Ngon, bổ và rẻ

MINH TUỆ

VHO - Ngon, bổ, rẻ là thứ khách hàng ai cũng muốn, cũng là thứ được các nhà cung cấp dịch vụ và hàng hóa hay quảng bá cho sản phẩm của mình. Nhưng quanh chuyện ngon, bổ, rẻ xem ra lại có nhiều trúc trắc, như mới đây là chuyện giá vé tàu bay với giá tour du lịch. Cái trúc trắc đầu tiên là ban đầu ngon, bổ, rẻ thật, nhưng sau thấy bán chạy như tôm tươi, người bán bèn nâng giá thành ra chữ rẻ không còn, may ra còn ngon và bổ.

 Sau lại thấy giá đắt mà khách vẫn đông, người bán lại có thể hạ mức ngon, hạ mức bổ, thành ra cái châm ngôn ngon, bổ, rẻ lại ra thứ khẩu hiệu rỗng tuếch, sai với sự thật. Khách hàng đến lúc phải quay lưng. Làm kinh tế thì tiêu chí cạnh tranh chính là chất lượng cao, hình thức đẹp (ngon, bổ), đồng thời giá cả lại vừa phải (rẻ). Đôi khi cái rẻ đi liền với cái dởm, không ngon và không bổ. Đôi khi ngon, bổ và giá đắt. Trong hoạt động kinh tế thiên hình vạn trạng, khó mà khái quát hết được. 

Cái mà khách hàng có thể so sánh là món hàng với chất lượng tương đương trong cùng thời điểm mà chỗ nọ rẻ, chỗ kia lại đắt. Như mới đây, câu chuyện về giácả dịch vụ du lịch trong nước so sánh với dịch vụ nước ngoài, nhiều người chê đắt. Bên du lịch cho rằng giá vé máy bay quá đắt nên giá thành du lịch bị “đội” lên. Hàng không người ta có thể bảo: Máy bay có dung lượng 100 khách, nhưng chỉ bán vé được 30 khách, nên đắt. Theo kiểu tư duy này thì 30 khách mua vé kia phải “gánh” cho 70 ghế trống? Mà giá vé máy bay đắt ắt người đi du lịch phải ít, mà người đi du lịch ít thì hàng không cũng khó. 

Ở đây là bài toán sơ đẳng về buôn bán lỗ lãi: Tôi bán 10 quả trứng, mỗi quả 5.000 đồng, lãi mỗi quả 1.000 đồng, bán hết 10 quả lãi 10.000 đồng. Nhưng cũng số trứng ấy, tôi bán mỗi quả 10.000 đồng, lãi mỗi quả 6.000 đồng, bị khách chê đắt nên chỉ bán được 4 quả, thu về 40.000 đồng, chỉ hòa vốn. Tổng lãi là cái quan trọng nhất, còn lãi trên một đơn vị không quan trọng bằng. Vậy nên hạ giá đến mức tối thiểu là cái mà các doanh nghiệp đều phải tính đến. Nếu giá quá cao thì hàng hóa và dịch vụ sẽ ngưng đọng. Câu chuyện giá vétàu bay mới đây được Cục Hàng không kiểm định, kết luận là không vượt trần giá, nhưng cứ dựa vào đó mà duy trì giá cao, liệu có nên chăng? 

Quê tôi vốn là một tỉnh lẻ, người buôn bán chưa thật chuyên nghiệp, nên rất nhiều trường hợp người ta “chặt to kho mặn”, như kiểu bán cái trứng 10.000 đồng. Giá một khi đã lên thì không bao giờ hạ xuống. Nếu gặp những người cạnh tranh tốt, thì ắt những người kia phải chết đứng. Ở trong nước, cạnh tranh với hàng ngoại, ắt cũng có thể gặp trường hợp như vậy, và thế thua là cầm chắc. 

Giárẻ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng thường thì nhờ giánguyên liệu rẻ, nhân công rẻ, nhờ cải tiến công cụ sản xuất và tiết kiệm các chi phí khác. Trước đây ta thường quảng bá rằng xứ mình có giá rẻ như một lợi thế cạnh tranh, vậy chiếu với thực tế hiện nay, liệu ưu thếấy có còn? 

Đương nhiên trong giá cả thì “tiền nào của ấy”, có phân khúc phân hạng trong các loại hàng hóa và dịch vụ, có loại thượng hảo hạng và loại bình dân. Lĩnh vực hàng không và du lịch cũng không ngoại lệ. Nhưng một khi đã quảng bá ngon, bổ rẻ mà khách du lịch đi đâu cũng bị “chặt chém” thì liệu họ có muốn quay lại? 

 

 

 

 

 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc