Cần giải bài toán thiếu hụt bác sĩ tại các TTHLTT quốc gia

THU SÂM

VHO - Công tác chăm sóc y tế hay còn gọi là y học thể thao, được xác định là một trong những công đoạn quan trọng trong quy trình đào tạo, huấn luyện, nâng cao thành tích các tài năng thể thao. Dù có vai trò quan trọng như vậy nhưng thực tế, ngay tại 4 Trung tâm huấn luyện thể thao (TTHLTT) của cả nước, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế đang thiếu hụt trầm trọng.

 Cần giải bài toán thiếu hụt bác sĩ tại các TTHLTT quốc gia - ảnh 1
Y sĩ Trần Thị Trinh - người luôn chăm sóc, đồng hành cùng thành công của đội tuyển bóng đá nữ. Ảnh: HUỲNH NHƯ

 Không đáp ứng đủ nhu cầu

Hiện thể thao Việt Nam có 5 Trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao thành tích cao đặt tại Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Bắc Ninh. Dù 5 Trung tâm này quản lý hàng nghìn VĐV với khoảng 100 đội tuyển, nhưng số bác sĩ và nhân viên y tế chỉ tính trên đầu ngón tay.

Số liệu cập nhật năm 2025 cho thấy, chúng ta tập huấn khoảng 2.700 lượt vận động viên thuộc 37 đội tuyển quốc gia và hơn 40 đội tuyển trẻ. Khó khăn chung của các Trung tâm là trong khi nhu cầu thì lớn nhưng chỉ tiêu biên chế dành cho đội ngũ y, bác sĩ lại không có hoặc ít nên không đáp ứng được nhu cầu.

Ông Hoàng Quốc Vinh, Trưởng phòng thể thao thành tích cao I, Cục Thể dục thể thao cho biết, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và hồi phục cho vận động viên thì mỗi đội tuyển và đội tuyển trẻ cần phải có từ 2-3 bác sĩ, nhân viên y tế theo đội; riêng các đội như điền kinh, bóng đá cần số bác sĩ, kỹ thuật viên lên tới 5-6 người.

Tuy nhiên các Trung tâm hiện nay lại rất thiếu lực lượng bác sĩ, kỹ thuật viên nên phải thuê theo dạng hợp đồng. Mà thuê theo dạng hợp đồng thì khó khăn là phải lấy kinh phí ở đâu ra chi trả. Nếu chi trả theo quy định thì rất thấp, không thu hút được các bác sĩ, kỹ thuật viên giỏi do đây là công việc đặc thù từ chăm sóc, hồi phục, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, dinh dưỡng... đòi hỏi các bác sĩ, kỹ thuật viên phải được đào tạo chuyên ngành mới đáp ứng được.

Trong số các Trung tâm, thì TTHLTT quốc gia Hà Nội - đại bản doanh của thể thao Việt Nam có đội ngũ y bác sĩ hùng hậu nhất. Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Khoa học và Y học thể thao, TTHLTT quốc gia Hà Nội có 13 bác sĩ và nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ hằng ngày chăm sóc sức khỏe, hồi phục cho vận động viên.

“Hiện chúng tôi có 5 y, bác sĩ trong biên chế, nhưng một người sắp nghỉ hưu. Còn lại là các anh chị em ký theo dạng hợp đồng lao động nên sắp tới nếu tinh giản, sẽ không biết còn lại mấy người và làm thế nào để hoàn thành các công việc”, bác sĩ Tuấn nói.

Vì quân số chỉ có 13 người mà lại đảm nhiệm việc chăm sóc tới hàng trăm, thậm chí tới gần 1.000 vận động viên, huấn luyện viên nên đội ngũ y, bác sĩ không thể cắt cử đủ người theo các đội tuyển, khi VĐV gặp chấn thương hoặc chăm sóc hồi phục sẽ lên phòng y tế. Hiện tại Trung tâm đang tập huấn 31 đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ với tổng số 724 người, trong đó có 615 vận động viên nhưng đội ngũ y bác sĩ thì vẫn chỉ có 13 người.

Chỉ có 13 y, bác sĩ nhưng lại đảm nhiệm khối lượng lớn công việc chăm sóc sức khỏe cho các VĐV từ công tác kiểm tra sức khỏe ban đầu đến việc hồi phục hằng ngày nên các bác sĩ, nhân viên y tế, kỹ thuật viên luôn trong tình trạng bận rộn.

“Dù có ít người và luôn trong tình trạng phải chạy hết công suất nhưng nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Trung tâm nên phòng luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Trung tâm lại có 3 khu A, B và C nên đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế cũng phải cắt cử để làm sao đảm bảo được công tác chăm sóc y tế, nhất là tại khu A và khu B. Để chăm sóc tốt cho các vận động viên, phát huy hiệu quả trong công tác đào tạo, huấn luyện, nâng cao thành tích thi đấu cho các vận động viên, chúng tôi mong rằng công tác y tế sẽ được quan tâm hơn nữa để làm sao chúng ta có đủ nhân lực phục vụ cho công tác quan trọng này”, bác sĩ Tuấn mong muốn.

