Đưa sáng tạo thành nguồn lực phát triển
VHO- Kể từ năm 2014, ở Việt Nam chúng ta bắt đầu nói nhiều về sáng tạo như là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển đất nước. Đây là tín hiệu quan trọng để chúng ta hướng đến giá trị bền vững, cũng là cơ hội để chúng ta tập trung phát triển văn hóa, nghệ thuật với tư cách là lĩnh vực then chốt tạo nên sự sáng tạo.
Thế giới đã chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng và không ngờ, đặc biệt đến từ việc khai thác tài sản trí tuệ của con người. Năm 2001, khi John Howkins, một nhà Kinh tế học người Anh đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào con người kiếm được tiền từ ý tưởng?” (How people make money from ideas?), cũng là lúc chúng ta thấy rõ hơn tầm quan trọng của tri thức, ý tưởng, sáng tạo đối với phát triển kinh tế. Ngành kinh tế sáng tạo ra đời và chiếm địa vị ưu trội hiện nay cũng bắt nguồn từ cách chúng ta đặt vấn đề làm thế nào khai thác các ý tưởng sáng tạo phục vụ cho việc kinh doanh?
Giờ đây, nhiều tỷ phú giàu nhất thế giới liên quan đến các sản phẩm sáng tạo như Facebook, Microsoft, Amazon,… cũng như thế giới chứng kiến những điều kỳ lạ mà trước kia không ai hình dung ra nếu như không có trí tưởng tượng tuyệt vời, đó là các công ty lớn nhất đều là những công ty làm về nội dung, sáng tạo chứ không phải là tạo ra sản phẩm trực tiếp, hữu hình. Chính vì thế, hãng taxi lớn nhất là hãng không có chiếc taxi nào (Uber, Grab), công ty bán hàng mạnh nhất cũng không có cửa hàng nào (Amazon), chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới thì chẳng sở hữu một phòng nghỉ nào (Airbnb) và trang thông tin khổng lồ nhất cũng gần như không có thông tin nào (Facebook)… Quốc gia khởi nghiệp (ở khía cạnh dựa vào khai thác yếu tố sáng tạo) giờ trở thành một xu hướng lớn trên thế giới.
Chúng ta có thể đồng ý với nhau rằng, những năm sắp tới sẽ là thời điểm của sáng tạo. Quốc gia nào tận dụng tốt hơn, khai thác nhiều hơn tiềm năng sáng tạo, quốc gia ấy sẽ thành công. Nếu chúng ta xác định được vị trí của văn hóa trong xu thế đó, chắc chắn, các chính sách, giải pháp phát triển văn hóa sẽ tập trung hơn và giải quyết những vấn đề thực tế tốt hơn và văn hóa thực sự đóng vai trò đồng hành, thậm chí là soi đường cho sự phát triển đất nước.
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được xem là một trong những đột phá khi chúng ta xác định các sản phẩm và dịch vụ văn hóa không chỉ tạo ra “sức mạnh mềm” cho dân tộc, mà còn tạo ra sức mạnh kinh tế mũi nhọn cho đất nước. Các ngành công nghiệp văn hóa lại được cấu thành bởi tài năng sáng tạo và vốn văn hóa dân tộc, bởi vậy, đó chính là lợi thế để ngành văn hóa thể hiện vai trò của mình trong bối cảnh mới, đặc biệt khi chúng ta chuẩn bị bắt đầu một nhiệm kỳ Đại hội Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Việc triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đã có những thành quả nhất định. Năm 2019, khi Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), yếu tố sáng tạo đã được xem là trọng tâm, hạt nhân trong mọi chiến lược phát triển của Thủ đô. Khi các đô thị lớn khác của Việt Nam như TP.HCM, Đà Nẵng hay Hải Phòng, Huế tiếp bước Hà Nội trở thành những trung tâm sáng tạo, đây sẽ là cú hích mạnh mẽ để tạo ra môi trường sáng tạo cho Việt Nam.
Giáo dục nghệ thuật cũng là một đóng góp của ngành văn hóa đối với yếu tố sáng tạo. Nếu khoa học khai mở cho xã hội tri thức về tự nhiên thì giáo dục nghệ thuật khai mở về cái thiện, cái đẹp và tình yêu thương. Giáo dục nghệ thuật không chỉ đơn thuần là tạo ra các nghệ sĩ, mà quan trọng hơn, là thông qua tiếp xúc với nghệ thuật, chúng ta mong muốn tạo ra những con người yêu cái đẹp (họ sẽ có sức đề kháng với cái xấu trong xã hội); và đặc biệt hơn là yêu thích sáng tạo, từ đó chúng ta sẽ có những công dân sáng tạo trong một quốc gia khởi nghiệp.
Khi chúng ta đặt văn hóa song hành, chúng ta nhất định sẽ có lợi thế để tạo ra những đột phá cho sự phát triển đất nước. Văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo vừa là nội dung, vừa là hình thức của nhau. Đặt sáng tạo như là trọng tâm cho sự phát triển đất nước cũng là cách chúng ta tôn vinh những giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân tộc!
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN