Từ một truyện ngắn…
VHO - “Cái chết của một viên chức” là tên một truyện ngắn của nhà văn Nga nổi tiếng Anton Tsékhov. Chuyện kể rằng, có một viên chức quèn ở trong một nhà hát, đang xem một vở kịch thì vô tình hắt xì hơi, trước mặt mình là một vị tướng. Gã viên chức sợ lắm, xin lỗi vị tướng và mặc dù vị tướng không phàn nàn gì, gã vẫn cứ xin lỗi đi, xin lỗi lại. Quá hoảng sợ, gã lại mò đến nhà vị tướng để tiếp tục thanh minh, xin lỗi. Và vị tướng càng xua tay bảo không sao, gã càng thêm sợ.
Đến nỗi lần cuối cùng vị tướng cáu gắt và đuổi ra, thì gã về nhà và… tắt thở! Thế là không ai làm gì mà chính gã viên chức… tự chết! Câu chuyện chỉ có vậy, mà nó thật thâm sâu. Trong một xã hội dân chủ, chắc không đến nỗi xảy ra cái chuyện bi hài như vậy. Thế nhưng có lẽ ở bất cứ xã hội nào cũng đều tiềm tàng nguy cơ diễn ra thói quan liêu, và dẫn đến thói nô lệ, hoặc biến tướng của nó là thói nịnh nọt của viên chức cấp dưới đối với viên chức cấp trên. Nguyên lý của việc điều hành hành chính là thứ bậc, cấp dưới phải tuân thủ quyết định của cấp trên, đó là kỷ cương. Nhưng ai dám đảm bảo rằng cấp trên lúc nào cũng đúng?
Do vậy người ta luôn dành chỗ cho bày tỏ ý kiến khác của cấp dưới, hoặc cho người cấp trên trực tiếp, nếu người cấp trên trực tiếp không nghe, thì có thể có ý kiến lên cấp trên nữa. Thực tế thì không nhiều người có thể làm điều này. Người có tâm huyết với việc chung muốn bày tỏ ý kiến của mình có khi bị cấp trên ác cảm, và những kẻ cơ hội nhân đó ton hót để hại người có đầu óc trung trực, sáng tạo. Để đảm bảo hiệu lực, hệ thống hành chính tuân theo quy tắc cấp dưới phải nghe mệnh lệnh cấp trên, nhưng nếu chỉ một chiều như thế, thì công chức có khác chi những cái máy?
Viên chức khi thực thi nhiệm vụ của mình cũng phải đầy đầu óc sáng tạo. Hệ thống nhà nước là một bộ máy đồng bộ, nhưng mỗi việc công tác quản lý nhà nước không phải là việc “máy móc”, mà phải đầy tính sáng tạo, để có thể thúc đẩy xã hội phát triển. Bên cạnh cái tâm không thể thiếu, viên chức phải có một cái tầm về quản lý vĩ mô, một trí tuệ có thể sáng tạo, chứ không phải những người chỉ biết vâng dạ. Nếu chỉ là như thế, thì người viên chức đã “chết”… ngay khi còn làm một viên chức!
Truyện ngắn của Tsékhov xưa không liên quan gì với bây giờ, nhưng nó khơi gợi cho ta suy nghĩ về cách hoàn thiện hệ thống công chức hôm nay. Cần nghiên cứu để những người trung thực, thẳng thắn bày tỏ ý kiến của mình một cách không e ngại, và tận dụng trí tuệ của họ. Thử nghĩ xem, nếu những người tham mưu chỉ biết dạ dạ vâng vâng mà không tham gia ý kiến gì khác, thì nhà nước “sắm” tham mưu để làm gì? Trong mối quan hệ trên dưới, cấp dưới phải tuân thủ mệnh lệnh cấp trên là nguyên tắc bất di bất dịch.
Nhưng mặt khác, người thủ trưởng nên biết lắng nghe ý kiến khác với mình, thậm chí ý kiến trái với mình, miễn sao nó không trái với chủ trương, pháp luật. Người đứng đầu cơ quan không phải là người nghĩ ra tất cả, mà người biết kích thích nhiệt tình và sự sáng tạo của cán bộ công chức, tổng hợp và tận dụng nó trong công tác. Thường những người có ý kiến khác, ý kiến trái với người đứng đầu có thể là người có bản lĩnh, có sáng tạo, nên công tâm trong sử dụng và đánh giá họ. Trộm nghĩ rằng, khi thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy và giữ chân cán bộ công chức có năng lực hôm nay, các nơi nên hết sức lưu ý điều này trong đánh giá công chức, nếu không thì việc “ai đi ai ở” ở nơi ấy sẽ khó mà đạt kết quả tối ưu.