Sao lại là “thả rông”?
VHO - Những ngày qua, đã có rất nhiều ý kiến không đồng tình với phát ngôn của Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội Nguyễn Phi Thường tại hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội ngày 4.12.2024.
Cụ thể, khi đề cập đến vấn đề xử lý ùn tắc giao thông, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã phát biểu: “Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta phải đối diện với vấn đề này. Mỗi năm thành phố tăng hàng trăm nghìn phương tiện giao thông, chúng ta cứ “thả rông” như thế này thì không thể nào xử lý được ùn tắc giao thông. Phải có chế tài cao hơn để giải quyết vấn đề này” (trích theo báo điện tử Dân trí).
Thực trạng ông Thường đặt ra hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên dư luận không đồng tình ở đây là việc ông Giám đốc Sở GTVT dừng cụm từ “thả rông” khi đề cập đến vấn đề quản lý phương tiện cá nhân, mà chủ sở hữu của những phương tiện này là người dân...
Không tin tưởng vào sự am tường ngôn ngữ của mình, người viết đã tra cứu nghĩa của từ “thả rông” trong Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ - NXB Đà Nẵng, 2003) thì không thấy có phần giải nghĩa cho mục từ này. Theo ý kiến của một nhà nghiên cứu về Ngôn ngữ học, “thả rông” không phải là một từ mà là một kết hợp tự do với hai thành tố là “thả” và “rông”. Cũng theo Từ điển tiếng Việt, “thả” là động từ với ba nghĩa: Để cho được tự do hoạt động, không giữ lại một chỗ nữa; cho vào môi trường thích hợp để có thể tự do hoạt động hoặc phát triển; để cho rơi thẳng xuống nhằm mục đích nhất định. Với “rông” là tính từ mang nghĩa: Ở tình trạng buông thả, không bị ràng buộc, có thể đi lung tung khắp nơi.
Tìm hiểu việc sử dụng cụm từ “thả rông” trên các phương tiện truyền thông lâu nay ra sao, người viết đã tiến hành tra cứu trên Google. Kết quả có được là 1.340.000 kết quả sau 0,20 giây. Phần lớn cụm từ “thả rông” được dùng trong hai trường hợp. Một, đó là chỉ việc buông lỏng, thiếu kiểm soát trong chăn nuôi, quản lý gia súc, gia cầm, vật nuôi... của người dân đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí là những hậu quả nặng nề đến đời sống xã hội (VD: Thả rông trâu bò trên đường quốc lộ). Hai, đó là khi đề cập đến “trào lưu” không sử dụng nội y của cả phái nam và nữ (VD: “Thả rông” vòng 1). Từ đó, việc người đứng đầu ngành GTVT Hà Nội sử dụng cụm từ “thả rông” để chỉ phương tiện cá nhân của người dân tham gia giao thông khiến người đọc liên tưởng đến hình ảnh nào không nói chắc ai cũng hiểu.
Việc người dân tham gia giao thông bằng các phương tiện cá nhân là điều pháp luật cho phép. Khi tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân, người dân phải tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật. Trong trường hợp vi phạm, tùy theo mức độ nặng nhẹ khác nhau, sẽ có những chế tài xử phạt theo các quy định của pháp luật. Việc xảy ra ùn tắc giao thông do quá tải các phương tiện cá nhân hay sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông cần phải có các biện pháp quản lý, điều tiết, tuyên truyền, vận động, giáo dục... của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề được đặt ra trong bài viết này. Vấn đề người viết muốn đề cập ở đây là chuẩn mực, cao hơn là văn hóa phát ngôn của người đứng đầu ngành GTVT của Hà Nội.
Chuẩn mực trong phát ngôn của người lãnh đạo trước dư luận là yếu tố quan trọng để tạo dựng uy tín, niềm tin và đem lại ảnh hưởng tích cực đối với cộng đồng. Đó còn là việc thể hiện sự tôn trọng của người phát ngôn đối với cộng đồng và dư luận chung. Chính vì vậy người lãnh đạo khi phát ngôn tránh sử dụng ngôn ngữ xúc phạm, phân biệt hoặc thiếu lịch sự. Cần phải hiểu rõ rằng những phát ngôn của người lãnh đạo có thể ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi và dư luận xã hội, chính vì vậy cần sử dụng ngôn từ truyền cảm, khích lệ, động viên, tạo sự đồng thuận và tích cực trong dư luận. Việc người đứng đầu ngành GTVT của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, của đất Tràng An hào hoa, thanh lịch dùng cụm từ “thả rông” khi nói đến phương tiện cá nhân tham gia giao thông của người dân liệu đã đáp ứng được những yêu cầu trên? Kho tàng tiếng Việt vô cùng tinh tế, đa dạng và phong phú, để tìm một từ thay thế nhẽ khó lắm sao?