Để trẻ em được an toàn trong vòng tay yêu thương
VHO- Trẻ em là mầm xanh tương lai của đất nước, là búp trên cành được toàn xã hội quan tâm chăm sóc. Thế nhưng theo báo cáo của Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ bị xâm hại. Từ thực trạng bức xúc đó, trong tuần qua, Quốc hội đã dành cả một ngày xem xét việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Đã có tới 55 đại biểu đăng ký phát biểu tại phiên thảo luận về vấn đề đang gây nhức nhối toàn xã hội này.
Đây đều là những ý kiến tâm huyết trước thực trạng đau đớn không ai mong muốn. Đáng chú ý, trong các hình thức xâm hại trẻ em nổi lên gây bức xúc nhất ở giai đoạn này là xâm hại tình dục với 6.364 vụ và 6.432 trẻ em là nạn nhân, chiếm tới 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận, xử lý. Cá biệt, có nhiều địa phương, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 90% tổng số vụ trẻ em bị xâm hại. Bạo lực trẻ em cũng xảy ra nhiều và để lại hậu quả nghiêm trọng, trong đó 857 trẻ em là nạn nhân, chiếm 9,84% tổng số trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý.
Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội cũng cho thấy còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ. Nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra nơi kín đáo, biệt lập; nhiều vụ xảy ra tại gia đình, ít có tố giác; nhiều vụ xâm hại xảy ra trong suốt thời gian dài mới bị phát hiện; có vụ cha mẹ biết con bị xâm hại nhưng không tố giác vì nhiều lý do khác nhau; nhiều đối tượng xâm hại lợi dụng mạng xã hội, lấy tên, địa chỉ, nhân thân giả nên việc thu thập thông tin, điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn… mặt khác, công tác theo dõi, thống kê số trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức. Điều này dẫn đến số vụ việc xâm hại trẻ em đã bị phát hiện, xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế.
Nhiều đại biểu đã chỉ ra rằng có 3 môi trường để nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ trẻ là gia đình, nhà trường và xã hội nhưng đau lòng thay, thực tế từ một số vụ việc cho thấy gia đình giờ đã không còn là nơi an toàn tuyệt đối cho trẻ. Theo báo cáo, những trẻ em bị xâm hại do người thân trong gia đình gây ra chiếm đến 65,88% trong tổng số vụ bạo lực trẻ em. Trong khi đó môi trường nhà trường và xã hội cũng tiềm ẩn vô vàn nguy cơ thiếu an toàn với trẻ. Từ thực tế đó, các đại biểu Quốc hội cho rằng chúng ta phải chú trọng công tác phòng ngừa là chính như công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội an toàn, lành mạnh, thân thiện; kịp thời có biện pháp hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em có nguy cơ bị xâm hại; tiến hành thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi xâm hại trẻ em…
Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai, vì thế những mầm xanh ấy cần được bảo vệ, chăm sóc, vun trồng trong một môi trường lành mạnh, trong sạch. Hôm nay là ngày 1.6, chúng ta cần phải ghi nhớ điều đó để làm sao cho trẻ em thực sự được lớn lên an toàn trong vòng tay yêu thương của gia đình và xã hội.
NGUYỄN THU SÂM