Quyết định khó khăn...

VHO- Có thể nói, tổ chức một kỳ thi với gần triệu thí sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp là mạo hiểm. Nhưng không thi, hệ lụy cũng rất lớn. Quyết định như thế nào cũng là điều rất khó khăn. Hiện tại, Bộ GD&ĐT vẫn đang giữ phương án tổ chức thi, kèm theo các biện pháp phòng ngừa.

Các địa phương sẽ phân loại thí sinh nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 theo 4 nhóm: F0, F1, F2 và các thí sinh khác. Trong đó, các thí sinh F1, F2 có thể dự thi ở các điểm thi riêng, phòng thi cách ly. Đây chỉ là giải pháp tình thế, phần nào đang trấn an sự hoang mang của phụ huynh và thí sinh.

 Trên thực tế, việc rà soát, phân loại và bố trí điểm thi riêng ở những địa bàn phức tạp liên tục có diễn biến mới về dịch là điều khó khăn. Không chỉ khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất mà còn về nhân lực, phương án bảo đảm vận chuyển đề thi, bảo quản đề thi, bài thi.

Trước đó, để ứng phó với việc Đà Nẵng trở thành tâm dịch, 6 tỉnh, thành phố đã phải điều chỉnh lại phương án điều cán bộ trường đại học tham gia giám sát kỳ thi. Việc này vẫn là giải pháp mang lại hy vọng sẽ giữ kỷ cương kì thi năm nay, với điều kiện cán bộ trường đại học không làm nhiệm vụ tại địa bàn có trường mình. Nhưng với tình huống mới, cả 6 tỉnh, thành liên quan tới “yếu tố Đà Nẵng” đều phải sử dụng lực lượng cán bộ trường đại học tại chỗ. Không ít băn khoăn về việc có thể có những nơi lợi dụng dịch bệnh, phát sinh tiêu cực. Phương án phòng dịch trong kỳ thi dù kĩ lưỡng tới đâu cũng khó chủ động được trước tình thế dịch đang lan ngoài cộng đồng.

Cứ tạm tin việc phân loại thí sinh có thể đảm bảo trong phòng thi được an toàn, cách ly với nguồn lây dịch bệnh. Nhưng một kỳ thi lớn luôn kéo theo nhiều người đi kèm thí sinh. Sẽ khó có thể tránh được cảnh thí sinh và người nhà tập trung về các điểm thi trước và trong thời gian diễn ra kỳ thi. Nếu xảy ra lây lan dịch ở những khu vực này thì hậu quả cũng rất lớn. Quá mạo hiểm thì nên dừng. Nhưng dừng lại thì gần 1 triệu thí sinh, trong đó trên 600.000 thí sinh đang có nguyện vọng tuyển sinh vào các trường đại học sẽ phải làm thế nào để tiếp tục con đường học tập?

Trở lại 3 tháng trước, khi Bộ GD&ĐT quyết định thay đổi kỳ thi THPT quốc gia thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, mục tiêu của kỳ thi đã được xác lập chủ yếu để xét hoàn thành chương trình THPT cho học sinh lớp 12. Nhiều thí sinh, phụ huynh đã lo lắng, thậm chí phản ứng dữ dội. Áp lực này buộc Bộ GD&ĐT phải dung hòa bằng việc tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp nhưng vẫn sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học. Và để mục tiêu “dùng kết quả thi xét tuyển đại học” đạt yêu cầu, Bộ này bổ sung điều kiện đối với các trường có phương án tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng khiến cho một số trường lớn từng tuyên bố “thi riêng” cũng phải rút lại. Thực tế hiện nay, chỉ trừ một số ít trường đại học xét áp dụng phương thức tuyển hồ sơ, phần lớn các trường sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp sắp tới để tuyển sinh.

Hệ lụy sẽ rất lớn nếu kỳ thi này phải dừng vì dịch bệnh. Đây cũng là điều khiến cơ quan quản lý nhà nước “tiến thoái lưỡng nan” khi thời điểm thi chỉ còn hơn 1 tuần nữa sẽ diễn ra. Hôm nay 31.7, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến của 63 Sở GD&ĐT về việc này và đây sẽ là căn cứ để Bộ GD&ĐT phải đi đến một quyết định khó khăn. Trong đó dù nghiêng về phía nào thì cũng sẽ có những hệ lụy.

Nhưng có lẽ vì an toàn cho tính mạng, cho sức khỏe của thí sinh nói riêng và cộng đồng nói chung, điều cần ưu tiên vẫn nên đặt lên ở vị trí số 1. 

HÀ AN

Ý kiến bạn đọc