Du lịch cộng sinh:

Bước đi vững chắc vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

VHO - Năm 2025 sẽ là một thời điểm phát triển đầy hứa hẹn cho ngành du lịch Việt Nam. Trong một thế giới không ngừng thay đổi, mối quan hệ tương tác giữa các ngành kinh tế đang ngày càng trở nên chặt chẽ và cần thiết hơn bao giờ hết, với mục tiêu tạo ra sự phát triển bền vững, toàn diện.

Bước đi vững chắc vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - ảnh 1
Điện Thái Hòa, Huế. Ảnh: S.THÙY

Du lịch, với sức mạnh tiềm tàng của một ngành kinh tế tổng hợp, đã không còn là đơn thuần những chuyến tham quan, nghỉ dưỡng. Đây chính là một ngành mũi nhọn, cần được nhìn nhận và phát triển theo một cách thức mới, nơi các mối liên kết, sự cộng sinh giữa du lịch và các ngành khác không chỉ thúc đẩy nền kinh tế mà còn bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Nhìn vào những bước chuyển mình của du lịch Việt Nam trong những năm qua, chúng ta nhận thấy rõ ràng một thực tế: ngành du lịch đang ngày càng khẳng định vai trò không thể thiếu trong nền kinh tế quốc dân. Đóng góp của du lịch vào GDP của đất nước ngày càng tăng và dần hướng đến mục tiêu đề ra là 8 - 9% trong GDP (với 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế năm 2025) và 13 - 14% trong GDP (với 35 triệu lượt khách quốc tế năm 2030). Tuy nhiên, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thể bứt phá hơn nữa, cần phải có sự tương tác, phối hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực, đặc biệt là du lịch - văn hóa, du lịch - hàng không, du lịch - nông nghiệp, du lịch - ẩm thực. Mối quan hệ cộng sinh này sẽ tạo ra một hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, cân bằng và bền vững.

Tuy nhiên, trong khi du lịch phát triển mạnh mẽ, câu hỏi quan trọng mà chúng ta cần đặt ra là: Làm thế nào để phát huy, chứ không phải khai thác hay tận thu, di sản văn hóa nhằm phục vụ phát triển du lịch bền vững? Làm thế nào để di sản văn hóa không chỉ là nguồn tài nguyên, mà còn là nền tảng tạo dựng bản sắc, giá trị văn hóa đặc sắc cho du lịch? Đây là những câu hỏi lớn không chỉ đối với các nhà quản lý, mà còn đối với toàn xã hội. Nếu không có cách tiếp cận đúng đắn, việc khai thác quá mức sẽ dẫn đến sự mai một của di sản, làm mất đi những giá trị văn hóa vô giá mà tổ tiên ta đã gìn giữ qua hàng nghìn năm.

Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta cần phải có sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Du lịch không chỉ đơn thuần là sự tiêu dùng những giá trị văn hóa mà nó tiếp xúc mà còn phải là nguồn lực tạo điều kiện bảo tồn những giá trị ấy. Chúng ta cần xây dựng những mô hình du lịch dựa trên sự tôn trọng, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa, từ đó không chỉ thu hút du khách mà còn góp phần vào việc bảo vệ và phát triển những giá trị văn hóa vô giá của dân tộc.

Ví dụ, một trong những mô hình có thể áp dụng là du lịch nông thôn kết hợp với việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian, truyền thống làng nghề, hay du lịch ẩm thực gắn liền với các đặc sản vùng miền - mỗi món ăn không chỉ đơn thuần là sự tiêu thụ, mà là cầu nối đưa du khách đến gần hơn với văn hóa địa phương, tạo ra sự kết nối bền chặt giữa du lịch và văn hóa. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho du lịch mà còn giúp phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa của mình.

Mặt khác, sự phát triển của du lịch cần gắn liền với việc đầu tư và nâng cao chất lượng hạ tầng, hệ thống bảo vệ di sản, các thiết chế văn hóa. Du lịch không thể phát triển một cách bền vững nếu thiếu đi những cơ sở vật chất và nền tảng bảo tồn vững chắc. Việc xây dựng các địa điểm di tích văn hóa, bảo vệ các khu di sản thiên nhiên, hay đầu tư vào công tác nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực về văn hóa và du lịch sẽ là chìa khóa giúp du lịch không chỉ phát triển về mặt kinh tế mà còn góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Chúng ta cũng cần nhận thức rõ rằng, mối quan hệ giữa du lịch và văn hóa không chỉ là sự tương tác mà còn là một sự cộng sinh. Nếu du lịch có thể giúp quảng bá và phát triển các giá trị văn hóa, thì văn hóa cũng chính là yếu tố then chốt tạo nên sự hấp dẫn và đặc trưng cho du lịch Việt Nam. Văn hóa là sức mạnh nội sinh, là linh hồn của mỗi điểm đến, từ đó mang lại những trải nghiệm không thể quên cho du khách. Du lịch sẽ không thể phát triển lâu dài nếu không có sự bảo tồn và phát triển văn hóa đi đôi với nó.

Nhìn rộng hơn, trong bối cảnh Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với những cơ hội và thách thức chưa từng có, sự kết hợp giữa du lịch và văn hóa chính là bước đi đúng đắn, cần thiết để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ và bền vững. Chỉ khi du lịch được xây dựng trên nền tảng văn hóa vững chắc, khi ngành này không chỉ phục vụ lợi ích kinh tế mà còn góp phần vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản, chúng ta mới có thể thực sự tạo ra một nền du lịch bền vững, mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước, cho cộng đồng và cho thế hệ mai sau.

Với sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc phát triển đất nước, việc kết hợp du lịch và văn hóa sẽ không chỉ là một xu hướng mà là con đường dẫn tới sự thịnh vượng bền vững, đưa đất nước Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới. Đây chính là lúc để chúng ta tạo ra một cộng sinh hài hòa, nơi du lịch và văn hóa hỗ trợ lẫn nhau, cùng phát triển, mang lại những giá trị vô giá cho tương lai.