 Cần giải bài toán thiếu hụt bác sĩ tại các TTHLTT quốc gia - ảnh 2
Dù thiếu nhân lực nhưng công tác chăm sóc y tế, phục hồi luôn được TTHLTT quốc gia TP.HCM và các Trung tâm chú trọng. Ảnh: LÊ HOÀNG

Nỗ lực tìm giải pháp khắc phục

Đến thăm phòng hồi phục, chăm sóc VĐV sạch, đẹp của TTHLTT quốc gia TP.HCM chúng tôi cũng khá ngạc nhiên khi biết nơi đây dù là Trung tâm huấn luyện thể thao lớn thứ hai của cả nước, nhưng chỉ có 3 nhân viên y tế.

Trong cái khó ló cái khôn, do chỉ tiêu có hạn nên để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho các VĐV, Trung tâm đã phối hợp tốt với Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Quân dân y Miền Đông, Bệnh viện Thể thao Việt Nam và các bệnh viện lân cận để kịp thời điều trị trong trường hợp VĐV bị chấn thương cũng như điều trị bệnh lý.

Hiện Trung tâm tập huấn 32 đội tuyển và đội tuyển trẻ nên nếu chỉ có 3 nhân viên y tế, sẽ rất khó khăn cho công tác chăm sóc sức khỏe, hồi phục cho VĐV. “Mức thu nhập của 3 nhân viên y tế còn hạn chế, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng bằng lòng yêu nghề và nhiệt huyết, đội ngũ y tế tại Trung tâm vẫn miệt mài cống hiến cho công việc và cắt cử nhau các ca trực ngày, đêm nhằm phục vụ tốt nhất cho các VĐV”, ông Phạm Thanh Tú, Giám đốc TTHLTT quốc gia TP.HCM chia sẻ.

Lực lượng y bác sĩ phục vụ cho công tác chăm sóc, hồi phục của TTHLTT quốc gia Đà Nẵng cũng trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. Trung tâm đang tập huấn 20 đội tuyển trong đó có 7 đội tuyển quốc gia và 13 đội tuyển trẻ, nhưng chỉ có 2 nhân viên y tế, hiện một người đến tuổi nghỉ hưu nên chỉ còn lại một nhân viên.

Để tháo gỡ khó khăn, Trung tâm đã ký hợp tác với Bệnh viện 199 của Bộ Công an để kịp thời chữa trị, hồi phục cho các vận động viên khi gặp chấn thương.

Còn TTHLTT quốc gia Cần Thơ, hiện đang huấn luyện 6 đội tuyển và 13 đội tuyển trẻ, nhưng do không có chỉ tiêu về bác sĩ nên chỉ có 1 kỹ thuật viên, 1 trung cấp y sĩ, 1 cử nhân y sinh làm công tác chăm sóc sức khỏe, hồi phục cho các vận động viên.

Để khắc phục tình trạng này, Giám đốc Trung tâm Nguyễn Ngọc Long cho biết: “Với những buổi tập có khối lượng lớn, chúng tôi sẽ phân công phòng Khoa học và Y học thể thao hỗ trợ, giúp chăm sóc các đội tuyển đang tập huấn tại Trung tâm. Còn đến trước mỗi kỳ Đại hội thể thao như SEA Games, Asian Games hay Olympic, trước 3 tháng khi thực hiện chế độ ăn cao theo quy định của Nhà nước, Trung tâm sẽ giao phòng xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho các vận động viên. Với các giải quốc tế khác, tùy theo thời gian, chúng tôi sẽ cử người trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho các VĐV”.

Theo Giám đốc Trung tâm đào tạo VĐV Trường Đại học TDTT Bắc Ninh Đặng Hoài An, Trung tâm hiện là nơi đào tạo, huấn luyện 10 đội tuyển trẻ và 4 đội tuyển quốc gia. “Tuy không có nhân viên y tế riêng cho công tác hồi phục, chăm sóc sức khỏe cho VĐV, nhưng may mắn Trung tâm lại nằm trong khuôn viên nhà trường nên được thừa hưởng Trung tâm y tế của Trường Đại học TDTT Bắc Ninh. Trung tâm y tế của nhà trường có hệ thống phòng hồi phục đáp ứng tiêu chuẩn và có đội ngũ nhân viên y tế trong đó có nhiều em là sinh viên ở khoa Y sinh. Vì thế công tác hồi phục, chăm sóc sức khỏe cho các VĐV được đảm bảo”.

Được xác định là một trong những khâu quan trọng về công tác đào tạo, huấn luyện, nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế nhưng công tác chăm sóc sức khỏe, hồi phục cho các VĐV, nhất là sự thiếu hụt về đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên luôn là trăn trở lớn, cần có sự tháo gỡ từ các cấp, ngành có liên quan.

Với những người thầm lặng đóng góp trên mặt trận này, dù lương thấp, công việc áp lực nhưng tình yêu với thể thao, bầu nhiệt huyết muốn được cống hiến cho thành tích của thể thao nước nhà vẫn luôn cháy bỏng. Và họ vẫn luôn ở đó, để chờ mong có sự đổi thay...