Những điều pháp luật chưa “vươn” tới

VHO- Xuất hiện từ thời kỳ phong kiến, sau nhiều thăng trầm, có lúc phát triển mạnh mẽ, có lúc như mạch ngầm, nhưng hương ước, quy ước luôn khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống của cư dân làng xã. Tồn tại song song với luật pháp đương thời, hương ước, quy ước là công cụ và phương thức quản lý truyền thống của người Việt. Tuy nếp sinh hoạt làng xã ngày nay đã có nhiều biến động, song hương ước vẫn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của cộng đồng dân cư.

Những điều pháp luật chưa “vươn” tới - Anh 1

Hương ước đã xuất hiện từ thời phong kiến

 Nhìn chung, nội dung của hương ước, quy ước là các vấn đề gắn với hoàn cảnh, phong tục tập quán lâu đời của từng địa phương, gắn chặt với lợi ích thiết thân của cư dân làng xã như thờ cúng, an ninh trật tự, các quan hệ về ứng xử, công ích - công lợi, khuyến học - khuyến nông, môi trường, thưởng phạt... Mỗi làng lại có một hình thức khác nhau, dài ngắn khác nhau, ngắn nhất có khoảng 12-15 điều, dài nhất khoảng 100 điều, cá biệt như hương ước làng Giáp Nhất (huyện Duy Tiên, Hà Nam) có 264 điều. Về cơ bản, hương ước vẫn kế thừa những giá trị tốt đẹp của lệ làng xưa như: Giữ gìn đạo hiếu gia đình, đóng góp xây dựng làng xóm, quê hương, tôn vinh người học hành, đỗ đạt… Bên cạnh đó, hương ước mới cũng xóa bỏ những hủ tục như: Phụ nữ không được vào đình, thách cưới, bỏ tục lăn đường…

Qua việc thực hiện hương ước, truyền thống hiếu nghĩa, hoà thuận đạo hiếu gia đình, tình làng nghĩa xóm và sự gắn kết cộng đồng được củng cố, việc công ích, nghĩa vụ với nhà nước được thực hiện tốt. Và hơn hết, việc thực hiện hương ước đã làm phong phú đời sống văn hoá làng xã, giữ gìn được các giá trị truyền thống. Hiện toàn quốc có khoảng 98.455 xã, phường, thôn, bản, tổ dân phố (số liệu của Bộ Nội vụ năm 2020) và theo số liệu thống kê đến 31.12.2022, số tổ dân phố, thôn, làng, bản, ấp có hương ước, quy ước là 75.468, chiếm tỷ lệ 76,6% trên tổng số thôn, tổ dân phố. Một số tỉnh có cách làm hay, mô hình hiệu quả trong phổ biến, thực hiện hương ước, quy ước như Đắk Lắk, các bản hương ước, quy ước được quán triệt đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn thông qua việc in ấn, zalo, các hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật hay dán tại các UBND xã, phường, thị trấn, nhà văn hoá cộng đồng, thôn, buôn, tổ dân phố để triển khai thực hiện. Tại Quảng Nam, các bản hương ước, quy ước được các thôn, tổ dân phố trên địa bàn phổ biến tại hội nghị Đại đoàn kết các dân tộc ngày 18.11 hằng năm để người dân nắm và thực hiện. Đặc biệt, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đã đưa vào hương ước, quy ước những nội dung về bảo vệ, phát triển rừng, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn còn tình trạng thực hiện hương ước, quy ước mang tính hành chính hóa, áp đặt, chưa thực hiện dân chủ trong việc thực hiện và xây dựng. Nhiều hương ước, quy ước chưa xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của cộng đồng dân cư mà rập khuôn, máy móc; có nơi lập nên để cho đủ. Từ thực tế đó cần đặt ra những yêu cầu cho việc xây dựng dự thảo Nghị định về hương ước, quy ước là phải thực hiện dân chủ cơ sở và pháp luật liên quan; kế thừa tối đa các quy định; khắc phục những tồn tại hạn chế; giải quyết được những mối quan hệ pháp luật hóa quy phạm xã hội.

Để xây dựng hương ước, quy ước cần lấy ý kiến của nhân dân bằng các cuộc họp, trao đổi. Hương ước, quy ước cần ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, không nên “ôm đồm” những điều pháp luật đã quy định, mà chỉ quy định những vấn đề pháp luật chưa vươn tới, những vấn đề tế nhị, nhạy cảm… Kịp thời bổ sung những vấn đề bức xúc của làng, xã vào hương ước cũng sẽ giúp hương ước có sức sống lâu bền. Để hương ước đi vào đời sống và hòa hợp với các mối quan hệ xã hội thì nó phải được xây dựng phù hợp với “phép nước” cũng như “lệ làng”. 

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc