AI và câu chuyện nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam
VHO - Thể thao Việt Nam đang bước vào giai đoạn tập trung lực lượng để chuẩn bị cho các đấu trường lớn vào năm sau. Trong đó việc cải thiện, nâng cao thành tích đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà chuyên môn. Và một trong những giải pháp quan trọng để làm được việc này là phải ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là AI vào công tác huấn luyện, thi đấu. Bài học của thể thao Trung Quốc tại Olympic vừa qua là một ví dụ.
Kinh nghiệm từ thể thao Trung Quốc
Tại Olympic Paris 2024, đội tuyển bóng rổ 3x3 của Trung Quốc đã có chiến thắng đáng kinh ngạc 21-15 trước ứng cử viên vô địch là đội Serbia. Khoảng 1 giờ sau trận đấu, một bản phân tích chi tiết các dữ liệu liên quan đến trận đấu đã được công bố. Từ mọi chuyển động đến trạng thái thể chất của các cầu thủ đều được phân tích kỹ lưỡng để chuẩn bị cho trận đấu tiếp theo. Dựa trên công nghệ và thuật toán chụp động ba chiều, hệ thống AI theo dõi và phân tích chuyển động của cầu thủ và quỹ đạo của bóng rổ theo thời gian thực. Sau đó, nhóm hỗ trợ khoa học và công nghệ có thể thu thập dữ liệu hữu ích, như cường độ và đường di chuyển theo thời gian thực của người chơi, cũng như các phân tích chuyên nghiệp do AI tạo ra theo dữ liệu.
Toàn bộ quá trình chụp động được hoàn thành mà không làm phiền VĐV đang thi đấu. So với các công nghệ trước đây có thể yêu cầu người chơi phải đeo các thiết bị kiểm duyệt khó chịu, hệ thống này thực hiện mọi thứ theo cách không tiếp xúc và có độ chính xác khá cao.
Ông Hoàng Quốc Vinh, Trưởng phòng thể thao thành tích cao 1, Cục Thể dục thể thao phân tích: Hiện nay các cường quốc trên thế giới đã ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là việc sử dụng trí tuệ nhân tạo vào việc nâng cao thành tích thi đấu cho các VĐV. Năm 2017, Tổng cục Thể dục thể thao Trung Quốc đã xác định để có thành tích cao tại Olympic thì cần sự hỗ trợ rất lớn từ ứng dụng những công nghệ, khoa học hiện đại nhất. Trong đó có ứng dụng AI.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã tập trung nghiên cứu đưa AI vào công nghệ huấn luyện các VĐV, chủ yếu tập trung vào 4 điểm. Thứ nhất là phân tích các thông số nhằm tăng cường chức năng thể chất VĐV. Thứ hai, hỗ trợ phân tích đánh giá các tư thế kỹ thuật của VĐV. Thứ ba, phân tích quy luật giành chiến thắng, điều chỉnh trạng thái tinh thần trước thi đấu và thứ tư là điều trị chấn thương thể thao. Với việc xác định được vai trò, vị trí và ứng dụng được AI vào công nghệ huấn luyện như vậy đã giúp cho các VĐV Trung Quốc nâng cao thành tích, củng cố cho mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành cường quốc về thể thao.
“Thực tế tại kỳ Olympic 2024 vừa qua, các VĐV Trung Quốc đã có màn trình diễn ấn tượng và đứng thứ 2 thế giới với số HCV đoạt được là 40 chiếc. Điều đáng nói là đoàn Mỹ chỉ vượt qua Trung Quốc vào phút cuối. Chiến thắng của đội tuyển bóng rổ nữ đã giúp Mỹ san bằng được số HCV và vượt qua đoàn Trung Quốc để đứng đầu nhờ hơn 17 HCB. Vị trí của hai quốc gia đứng đầu tại Olympic cũng phản ánh đúng thực lực của hai cường quốc về kinh tế và là hai quốc gia đứng đầu về công nghệ”, ông Hoàng Quốc Vinh phân tích.
Thành tích không thể tách rời khoa học công nghệ
Phân tích trên cũng cho thấy được rằng, thành tích của thể thao hiện đại không thể tách rời ứng dụng khoa học công nghệ. “Trí tuệ nhân tạo AI với những dữ liệu phân tích khổng lồ mà AI mang lại cho lĩnh vực thể thao. Nếu biết ứng dụng vào thực tế cho từng VĐV, từng môn sẽ giúp tiết kiệm nhiều về nhân lực, vật lực và giảm thiểu những rủi ro chấn thương cho VĐV. Công nghệ AI cũng có thể ứng dụng giúp cho HLV trong việc xây dựng các giáo án huấn luyện, các giai đoạn trước thi đấu, phân tích trong và sau khi thi đấu. Đặc biệt với các môn thể thao trí tuệ như cờ vua, môn tập thể cần áp dụng thống kê các chỉ số về tấn công, phòng thủ, phối hợp chiến thuật và số lượt di chuyển... AI sẽ giúp cho ban huấn luyện có được các số liệu chính xác và kịp thời. Như thế AI dường như là một trợ lý HLV hoàn hảo trong quá trình tập luyện và thi đấu của các VĐV”, ông Hoàng Quốc Vinh nhấn mạnh.
Thực tế thể thao Việt Nam cũng đã xác định một trong những giải pháp quan trọng nhằm cải thiện, nâng cao thành tích thi đấu cho các VĐV là việc ứng dụng khoa học công nghệ. Trong thời gian tới ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý huấn luyện, quản lý thi đấu đối với VĐV trong đó ưu tiên cho việc triển khai sử dụng phần mềm quản lý HLV, VĐV trước mắt là tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, làm cơ sở triển khai đến các địa phương; bố trí nhân lực cho hoạt động ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong huấn luyện, đào tạo VĐV ở mỗi trung tâm để phát huy tác dụng của cơ sở vật chất hiện có.
Cùng với đó là việc sử dụng các thiết bị tập bổ trợ nâng cao năng lực cho VĐV, sử dụng hệ thống khoa học công nghệ hiện đại trong mô phỏng, phân tích và đánh giá các kỹ thuật nhằm điều chỉnh và phát huy những mặt mạnh về kỹ thuật của VĐV, từ đó đưa ra các giải pháp tối ưu nâng cao trình độ kỹ thuật cho VĐV. Với các đội tuyển trọng điểm, quá trình huấn luyện cần có sự theo dõi của đội ngũ y, bác sĩ thể thao để đảm bảo các yêu cầu về dinh dưỡng, hồi phục và tâm lý thể thao, là nền tảng cho việc nâng cao trình độ chuyên môn.
Hiện Cục Thể dục thể thao đang chỉ đạo các bộ môn phối hợp với các Liên đoàn, Hiệp hội, các ngành Công an, Quân đội để rà soát lực lượng VĐV, đặc biệt là các VĐV trẻ, nhất là VĐV ở các môn, nội dung trọng điểm để tập trung đầu tư cho các đấu trường lớn. Và việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là việc nghiên cứu để ứng dụng AI trong huấn luyện chắc chắn sẽ được ngành nghiên cứu để phục vụ cho mục tiêu tiến gần hơn tới các đấu trường lớn của thế giới.