Kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2:
Những “người hùng” thầm lặng
VHO - Trong thành công chung của thể thao Việt Nam (TTVN) suốt những năm vừa qua, không thể không nhắc tới sự đóng góp của đội ngũ bác sĩ thể thao, kỹ thuật viên chăm sóc cho các vận động viên. Âm thầm, lặng lẽ, họ như những con ong chăm chỉ, cần mẫn đứng sau mỗi tấm huy chương, mỗi kỷ lục, mỗi thành tích của các VĐV.

Những câu chuyện không thể quên
Tôi may mắn vì thường xuyên được đồng hành cùng Đoàn TTVN tại các kỳ Đại hội thể thao như Olympic, Asian Games, hay SEA Games. Mỗi một kỳ Đại hội qua đi, bên cạnh những tấm gương nỗ lực, bền bỉ của các VĐV, đó còn là những giọt mồ hôi ướt đầm lưng áo, những câu chuyện cảm động về các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên theo sát và hỗ trợ các VĐV.
Với họ, công việc hằng ngày là phục vụ các VĐV trong suốt cả ngày tập luyện cũng như sau một ngày tập luyện căng thẳng, với những chấn thương cùng nỗi đau khi cơ bắp bị quá tải.
Dù vất vả hay khó khăn, dù đêm khuya hay sáng sớm nhưng với y sĩ Trần Thị Trinh (Trung tâm HLTTQG Hà Nội) hay chuyên viên vật lý trị liệu phục hồi chức năng Nguyễn Việt Tuấn (Trung tâm HLTTQG TP.HCM) đó là công việc mỗi ngày, là niềm hạnh phúc được gắn bó với các đội tuyển, các VĐV trong nhiều năm qua.
Gắn bó với Trung tâm HLTTQG TP.HCM đã 11 năm, thường xuyên xa nhà theo các chuyến xuất hành thi đấu quốc tế của các đội tuyển, dù thu nhập không cao nhưng anh Nguyễn Việt Tuấn luôn gắn bó với Trung tâm vì ở đây ngoài sự quan tâm của lãnh đạo Trung tâm còn có các VĐV cần bàn tay anh chăm sóc.
Có những thời điểm như năm 2023, khi Tuấn lên đường làm nhiệm vụ tại hai đại hội chỉ cách nhau một tuần là Asian Games 2022 và Asian Para Games, tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc, tổng hai Đại hội anh xa nhà tới hơn 1 tháng.
Khi đó vợ anh ốm nghén đứa con thứ hai trong khi con gái lớn còn nhỏ, thiếu bàn tay anh chăm sóc. “Khi trở về, tôi thấy cả vợ lẫn con đều gầy nên xót xa lắm. Nhưng đã được tin tưởng giao nhiệm vụ thì đó cũng là trách nhiệm, là vinh dự của bản thân và gia đình để chúng tôi gác lại việc nhà, lên đường làm nhiệm vụ”, anh Tuấn tâm sự.
Với các đoàn thể thao bình thường còn đỡ, còn khi đi chăm sóc các đoàn thể thao người khuyết tật, nỗi vất vả của Tuấn và các bác sĩ lại nhân lên gấp bội. Vì khi di chuyển lên xuống máy bay, họ thường phải bế hoặc cõng các VĐV.
“Tôi nhớ nhất kỷ niệm tại Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á - Asian Para Games năm 2018, khi trở về phòng vào lúc 23h30 đêm sau một ngày đi theo các VĐV thì tá hỏa khi nhận được cuộc điện thoại cho biết ống thông tiểu của một VĐV bị liệt tủy bị mất, khiến VĐV không thể tiểu tiện được. Khi đó dù đêm đã khuya nhưng tôi vội vã tìm tới phòng y tế của ban tổ chức để xin ống thông tiểu cho VĐV. Vừa đi vừa lo lắng bởi nếu không có ống thông tiểu thì nguy cơ VĐV bị vỡ bàng quang là rất cao. Khi ấy chúng tôi cũng đã tính đến việc sẽ giúp VĐV nhưng may là ban tổ chức đã cung cấp kịp thời. Với chúng tôi, việc quan trọng nhất là các VĐV được đảm bảo về thể lực, sức khỏe để có thể tập luyện, thi đấu giành thành tích nên chúng tôi sẽ sẵn sàng có mặt khi họ cần”, chuyên viên vật lý trị liệu Nguyễn Việt Tuấn chia sẻ.


