Nếu địa phương nào cũng “đối thoại” như thế

VHO- Dù sự kiện ấy đã đi qua hoặc bị “che phủ” bởi hàng loạt tin tức thời sự khác, nhưng những ai quan tâm đến “hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội...” thì chắc không thể quên Chương trình Đối thoại Văn hoá do Thành uỷ TP.HCM tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua với sự chủ trì của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân.

Nếu địa phương nào cũng “đối thoại” như thế - Anh 1

Ảnh minh họa: T.L

Là một thành phố “đầu tàu” của cả nước về kinh tế-xã hội với biết bao công việc lớn nhỏ mà có người ví rằng, công việc nơi đây khi nào cũng nhiều như nước sông Cửu Long, thế nhưng người đứng đầu thành phố này vẫn dành thời gian cùng với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, nghệ sĩ để bàn luận về “Giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, hướng tới xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh-Thành phố Văn hóa”. 

Dẫu là lần đầu tổ chức đối thoại, dẫu thời gian vẫn chưa có nhiều để giới chuyên gia, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ của thành phố này bộc bạch hết những tâm tư, suy nghĩ của mình (mặc dù dự kiến diễn ra trong khoảng 80 phút nhưng sau đó đã bị “cháy” kịch bản), và dẫu chưa đi đến tận cùng của nhiều vấn đề trong từng lĩnh vực rộng lớn ấy, nhưng sự kiện này đã mang lại nhiều ý nghĩa, đặng qua đó lan toả một thông điệp của người đứng đầu thành phố: Đầu tư cho văn hoá là hướng đầu tư có lợi ích lâu dài... Cũng từ sự định hướng rõ ràng và cụ thể ấy, các cơ quan, ban ngành của thành phố sẽ cụ thể hoá nó nhằm làm cho văn hoá có vị trí tương xứng với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, chương trình Đối thoại Văn hoá này sẽ được diễn ra định kỳ hằng năm như một diễn đàn quan trọng, mà qua đó những người có trách nhiệm của thành phố nhận diện một cách đầy đủ hơn về các mặt trong đời sống văn hoá... Mà khi đã nhận diện được nó thì sẽ có các giải pháp thích ứng. 

Còn nhớ vào đầu tháng 6 vừa qua, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó đã chỉ ra: Việc xây dựng hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Môi trường văn hoá có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá đạt hiệu quả chưa cao. Tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, văn hoá đặc trưng của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một dần... 

Những thực trạng trên sẽ được khắc phục một cách hiệu quả nếu như các cấp uỷ, chính quyền ở các địa phương quan tâm và đề ra những giải pháp phù hợp với đặc thù của mỗi tỉnh, thành theo hướng tích cực nhận diện, tích cực đề cao vai trò, vị trí của văn hoá trong phát triển kinh tế-xã hội. Và như một cách tự nhiên, sự kiện Đối thoại Văn hoá do Thành uỷ TP.HCM mới vừa tổ chức và được dư luận báo chí quan tâm, phản ánh sẽ là cách gợi ý hoặc góp phần hối thúc các địa phương khác đề ra kế hoạch cho riêng mình. Nếu như địa phương nào cũng có những chương trình hay hành động đối với lĩnh vực văn hoá như thế thì sẽ tạo ra phong trào lan toả, rộng khắp và kỳ vọng mang lại hiệu quả thiết thực... 

NGUYỄN THANH SƯƠNG 

Ý kiến bạn đọc