Từ sự hồn nhiên của Ngọc Hải đến lỗ hổng...

VHO- Sau mấy ngày vướng phải lùm xùm vì vi phạm bản quyền hình ảnh đội tuyển bóng đá quốc gia, thủ quân đội tuyển Việt Nam Quế Ngọc Hải đã xin lỗi VFF, CLB Viettel và người hâm mộ trên trang Facebook cá nhân. Vụ việc rồi sẽ qua đi nhưng còn lại đó là lỗ hổng về tính chuyên nghiệp, không chỉ ở cá nhân Quế Ngọc Hải mà còn ở cả một nền bóng đá. Trước Hải, Công Phượng khi ấy là ngôi sao sáng giá nhất trong đội hình đội tuyển U19 Việt Nam cũng từng khiến dư luận dậy sóng về chuyện vi phạm bản quyền hình ảnh đội tuyển.

Từ sự hồn nhiên của Ngọc Hải đến lỗ hổng... - Anh 1

Hình ảnh Quế Ngọc Hải trong video quảng cáo vi phạm bản quyền đội tuyển quốc gia

 Nhất là khi Phượng lại quảng bá cho một thương hiệu bia nổi tiếng, có sử dụng hình ảnh cầu thủ này khoác áo đội tuyển U19 Việt Nam ghi bàn vào lưới Australia. Sau chiến tích lẫy lừng tại VCK U23 châu Á, Quang Hải cũng dính lùm xùm vi phạm bản quyền khi anh xuất hiện trong video quảng cáo một thương hiệu bia với bộ quần áo thi đấu màu đỏ gắn quốc kỳ trên ngực trái. Dù không phải áo thi đấu của đội tuyển Việt Nam nhưng điều này khiến nhiều người nhầm tưởng đây là trang phục của đội tuyển và Quang Hải cũng bị “tuýt còi”.

VFF phải nhắc nhở các cầu thủ con cưng là việc chẳng đặng đừng bởi bản thân tổ chức này cũng muốn xây dựng hình ảnh đội tuyển Việt Nam, các tuyển thủ nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung thật chuyên nghiệp. TTK VFF Lê Hoài Anh hôm qua (6.9) cũng khẳng định với Văn Hoá, VFF đã có những quy định rất chặt chẽ về bản quyền hình ảnh của các đội tuyển, trong đó có quy định cụ thể, khi nào các tuyển thủ dùng những hình ảnh liên quan đến đội tuyển quốc gia thì phải xin phép đơn vị sở hữu bản quyền. Nhưng ngặt nỗi, sau những chiến tích lẫy lừng của bóng đá Việt Nam, nhiều tuyển thủ bỗng chốc trở thành nhân vật được giới truyền thông và nhiều thương hiệu săn đón trong khi họ còn chưa kịp trang bị kiến thức và kỹ năng để có cách ứng xử phù hợp với vị thế của một ngôi sao, không chỉ trong thi đấu mà còn trong các vấn đề về bản quyền thương mại.

Câu chuyện của Hải cũng cho thấy một lỗ hổng khác. Đó là thời gian gần đây, nhiều cầu thủ nổi tiếng đều có người đại diện nhưng kinh nghiệm, trình độ của họ đến đâu trong lĩnh vực còn mới mẻ này lại là một câu chuyện khác. Ông Lê Hoài Anh cũng dẫn câu chuyện về những cầu thủ nổi tiếng trên thế giới đều có người đại diện đứng ra đàm phán các vấn đề về thương mại, bản quyền để cầu thủ chỉ tập trung thi đấu. Trong khi ở mình, đội ngũ này còn chưa thật chuyên nghiệp nên mới xảy ra khá nhiều vụ tuyển thủ quốc gia mà đỉnh điểm là thủ quân đội tuyển quốc gia, như Ngọc Hải, hồn nhiên vi phạm bản quyền. Thế nên, sau câu chuyện của Hải, vấn đề đặt ra với các cầu thủ nói chung là phải tự trang bị kiến thức. Bên cạnh đó, với những tuyển thủ nổi tiếng, việc lựa chọn người đại diện cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng, để có thể giúp cầu thủ khai thác được quyền lợi về thương mại, hình ảnh nhưng không vi phạm.

Khi người viết trao đổi với khá nhiều cầu thủ, hầu hết đều không hiểu rõ các quy định, nhất là các vấn đề liên quan đến thương quyền của đội tuyển quốc gia. Với những cầu thủ nổi tiếng, đã có người quản lý, mọi việc được phó mặc cho đội ngũ này, nên nếu người đại diện đủ trình độ, đủ hiểu biết thì cầu thủ được hưởng lợi, không dính lùm xùm và ngược lại. Chính vì bối cảnh còn thiếu chuyên nghiệp như thế nên thiết nghĩ, ở mỗi đợt tập trung đội tuyển, VFF cần phổ biến thêm kiến thức về thương quyền của đội tuyển, để các cầu thủ nắm và không lặp lại câu chuyện tương tự như Hải.

NGUYỄN THU SÂM

Ý kiến bạn đọc