Quy chuẩn nào cho tượng đài Hùng Vương?

VH- Hội thảo nhiệm vụ, mục tiêu, tiêu chí, quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035 tiếp tục diễn ra tại TP.HCM vào hôm qua 10.5 với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, điêu khắc... Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên chủ trì Hội thảo.

Quy chuẩn nào cho tượng đài Hùng Vương? - Anh 1

Tượng đài Vua Hùng ở Suối Tiên, TP.HCM

Theo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL), hiện cả nước có khoảng 1.400 di tích liên quan đến Hùng Vương và các tướng lĩnh thời Hùng Vương. Trong đó, một số nơi có tượng thờ trong đền và ngoài trời. Hầu hết những tượng Vua Hùng đã có được giới chuyên môn nhìn nhận là chưa tạo nhiều dấu ấn, chất lượng nghệ thuật chưa cao.

Đơn cử như tượng Vua Hùng tại Công viên văn hóa Đồng Xanh (Pleiku, Gia Lai) từng gây băn khoăn trong dư luận về hình tượng Vua Hùng da trắng, môi đỏ… cao 6 mét, làm bằng gỗ mít nguyên khối, nặng gần 6,5 tấn, sơn thếp vàng bên ngoài. Về mặt nghệ thuật của công trình này còn hạn chế, sơn vẽ, tả thật một cách thái quá, thiếu thẩm mỹ. Phía trước sân đền thờ còn bố trí tượng của 18 vị Vua Hùng đứng hai hàng song song.

Vua Hùng là một nhân vật huyền sử. Việc xây dựng chân dung, hình tượng liệu có đảm bảo tính chính xác hay không? Đây là điều mà dư luận quan tâm, bởi nếu không có sự thống nhất thì mỗi nơi sẽ có những hình tượng nhân vật khác nhau. Ví dụ tượng Vua Hùng ở Khu du lịch văn hóa Suối Tiên TP.HCM lại theo phong cách diễn tả theo lối phạt mảng, tạo khối, chân dung chưa thể hiện sự uy nghi, kiên định của Vua Hùng.

Nhà điêu khắc Lâm Quang Nới cho rằng, tượng đài hay các công trình tượng Vua Hùng khác đều cần làm toát lên sự linh thiêng, mang yếu tố tâm linh. Việc xây dựng hình tượng 18 vị Vua Hùng đứng hai bên giống như đón khách là không phù hợp. Một tượng Vua Hùng còn chưa có quy chuẩn thì sao làm đến 18 ông được. Vua Hùng là hình tượng không cụ thể. Vậy phía cơ quan nhà nước cần đưa ra tiêu chí, đề bài cụ thể để các nhà điêu khắc không bị lạc đề. Kiến trúc sư Ngô Hùng, Trường Đại học Bách khoa cũng lưu ý, vấn đề ở đây là chúng ta sử dụng ngôn ngữ, thông điệp nào để được chấp nhận. Muốn vậy, tiêu chí xây dựng tượng đài phải rõ là tượng mang tính nghiêm trang hay trang trí.

 

Quy chuẩn nào cho tượng đài Hùng Vương? - Anh 2

 Thứ trưởng Vương Duy Biên phát biểu tại hội thảo

Theo NGND Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, khi nói đến tiêu chí nội dung tượng đài, ngoài tiêu chí thể hiện lòng thành kính, tri ân công đức của Vua Hùng, giá trị văn hóa cội nguồn, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, cần có thêm tiêu chí về ý thức, tinh thần chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc. Đây là vấn đề mấu chốt để xây dựng hình tượng Vua Hùng. Quan tâm đến tính nghệ thuật, truyền thống, tránh lai tạp, tổng thể tượng đài phải được nghiên cứu kĩ. Hình tượng hóa Quốc tổ phải đẹp, gây ấn tượng, tâm linh, tự hào dân tộc, không lai tạp, mang đến niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam về Quốc tổ Hùng Vương.

Đồng quan điểm này, nhà điêu khắc Phan Gia Hương cho rằng, tất cả các tượng đã có hiện nay chỉ là dạng tượng công viên, bị cụ thể hoá, mang tính nội dung kể lể các giai thoại. Tượng đài phải mang tính biểu tượng, sáng tạo của các nhà điêu khắc. Một công trình tượng đài đẹp sẽ thuyết phục được nhân dân. Về địa điểm xây dựng tượng đài có thể chọn ở ba trung tâm lớn của cả nước: Phú Thọ, Huế và TP.HCM. Trong đó đặc biệt ưu tiên tại Đất tổ Phú Thọ, nơi cội nguồn thờ cúng các Vua Hùng.

Họa sĩ Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VHTTDL) đặt vấn đề: “Nên hiểu rằng tượng đài là tác phẩm điêu khắc gồm nhiều phong cách sáng tác: điêu khắc, hiện thực… Tượng đài ngày nay chủ yếu là hiện thực. Mặc định nhân vật là tượng con người thật, trong khi tượng đài có thể theo hình thức trừu tượng, biểu hiện, lập thể… Vậy tại sao không nghĩ làm tượng Vua Hùng theo phương pháp trừu tượng, biểu tượng để truyền tải nội dung về tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc của Vua Hùng? Chúng ta nên thay đổi quan điểm về tượng đài, không nhất thiết hiện thực, hình tượng cụ thể, con người cụ thể kéo theo những băn khoăn, tự đẩy vào thế khó khi xây dựng tượng đài huyền sử”.

Còn theo GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, xây dựng tượng đài có tên tuổi phải theo phong cách hiện thực. Hiện nay việc xây dựng tượng đài cụ thể vẫn đi theo lối mòn, do truyền thống, tư duy của dân tộc. Muốn có sự thay đổi phải có sự thẩm định kỹ lưỡng, có chất chuyên môn của giới điêu khắc… Quy hoạch này vì vậy rất cần thiết, tuy nhiên phải tư duy sao cho đúng đắn và khoa học.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Vương Duy Biên nhấn mạnh, ý kiến của các nhà điêu khắc, nghiên cứu sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu. Xây dựng quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương bài bản, khoa học là một yêu cầu cấp thiết được đặt ra. Mỗi công trình đẹp, có chất lượng nghệ thuật là tài sản dành cho thế hệ mai sau, là nơi để mỗi người dân Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn, tri ân các bậc tiền nhân. 

 H.TRẦN

 

 

Ý kiến bạn đọc