Sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo:
Tăng tỉ lệ diện tích, thời lượng quảng cáo trên báo chí
VHO - Hiện nay, phần lớn các cơ quan báo chí đều hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, vì vậy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm tự chủ tài chính. Trong khi đó, với những xu hướng phát triển của công nghệ và trí tuệ nhân tạo mang lại sự sáng tạo và tương tác thì thị phần quảng cáo truyền thống, bao gồm quảng cáo trên báo chí, truyền hình) ngày càng sụt giảm, khách hàng không còn đầu tư quảng cáo trên các phương tiện này.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo đã có những quy định mới nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, đảm bảo cân bằng lợi ích của cơ quan báo chí và người tiếp nhận.
Bất cập thực tiễn
Một thực tế được nhìn nhận rõ hiện nay là các cơ quan báo chí đang phải tận dụng mọi biện pháp để tối ưu hóa lợi nhuận từ quảng cáo nhằm tái đầu tư vào việc mua bản quyền và sản xuất các chương trình hấp dẫn phục vụ độc giả, khán giả. Lý do bởi phần lớn các cơ quan báo chí hiện đều hoạt động theo cơ chế tự chủ, vì vậy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm tự chủ tài chính.
Trong khi đó, với những xu hướng phát triển của công nghệ và trí tuệ nhân tạo mang lại sự sáng tạo và tương tác thì thị phần quảng cáo truyền thống, bao gồm quảng cáo trên báo chí, truyền hình ngày càng sụt giảm, khách hàng không còn đầu tư quảng cáo trên các phương tiện này.
Luật Quảng cáo năm 2012 quy định về quảng cáo trên báo in: “Diện tích quảng cáo không được vượt quá 15% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác” (khoản 1 Điều 21).
Tỷ lệ thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình quy định: “Thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình không được vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ thời lượng quảng cáo trên kênh, chương trình chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác” (khoản 1 và khoản 4 Điều 22).
Các chuyên gia quảng cáo nhận định, những quy định trên gây bó buộc cho các cơ quan báo chí trong việc linh hoạt thay đổi các gói quảng cáo, không thể tối ưu giá quảng cáo để cạnh tranh, thu hút doanh nghiệp.
Hơn nữa, do khống chế thời lượng, giá quảng cáo tăng nên các sản phẩm quảng cáo có thời lượng ngắn nên việc chuyển tải thông tin đến người tiêu dùng chưa đầy đủ, đặc biệt là đối với quảng cáo hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm…không đảm bảo được những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên sản phẩm quảng cáo đến người tiêu dùng, hạn chế sự phát triển của hoạt động quảng cáo và nhu cầu được cung cấp thông tin của người xem.
Giải pháp tháo gỡ
Nhìn nhận rõ những bất cập từ thực tiễn, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo đã khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, đảm bảo cân bằng lợi ích của cơ quan báo chí và người tiếp nhận.
Theo đó, một số quy định cụ thể đã được dự thảo sửa đổi, bổ sung: Sửa đổi, bổ sung Điều 21 quy định tăng diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo.
Sửa đổi, bổ sung Điều 22 quy định về hoạt động quảng cáo trên báo nói, báo hình: bổ sung khoản 2 về thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ kênh, chương trình chuyên quảng cáo.
Đây là nội dung sửa đổi nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà quản lý, chuyên gia và đặc biệt của các cơ quan báo chí, truyền hình. Trong phiên thảo luận về dự án Luật tại hội trường kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV mới đây, một số ý kiến của đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm đối với nội dung này. Trong đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, hiện nay thị phần quảng cáo trên báo in giảm mạnh, việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên báo in chưa giải quyết căn bản khó khăn của các cơ quan báo chí trong việc thực hành tự chủ tài chính.
Theo ông, báo chí là đơn vị sự nghiệp có thu, cho nên việc quảng cáo trên báo in nhiều hay ít, rộng hay hẹp không nên bắt buộc . Nếu bạn đọc thấy quảng cáo nhiều quá, người ta thấy chán, người ta tẩy chay tờ báo đó thì tờ báo đó sẽ không phát triển, không có doanh thu.
Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, đại biểu Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh, việc cho phép phát sóng trên kênh truyền hình là một vấn đề rất quan trọng. “Trong 30 phút phim được quảng cáo không tới 10 phút, tôi nghĩ được nhưng cũng phải quảng cáo trong thời điểm nào…”, đại biểu đề xuất.
Một số ý kiến cũng đề xuất việc cần cân nhắc về quy định số lần ngắt để quảng cáo trong chương trình phim truyện, tránh gây phiền hà cho người xem.