Để Đà Nẵng xứng tầm đô thị sáng tạo:
Cần bước chuyển thực chất để không “lỡ hẹn” với văn hóa
VHO - Kết quả giám sát chuyên đề năm 2024 về hệ thống Trung tâm Văn hóa - Thể thao (TTVHTT) tại TP Đà Nẵng cho thấy: Việc đầu tư, quản lý và khai thác các thiết chế văn hóa, thể thao từ cấp TP đến cơ sở vẫn còn nhiều bất cập.

Trong đó, nổi bật là thực trạng chậm triển khai Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh (VHĐA), một công trình được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn sáng tạo và gắn kết cộng đồng văn hóa - nghệ thuật TP.
Vướng quy hoạch, thiếu cơ sở - nhiều thiết chế vẫn “trên giấy”
Theo báo cáo giám sát giai đoạn 2018-2023, diện tích đất dành cho lĩnh vực văn hóa, thể thao tại Đà Nẵng vẫn chưa đáp ứng chuẩn phân bổ quốc gia. Cụ thể, thiếu hơn 31,45 ha cho văn hóa và 3,89 ha cho thể thao.
Quỹ đất tại các khu vực trung tâm TP cũng bị hạn chế, khiến nhiều công trình dù đã được quy hoạch nhưng vẫn chưa tìm được vị trí triển khai.
Đáng chú ý, dự án Trung tâm VHĐA TP Đà Nẵng - được đề xuất từ hơn 10 năm trước - đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. Theo chỉ tiêu do Chính phủ và TP đề ra, đến năm 2025, Trung tâm này phải được hoàn thiện và đạt chuẩn của Bộ VHTTDL. Thế nhưng, tính đến năm 2024, tỷ lệ hoàn thành vẫn là 0%, công trình vẫn đang sử dụng cơ sở tạm và chưa đạt yêu cầu cơ sở vật chất theo quy định.
Theo ông Võ Văn Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư (Sở VHTT Đà Nẵng), Sở đã trình UBND TP chủ trương đầu tư dự án qua tờ trình số 56/TTr- SVHTT ngày 13.2.2025.
Địa điểm được đề xuất là khu đất 4,8 ha phía Đông Trung tâm Hội chợ triển lãm, với kế hoạch tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc trong thời gian tới.
Trong buổi kiểm tra thực địa đầu tháng 4.2025, Phó Chủ tịch HĐND TP Đoàn Ngọc Hùng Anh nhấn mạnh: “Đầu tư Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh là yêu cầu cấp thiết, không chỉ để nâng cao đời sống tinh thần cho người dân mà còn góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành TP của sáng tạo, nghệ thuật”.
Ông cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, dứt điểm thủ tục vì dự án đã kéo dài từ sau khi di dời trụ sở cũ năm 2008 đến nay.
Được thành lập năm 2018 từ sự sáp nhập ba đơn vị: Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, Trung tâm Tổ chức sự kiện và lễ hội, Trung tâm VHĐA TP Đà Nẵng dù thiếu thốn cơ sở vật chất suốt nhiều năm, vẫn luôn nỗ lực duy trì các hoạt động chuyên môn, nghệ thuật và phong trào quần chúng.
Tuy nhiên, việc phải thường xuyên chuyển địa điểm, thuê mướn cơ sở tổ chức sự kiện, cùng kinh phí hạn hẹp khiến Trung tâm khó mở rộng hoạt động và kết nối chuyên môn với các địa phương khác. Đây là rào cản lớn cho sự phát triển bền vững của một thiết chế văn hóa trọng điểm cấp TP.
Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Đà Nẵng không chỉ là một công trình, đó là khát vọng về một không gian sáng tạo, kết nối cộng đồng và phát triển bản sắc văn hóa đô thị. Đã đến lúc Đà Nẵng cần một bước chuyển thực chất - để không còn lỡ hẹn với văn hóa.
