Bao giờ TP.HCM có quy hoạch tượng đài?

THÙY TRANG

VHO - TP.HCM không chỉ là trung tâm kinh tế, văn hóa mà còn là trung tâm mỹ thuật của khu vực Nam Bộ và cả nước… Thế nhưng, cho tới nay công tác quy hoạch tượng đài vẫn chưa hoàn thành, nếu không dám nói là đang bị bỏ ngỏ.

 Bao giờ TP.HCM có quy hoạch tượng đài? - ảnh 1

 TP.HCM đã tổ chức tu bổ, nâng cấp tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo và công viên Mê Linh, bến Bạch Đằng, được đông đảo người dân ủng hộ. Ảnh: THÙY TRANG

 Tình trạng nhiều công trình cũ xuống cấp, giá trị nghệ thuật không cao vẫn phải tồn tại, trong khi công trình tượng đài mới được đặt hàng cho ngày lễ lớn của đất nước có nguy cơ “cất kho” vì không tìm được vị trí…

Công trình phải lỡ hẹn…

Trao đổi với phóng viên Văn Hóa, GS.TS.NGND Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM cho biết, tượng đài Thống nhất và tượng đài Nam Bộ kháng chiến là hai công trình trọng điểm được TP.HCM triển khai thực hiện từ lâu để hướng tới chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4.2025.

“Theo văn bản, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu trước ngày 30.4.2025 phải khánh thành công trình, giao Sở VHTT và Sở QH&KT thực hiện. Thế nhưng cho đến nay, TP.HCM vẫn chưa tìm được mặt bằng triển khai nên rất khó khăn để hoàn thành các công trình như kế hoạch. May mắn lắm, nếu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thì có thể đặt tượng đài Nam Bộ kháng chiến tại Công viên 23 tháng 9 (quận 1). Đến thời điểm này hầu hết các ý kiến đã đồng thuận địa điểm đặt tượng này. Còn đối với tượng đài Thống nhất, với tình hình hiện tại cho đến ngày 30.4.2025 vẫn… chưa có gì, vì không tìm được mặt bằng. Cho nên tới ngày đó chỉ có thể đưa ra được phác thảo, còn khánh thành chắc là khó”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM tâm tư.

Không chỉ hai tượng đài với giá trị tiêu biểu nói trên, nằm trong tình trạng chung còn có các tác phẩm của hai trại sáng tác điêu khắc năm 2005 và 2015 vẫn trong tình trạng “cất kho”, chưa có chế độ bảo quản thường xuyên, gây xót xa trong giới chuyên môn lẫn người dân quan tâm điêu khắc. Trao đổi về các nội dung nói trên, Sở VHTT TP.HCM cho biết, đơn vị vẫn đang phối hợp với Sở QH&KT, các nhà chuyên môn nghiên cứu, tham mưu vị trí đảm bảo hài hòa, phù hợp với không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực và quy hoạch chung của thành phố để UBND TP xem xét, quyết định. Về các tác phẩm của trại sáng tác năm 2015 là những tác phẩm có giá trị mỹ thuật cao, được lưu giữ và thường xuyên được kiểm tra theo quy định. Một số tác phẩm có giá trị cao đã được thành phố bố trí, lắp đặt tại các vị trí như Hội Mỹ thuật TP, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP, đường Nguyễn Văn Bình… Đồng thời, việc đặt các tác phẩm này phải phù hợp với không gian kiến trúc chung, cảnh quan khu vực, do đó hiện nay Sở VHTT đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát, lên phương án tổng thể đảm bảo tính thẩm mỹ, trình UBND TP bố trí, sắp xếp tại các vị trí phù hợp.

 Bao giờ TP.HCM có quy hoạch tượng đài? - ảnh 2

 Tượng đài Phan Đình Phùng (góc đường Châu Văn Liêm - Hải Thượng Lãn Ông) lọt thỏm giữa không gian đô thị với các biển quảng cáo vây quanh

Mong chờ quy hoạch

Nhà điêu khắc Phan Tấn Toàn phân tích, hầu hết các không gian công cộng tại TP.HCM không được quy hoạch ngay từ đầu trong tổng thể, nên việc bổ sung, chỉnh trang các không gian công cộng phải đối mặt với khó khăn khi tác phẩm điêu khắc là yếu tố được đặt sau cùng giữa các công trình cổ và hiện đại đan xen nhau.