Hành trình đáng nhớ
Còn với y sĩ Trần Thị Trinh, người luôn đồng hành cùng thành công của đội tuyển bóng đá nữ suốt những năm qua, không có hành trình nào là không để lại nhiều kỷ niệm.
Nữ y sĩ với ánh mắt luôn quan tâm, lo lắng và đôi tay tận tình chăm sóc luôn được các cầu thủ yêu quý. Trinh đã cùng đội tuyển bóng đá nữ vượt qua những giải đấu không thể nào quên, để cùng nhau tạo nên những chiếc huy chương lấp lánh hay những thành tích đi vào lịch sử.
Năm 2022 khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, y sĩ Trinh đã cùng đội tuyển lên đường sang Tây Ban Nha tập huấn, rồi sau đó sang Ấn Độ dự VCK Asian Cup nữ 2022 để tranh vé dự World Cup.
“Ác mộng” đã xảy ra khi đội tuyển bị nhiễm Covid-19 tại Tây Ban Nha, dẫn tới nhiều khó khăn về lực lượng khi sang Ấn Độ.

Nhớ lại những ngày cùng đội tuyển nữ tham gia Cup bóng đá nữ châu Á, Trinh không giấu nổi sự xúc động: “Có lẽ giây phút đáng nhớ nhất của tôi là khi 14 người có kết quả âm tính được sang Ấn Độ hội nhập cùng toàn đội, khi đó cả đội mừng phát khóc. Chưa bao giờ đội nữ gặp tình cảnh tách ra thành mấy nhóm lên đường như vậy. “Cơn lốc” Covid-19 tràn đến sau trận giao hữu thứ 3 đã làm gần hết cả đội dương tính. Ngày 10.1.2022, sau khi xét nghiệm PCR, đội phát hiện 9 ca dương tính trong đó có 2 bác sĩ. Khi đó 2 chúng tôi không lo cho bản thân mình mà chỉ lo cho các cầu thủ và phải phân luồng điều trị riêng các F0 và tách riêng các nhóm F1 và các bạn âm tính để tránh lây lan. Chúng tôi theo dõi, phát thuốc cho các F0 để điều trị. Lúc đầu rất lo lắng bởi các bạn sốt, ho nhiều nên chỉ sợ bị suy hô hấp, may mà các cầu thủ đều có kháng thể tốt nên cuối cùng đã vượt qua và toàn đội đã có thể thi đấu tại Ấn Độ”.
Khi thi đấu xa nhà, việc ăn uống trái khẩu vị cũng dẫn đến việc các VĐV không có được thể lực sung mãn. Vì thế nhiều chuyến đi, Trinh và các bác sĩ, kỹ thuật viên cũng kiêm thêm chức năng đầu bếp để cải thiện bữa ăn cho các VĐV. Với họ, chỉ cần các VĐV thi đấu tốt là họ đã quên đi những mệt nhọc sớm hôm.
Trong giới vận động viên, chẳng mấy ai là không biết tới bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên như Nguyễn Trọng Hiền, Trần Anh Tuấn, Trương Thị Thảo, Bùi Thị Hoài, Trần Thị Trinh, Dương Tiến Cần, Nguyễn Văn Triển, Tạ Đắc Anh, Nguyễn Việt Tuấn...
Mỗi người một cách riêng nhưng sự tận tâm, dốc sức của họ là điều khiến các VĐV có thể cảm nhận được. Và trong dịp Ngày thầy thuốc Việt Nam này lại một lần nữa xin được tri ân họ - những người thầm lặng đã góp phần vào những chiếc huy chương lấp lánh.