Gỡ khó tài sản công - khơi dòng năng lượng văn hóa
Đến năm 2025, mục tiêu của Chính phủ là 100% quận, huyện có TTVHTT, trong khi cấp xã đạt tối thiểu 80%. Tại Đà Nẵng, năm 2024 ghi nhận kết quả tích cực khi TP về đích sớm ở cấp quận, huyện; tuy nhiên, tỷ lệ ở cấp xã mới đạt khoảng 59% - còn nhiều dư địa để hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa từ cơ sở.
Từ năm 2018, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành nhiều văn bản quy hoạch, đầu tư và tổ chức hoạt động cho mạng lưới TTVHTT. Toàn TP hiện có 33/56 phường, xã đã cơ bản hoàn thiện các hạng mục như: Nhà văn hóa, sân thể thao, công viên, khu vui chơi...
Tuy nhiên, việc khai thác tài sản công - đặc biệt là các công trình văn hóa - vẫn còn vướng mắc. Nhiều đơn vị lúng túng trong xây dựng đề án, tìm kiếm đối tác, chưa phát huy được hết tiềm năng sử dụng.
Đơn cử như 113 nhà văn hóa thôn, chủ yếu được sử dụng làm nơi hội họp, chưa được khai thác hiệu quả cho các hoạt động cộng đồng, văn hóa nghệ thuật hay dịch vụ phục vụ dân sinh.
Ông Võ Văn Dũng cho biết, hiện nay, một số đơn vị như Thư viện Khoa học Tổng hợp, Trung tâm Thể dục Thể thao, Nhà hát Trưng Vương đang triển khai “Đề án sử dụng tài sản công” theo đúng quy định.
Tuy nhiên, Bảo tàng Điêu khắc Chăm vẫn gặp khó khăn do đấu giá không thành công, phải lùi kế hoạch khai thác sau khi hoàn tất quá trình cải tạo, sửa chữa.
Tại cấp quận, một số mô hình sáng tạo đã được thử nghiệm: Quận Sơn Trà tự tổ chức kinh doanh, Thanh Khê liên kết đầu tư, Hải Châu phối hợp với các CLB văn hóa - thể thao để khai thác không gian TTVHTT.
Trước đây, các trung tâm như An Hải Đông, Hòa Phước, Mỹ An, Hòa Tiến… từng cho thuê mặt bằng hợp lý để tổ chức các lớp yoga, võ thuật, thẩm mỹ, giúp tăng hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, do những ràng buộc pháp lý mới, hoạt động cho thuê đang bị ngưng trệ hoặc thu hẹp đáng kể.
Năm 2024, Đà Nẵng đã phê duyệt hơn 96,3 tỉ đồng đầu tư cho ba thiết chế văn hóa trọng điểm, bao gồm: Công viên phía Tây đền thờ Danh thần Thoại Ngọc Hầu (phường An Hải Tây, Sơn Trà) với tổng mức đầu tư gần 71 tỉ đồng.
Dự án được triển khai từ 2022-2025 trên diện tích hơn 6.500m², góp phần phát huy giá trị di sản và kiến tạo không gian sinh hoạt cộng đồng chất lượng cao. Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng với mức đầu tư 14 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2024-2026.
Mục tiêu là nâng cấp cơ sở vật chất, cải thiện cảnh quan, không gian trưng bày hiện vật - từ đó bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Chăm-pa, nâng cao chất lượng phục vụ du khách và công tác nghiên cứu khoa học.
Nhà hát Trưng Vương được đầu tư gần 11,5 tỉ đồng, cải tạo, chống xuống cấp nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân và du khách, đồng thời sẵn sàng cho các sự kiện chính trị - văn hóa cấp TP…
Văn hóa là nền tảng phát triển bền vững của đô thị sáng tạo. Khi các thiết chế văn hóa được đầu tư đồng bộ, khai thác hiệu quả và gần gũi với đời sống cộng đồng, Đà Nẵng sẽ không chỉ là TP đáng sống - mà còn là TP biết kể câu chuyện của mình qua không gian, di sản và nghệ thuật.