Đà Nẵng xử lý thế nào với hai dự án lấn sông Hàn?

VHO- Nếu bỏ quy hoạch cao ốc của 2 dự án lấn sông Hàn, Đà Nẵng sẽ phải đền khoảng 2.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp. Thông tin này làm cho Đà Nẵng đang phải “đau đầu” chọn lựa trong Hội nghị Phản biện xã hội về phương án điều chỉnh quy hoạch các dự án ven sông Hàn lần thứ 2, cụ thể là dự án Bất động sản - Bến du thuyền Đà Nẵng (Marina Complex) do Công ty cổ phần Bến du thuyền Đà Nẵng (Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai) làm chủ đầu tư và dự án Olalani do Công ty cổ phần Mỹ Phúc làm chủ đầu tư.

Đà Nẵng xử lý thế nào với hai dự án lấn sông Hàn? - Anh 1

Người dân lo ngại dự án bến du thuyền sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn, mất mỹ quan đô thị

 Dự án bất động sản - Bến du thuyền (diện tích hơn 107.000m2 được phê duyệt chi tiết lần đầu vào năm 2011) và Dự án Olalani (diện tích mặt nước thuê 10.000m2 được phê duyệt quy hoạch chi tiết lần đầu vào năm 2008) nằm ở bờ Đông sông Hàn (thuộc phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà). Tuy nhiên, sau khi TP Đà Nẵng phê duyệt 2 dự án trên đã gặp phải sự bất bình của dư luận vì cho rằng 2 dự án này chèn sông lấp biển, phá vỡ tự nhiên. Qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, đến nay 2 dự án vẫn chưa được thực hiện.

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ có văn bản nghiêm khắc yêu cầu Đà Nẵng kiểm tra và xử lý vụ việc trên. Theo đó, Đà Nẵng đã giao các Sở, ngành liên quan làm việc với chủ đầu tư dự án Bất động sản - Bến du thuyền Marina Complex, đề nghị dừng triển khai dự án, đồng thời lấy ý kiến rộng rãi của giới chuyên môn nhằm đi đến một quy hoạch hợp lý giữa các bên. Báo cáo tại Hội nghị, ông Đinh Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng thông tin: “Hai dự án trên đã nhiều lần phải điều chỉnh quy hoạch, lần gần nhất là năm 2020, UBND TP Đà Nẵng điều chỉnh theo hướng mở rộng tuyến đường ven sông, tăng diện tích cây xanh, bổ sung bãi đỗ xe công cộng và không còn các khối nhà cao tầng tại 2 dự án này, chỉ còn nhà biệt thự. Nếu như vậy thì theo quy định Đà Nẵng phải bỏ ra khoảng 2.000 tỉ đồng để bồi thường cho 2 chủ đầu tư do dự án bị giảm mật độ xây dựng đơn vị ở, giảm diện tích đất ở mà chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính trước đó”.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch LH các hội Văn học nghệ thuật Đà Nẵng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh: Thành phố cần có phương án đảm bảo vừa không phải bồi thường một khoản tiền quá lớn cho các nhà đầu tư trong khả năng ngân sách thành phố chưa thể phục hồi qua 2 năm gồng mình phòng, chống đại dịch, vừa giữ được mật độ không gian xanh phía sông để phục vụ cộng đồng và đường cảnh quan ven sông; ông Tiếng đồng ý với việc thành phố nghiên cứu thêm các giải pháp về quy hoạch tăng diện tích cho các không gian mở, kết nối thông suốt từ đường Trần Hưng Đạo và đường Lê Văn Duyệt về phía sông, dành không gian cho trục cảnh quan ven sông kết nối xuyên suốt phục vụ công cộng.

Tại Hội nghị, đại diện chủ đầu tư 2 dự án bày tỏ quan điểm chung là doanh nghiệp đã quá vất vả, mệt mỏi khi phải nhiều lần điều chỉnh quy hoạch dự án và mong rằng sau Hội nghị này, họ chỉ phải thực hiện thêm một lần điều chỉnh quy hoạch cuối cùng để bắt tay vào xây dựng. Theo quan điểm của UBND TP Đà Nẵng, về mặt nguyên tắc, khi điều chỉnh quy hoạch 2 dự án này vẫn phải tuân thủ quy hoạch chung TP Đà Nẵng đã được Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên, việc tổ chức nhà thấp tầng dàn trải, kéo dài sẽ không phát huy được lợi thế của dự án ven sông, hiệu quả chiếu sáng về đêm cho sông Hàn không cao. Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố cũng cho rằng, nếu chỉ làm nhà thấp tầng sẽ biến nơi đây thành “khu đô thị ngủ” do sau 22h là tắt đèn, còn nếu để hơn chục cái tháp cùng xuất hiện ở đây thì vượt ngưỡng chịu đựng của môi trường. Theo đó, phương án đa số các đại biểu đề cập tới là cho phép xây cao ốc nhưng với mật độ phù hợp, không quá dày đặc đến mức choán sông, choán tầm nhìn tự nhiên. 

NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc