Sửa đổi Luật Quảng cáo:

Bảo đảm sự an toàn của công trình quảng cáo

PHƯƠNG NGÂN

VHO - Để bảo đảm sự an toàn của công trình quảng cáo, công trình lân cận và sự an toàn của cộng đồng nói chung, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã bổ sung quy định chủ sở hữu biển hiệu, bảng quảng cáo phải chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn công trình, phòng, chống cháy, nổ của biển hiệu, bảng quảng cáo.

Bảo đảm sự an toàn của công trình quảng cáo - ảnh 1
Dự Luật bổ sung những quy định nhằm hoàn thiện hành lang đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời

Bổ sung những quy định nhằm hoàn thiện hành lang đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời, đồng thời thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách thủ tục hành chính,  Dự án Luật sửa đổi, bổ sung đã chỉnh sửa những thủ tục hành chính không phù hợp, phức tạp, phiền hà; tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm quy định thủ tục hành chính đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của các tổ chức cá nhân, tuy nhiên vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước và sự an toàn đối với các công trình bảng quảng cáo ngoài trời.

Luật Quảng cáo năm 2012 quy định biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20 m2 kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng phải xin phép xây dựng công trình quảng cáo. 

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời và phù hợp với tình hình thực tiễn việc cấp giấy phép xây dựng trong thời gian qua, đồng thời bảo đảm sự an toàn của công trình quảng cáo, công trình lân cận và sự an toàn của cộng đồng nói chung, Dự án Luật sửa đổi điểm b khoản 2 của Điều 31 theo hướng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 40 m2 kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải mới xin giấy phép xây dựng.

Dư Luật  bãi bỏ thủ tục xin giấy phép xây dựng công trình quảng cáo đối với biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt dưới 40 m2 gắn vào công trình xây dựng. Đối với biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt từ 20- 40 m2 không phải xin cấp phép xây dựng như trước đây.

Tuy nhiên, nhấn mạnh yếu tố bảo đảm sự an toàn của công trình quảng cáo, Dự án Luật đã bổ sung quy định chủ sở hữu biển hiệu, bảng quảng cáo phải chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn công trình, phòng, chống cháy, nổ của biển hiệu, bảng quảng cáo; trường hợp gây thiệt thại thì phải bồi thường, chịu trách nhiệm pháp lý khác. 

Theo Ban soạn thảo, việc quy định như trên nhằm gắn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với biển hiệu, bảng quảng cáo mà họ sở hữu. Qua đó, bắt buộc các tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ thường xuyên kiểm tra chất lượng, sự an toàn của biển hiệu, bảng quảng cáo.

Bên cạnh đó, Dự Luật cũng sửa đổi, bổ sung Điều 29 về Hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn theo hướng cắt, giảm các thành phần hồ sơ không còn phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục. Cụ thể, bi bỏ thành phần hồ sơ tại khoản 2 về Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của người quảng cáo trong trường hợp tự thực hiện quảng cáo. 

Luật Quảng cáo được ban hành năm 2012, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quảng cáo tại Việt Nam, phù hợp với sự phát triển của hoạt động quảng cáo và xu thế hội nhập quốc tế. 

Sau hơn 12 năm triển khai thi hành Luật, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các quy định của pháp luật về quảng cáo đã tạo cơ sở pháp lý sự phát triển của ngành quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế, giao thoa văn hoá và thị trường thương mại tự do.

Bảo đảm sự an toàn của công trình quảng cáo - ảnh 2
Cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động quảng cáo

Thông qua các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật về quảng cáo được ban hành, hoạt động quảng cáo đã phát triển mạnh mẽ, không chỉ với sự gia tăng cả về số lượng, chất lượng cũng như doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này mà còn đóng góp cho việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với vai trò cầu nối giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng. 

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trong đó có những quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời. Những bất cập này đòi hỏi cần sớm có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Được xác định là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa, hoạt động quảng cáo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đồng bộ trong công cuộc xây dựng ngành công nghiệp văn hóa nhằm tạo ra sức mạnh mềm từ văn hóa.

Mặt khác, trước các cơ hội và thách thức đan xen của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng, Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương về xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế, văn hóa, xã hội trong đó có các chính sách phát triển công nghiệp văn hóa nói chung và ngành quảng cáo nói riêng.

Trong dòng chảy thực tiễn với nhiều thay đổi nhanh chóng, nhiều bất cập nảy sinh bởi những khoảng trống pháp lý, việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng công nghiệp văn hóa nói chung và quảng cáo nói riêng là cần thiết, góp phần quan trọng trong việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước từ văn hóa.

Trong đó có việc đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa, bao gồm lĩnh vực quảng cáo. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; tăng cường phân cấp đối với chính quyền địa phương; cắt giảm một số thủ tục hành chính, giấy phép; phát huy nguồn lực của xã hội được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong giai đoạn hiện nay.