đông Sơn (năm 2003) để bảo vệ, giữ gìn được địa tầng văn hóa nguyên vẹn của di chỉ văn hóa Đông Sơn.

Đồng thời phát huy được giá trị di sản văn hóa truyền thống trong không gian của một làng cổ mang tên nền văn hóa Đông Sơn, từng được hình thành và phát triển suốt chiều dài lịch sử của đất nước.

Tổ chức Hội thảo tham vấn của các nhà quản lý, khoa học về những giá trị đặc sắc, tiêu biểu, nổi bật của Di tích Đông Sơn về các tiêu chí xây dựng hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc