Sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo:

Trách nhiệm khắt khe với người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm

NGỌC NGÂN

VHO - Dư luận lâu nay phản ứng gay gắt trước thực trạng nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo tràn lan sản phẩm, dịch vụ, trong đó có không ít sản phẩm nguồn gốc xuất xứ mập mờ, công dụng không đúng sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng. Thực trạng này đặt ra vấn đề cấp bách phải siết chặt hoạt động quảng cáo sử dụng hình ảnh người nổi tiếng.

Trách nhiệm khắt khe với người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm - ảnh 1
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, đặc biệt đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng nhằm đẩy lùi hiện tượng người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật

Sai thì xin lỗi hoặc chỉ bị phạt ở mức “phải chăng” nên không đủ sức răn đe, trong khi sức ảnh hưởng của người nổi tiếng đối với cộng đồng lại vô cùng to lớn. Từ thực tế này, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã sửa đổi, bổ sung khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, đặc biệt đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.

Trước đây, tại khoản 8 Điều 2 của Luật Quảng cáo năm 2012, khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chưa bao hàm người trực tiếp quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua các hoạt động của mình trên mạng xã hội. Trong khi đó hiện nay, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của các phương tiện quảng cáo, đặc biệt là mạng xã hội, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng để truyền tải các nội dung quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Đặc biệt, thực tế ghi nhận sự xuất hiện nhiều người dùng mạng xã hội, nhất là các nghệ sĩ nổi tiếng giới thiệu, mời chào, quảng cáo  các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc, thiệt hại kinh tế cho đông đảo người tiêu dùng.

Mặt khác, Luật Quảng cáo năm 2012 không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.

Do đó, chưa có chế tài hoặc ràng buộc đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trong trường hợp nội dung quảng cáo đó không đúng sự thật hoặc yêu cầu người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải là người đã tìm hiểu, sử dụng sản phẩm đó và có trách nhiệm về các nội dung mình cung cấp.

 Dự thảo Luật vì vậy đã tập trung sửa đổi một số nội dung sau: Sửa đổi, bổ sung khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo tại khoản 8 Điều 2, để bảo đảm bổ sung các hình thức chuyển tải sản phẩm quảng cáo mới hiện nay, theo đó, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua các hoạt động của mình trên mạng xã hội, trong sản phẩm quảng cáo hoặc thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự.

Bổ sung Điều 15a quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, phân định cụ thể hai đối tượng. Đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung, dự thảo Luật bổ sung các quy định người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có trách nhiệm kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo của tổ chức, cá nhân; cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Đồng thời, chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không đảm bảo các yêu cầu. Quy định này để bảo đảm phù hợp với quy định về trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tại khoản 1 Điều 22 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trách nhiệm khắt khe với người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm - ảnh 2
Quy định khắt khe trách nhiệm của người nổi tiếng khi quảng cáo sản phẩm để không còn những lời xin lỗi muộn màng

Đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, tại Điều 15a cũng quy định những trách nhiệm khắt khe hơn để tránh việc lợi dụng ảnh hưởng của mình trong việc chuyển tải thông tin về hàng hóa, dịch vụ như: thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo; khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.

Trước thực trạng nhiều bất cập kéo dài thời gian qua, nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự Luật quảng cáo này rất được dư luận quan tâm. Theo đại biểu quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng), việc quy định rõ ràng nghĩa vụ của người truyền tải sản phẩm quảng cáo, đặc biệt là những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội là một bước đi cần thiết để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động quảng cáo.

 Tuy nhiên, theo đại biểu, trong thực tế nhiều người nổi tiếng và doanh nghiệp vẫn tìm cách lách luật, đôi khi tìm cách che giấu tính chất quảng cáo của nội dung khiến người tiêu dùng khó nhận biết. Trong khi nhiều người tiêu dùng vẫn chưa quen với việc tìm kiếm thông tin xác thực của nội dung trên mạng xã hội.

“Một trong những giải pháp quan trọng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là thông báo trước cho người tiêu dùng biết người nổi tiếng đang thực hiện quảng cáo. Điều này giúp cho người tiêu dùng nhận biết rõ đâu là nội dung quảng cáo, đâu là ý kiến cá nhân của người nổi tiếng, giảm thiểu tình trạng người tiêu dùng bị lừa gạt, mua phải sản phẩm kém chất lượng, đồng thời góp phần xây dựng một môi trường đường truyền thông minh bạch và đáng tin cậy…”, theo đại biểu Tú Anh

Ý kiến này cũng nhấn mạnh, để khắc phục tình trạng trên, dự thảo luật cần quy định cụ thể các hình thức thông báo bắt buộc như sử dụng hashtag "quảng cáo", dán nhãn "được tài trợ" hoặc thông báo trực tiếp trong nội dung bài viết.

Bên cạnh đó, các nền tảng xã hội cũng cần có trách nhiệm cung cấp các công cụ để người dùng dễ dàng nhận biết nội dung quảng cáo và báo cáo các trường hợp vi phạm. Chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, người có ảnh hưởng, doanh nghiệp và các nền tảng mạng xã hội, chúng ta mới có thể xây dựng được một môi trường truyền thông minh bạch và đáng tin cậy.