Điều này gây khó khăn trong việc giúp cho tác phẩm điêu khắc đặt để trong không gian đô thị, biến nó thành một phần trong tổng thể thống nhất, hoàn chỉnh. Vì thể loại tượng ngoài trời nói chung và tượng công viên nói riêng đều cần khoảng không gian xung quanh hợp lý, hài hòa. TS, nhà điêu khắc Trần Thành Nam, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM cho rằng, môi trường đô thị đang là một trong những vấn đề “nhức nhối” hiện nay. Gương mặt đô thị đang trở nên xấu xí bởi các bảng quảng cáo, các màn hình điện tử, mặt tiền các tòa nhà… Các không gian công cộng được lắp đặt những tác phẩm điêu khắc trang trí thiếu thẩm mỹ, gây nên sự “ô nhiễm thị giác”. “Do đó, rất cần một định hướng cho quy hoạch phát triển đô thị mà trong đó phải có những khoảng không gian dành cho văn hóa cộng đồng, trong đó không thể thiếu điêu khắc công cộng. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, quan tâm hơn nữa đến phát triển văn hóa, nghệ thuật”, ông Nam nói.

Cho đến nay, TP.HCM vẫn chưa tìm được mặt bằng nên rất khó khăn để hoàn thành các công trình như kế hoạch. May mắn lắm, nếu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thì có thể đặt tượng đài Nam Bộ kháng chiến tại Công viên 23 tháng 9 (quận 1). Đến thời điểm này hầu hết các ý kiến đã đồng thuận địa điểm đặt tượng này.

Còn đối với tượng đài Thống nhất, với tình hình hiện tại cho đến ngày 30.4.2025 vẫn… chưa có gì, vì không tìm được mặt bằng. Tới ngày đó chỉ có thể đưa ra được phác thảo, còn khánh thành chắc là khó.

(GS.TS.NGND NGUYỄN XUÂN TIÊN, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM)

Theo GS Nguyễn Xuân Tiên, khi thực hiện các tượng đài lớn, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề mặt bằng, vừa phải có đủ không gian để làm sao tượng đài đủ uy nghi, vừa thể hiện được tầm vóc, gắn kết với lịch sử… Bên cạnh đó, nơi đây còn phải đảm bảo yếu tố không gian văn hóa nghệ thuật để người dân tiếp cận và có sức lan tỏa rộng đến mọi người. Qua đó, góp phần để thế hệ trẻ hiểu về lịch sử, văn hóa, giáo dục về tư tưởng, lối sống, đạo đức, đồng thời có thể phát triển du lịch… “Nghị quyết đã đặt ra vấn đề đưa văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội… Chỉ tiếc rằng hiện nay các cấp chính quyền chưa quan tâm được như vậy. Tại TP.HCM, không gian văn hóa công cộng rất yếu và ít được quan tâm. Bằng chứng là các công trình tượng đài trước 1975, rất nhiều công trình đã bị xuống cấp, giá trị nghệ thuật cũng không cao do kích thước nhỏ, hạn chế về mặt thẩm mỹ và lạc lõng giữa khung cảnh đô thị hiện đại… Những điều này đã được giới chuyên môn đề cập rất nhiều lần nhưng cũng không ai dám gỡ bỏ, thành ra vẫn còn những điểm xấu đô thị.

Và hiện nay công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức nên xảy ra tình trạng làm công trình thì không có chỗ đặt, hoặc đặt những vị trí không phù hợp. Điển hình như tác phẩm “Truyền thống đấu tranh của công nhân thành phố” được đặt dựng ở ngã bảy, quận 10, ngay giữa vòng xoay như vậy, nhìn xa thì không thấy gì, ở gần thì không thể tiếp cận do vị trí giao thông chằng chịt”, GS Nguyễn Xuân Tiên bày tỏ. Tại vòng xoay ngã sáu Sài Gòn, tượng Thánh Gióng gần như quá “khiêm tốn” trong không gian vây quanh của các tòa nhà cao tầng, những tấm bảng quảng cáo hoành tráng dựng đứng… Tượng Phan Đình Phùng trước Bưu điện quận 5 cũng trong tình trạng tương tự. Điều này dẫn đến hiệu quả kết hợp giữa điêu khắc, kiến trúc với môi trường thiên nhiên, xã hội thiếu sự tương đồng, nhất quán trong việc tạo cảnh quan thẩm mỹ. Đồng thời, khả năng truyền tải, lan tỏa thông điệp quá trình hình thành và phát triển vùng đất qua đó cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Theo Sở VHTT TP.HCM, đề cương của Đề án “Phát triển tượng đài, tranh hoành tráng trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2035” đang được lấy ý kiến sâu rộng từ người dân, giới chuyên môn, đơn vị quản lý và các cấp lãnh đạo. Theo đó, đề cương chỉ ra sự cần thiết của việc phát triển tượng đài, tranh hoành tráng trên địa bàn thành phố, góp phần xây dựng diện mạo đô thị xứng tầm.