Sửa đổi thể chế, chính sách trong lĩnh vực TDTT:

Kiến tạo cho sự phát triển của TDTT

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Sáng 16.4, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì cuộc họp chuyên đề xây dựng pháp luật để nghe báo cáo công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thể dục thể thao.

Kiến tạo cho sự phát triển của TDTT - ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo buổi làm việc

Cùng dự có Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Hoàng Đạo Cương, Hồ An Phong cùng lãnh đạo Cục TDTT; các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL.

Ban hành khá sớm và đồng bộ

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết việc xem xét, rà soát bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo định kỳ, không chỉ là công việc thuần tuý về công tác quản lý nhà nước mà còn kiến tạo cho sự phát triển.

Vì vậy ngay từ đầu nhiệm kỳ, lãnh đạo Bộ đã xác định thể chế là một trong những nhiệm vụ cần phải triển khai rà soát. Bởi qua thực tiễn, nhiều cái đã thay đổi nhưng nếu chúng ta chậm thay đổi, sẽ không theo kịp sự vận động, phát triển của thực tiễn xã hội.

Kiến tạo cho sự phát triển của TDTT - ảnh 2
Cuộc họp diễn ra vào sáng 16.4, tại Hà Nội

Pháp luật nằm ở thượng tầng kiến trúc còn vận động thực tiễn lại ở hạ tầng cơ sở. Hạ tầng cơ sở vẫn thường đi trước thượng tầng kiến trúc. Xác định được vấn đề đó, lãnh đạo Bộ đã có phương châm chuyển tư duy từ làm VHTTDL sang quản lý về VHTTDL. Tư duy trúng và đúng đó đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, ủng hộ và được xem là hướng đi quan trọng của toàn ngành.

Từ việc thay đổi tư duy từ làm văn hoá, làm thể thao, làm du lịch sang quản lý nhà nước về VHTTDL, Bộ đã kịp thời rà soát, bổ sung xây dựng hệ thống pháp luật, rà soát lại các khoảng trống về pháp lý để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ngành.

Kiến tạo cho sự phát triển của TDTT - ảnh 3
Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại buổi làm việc

“Lãnh đạo Bộ xác định nhiệm kỳ này dồn toàn bộ sức lực để từng bước hoàn thiện khung khổ pháp lý các lĩnh vực của Bộ, nhằm kiến tạo chính sách cho sự phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh và chỉ đạo Cục TDTT tập trung vào công tác quản lý nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động trong lĩnh vực TDTT

Bộ trưởng cũng đánh giá với 76 văn bản quy phạm pháp luật trong đó có 2 luật, 4 nghị định, 4 quyết định của Thủ tướng và 64 thông tư cho thấy hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TDTT được ban hành khá sớm và đồng bộ. Đây cũng chính là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để thông qua đó, Cục TDTT thực hiện việc điều hành, quản lý nhà nước.

Kiến tạo cho sự phát triển của TDTT - ảnh 4
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng, Luật TDTT sửa đổi đã thực hiện được 5 năm và phát sinh nhiều bất cập từ thực tiễn, vì vậy cần phải thực hiện đánh giá tác động để báo cáo các cấp thẩm quyền sửa đổi trong những năm tiếp theo

Nhắc lại yêu cầu trong Kết luận 70 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới trong đó yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, sớm ban hành Chiến lược phát triển sự nghiệp TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp TDTT trong giai đoạn mới, Bộ trưởng cho rằng yêu cầu này xuất phát từ thực tiễn là Bộ Chính trị đã thấy được những bất cập do hệ thống văn bản pháp luật ban hành đã lâu, không còn phù hợp với thực tiễn, cần phải được rà soát, đánh giá tác động để thay thế, sửa đổi, bổ sung.

Sự phát triển của thực tiễn đã vượt ra ngoài quy định pháp luật trong lĩnh vực TDTT

Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết, pháp luật về TDTT, nhất là sự ra đời của Luật TDTT đã có tác động tích cực đến phát triển sự nghiệp TDTT, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TDTT, tạo ra được cơ chế, chính sách phù hợp huy động mọi nguồn lực trong xã hội vào phát triển TDTT.

Kiến tạo cho sự phát triển của TDTT - ảnh 5
Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, hiện nay chính sách về thể thao ở địa phương đang vẫn “mạnh ai nấy làm”

Tuy nhiên tồn tại, hạn chế của  Luật Thể dục, thể thao và các văn bản quy định chi tiết cho thấy sự phát triển của thực tiễn đã vượt ra ngoài quy định pháp luật trong lĩnh vực TDTT.

Hệ thống các văn bản pháp quy còn thiếu những quy định cụ thể về cơ chế, chính sách phát triển phong trào TDTT sâu rộng, nhất là ở nông thôn, miền núi và ở các khu công nghiệp; thiếu các quy định, biện pháp cụ thể để đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học; chưa quy định về văn minh, văn hóa trong thể thao; quy định về các tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động TDTT như số lượng người tập thể thao thường xuyên, gia đình thể thao còn chung chung, khó lượng hóa.

Kiến tạo cho sự phát triển của TDTT - ảnh 6
Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt báo cáo tại buổi làm việc

Các chính sách về phát triển tài năng thể thao chưa đầy đủ và chưa mạnh, thiếu quy định về đào tạo năng khiếu thể thao, chính sách hỗ trợ các VĐV sau khi “giải nghệ”, chế độ đãi ngộ đối với vận động viên xuất sắc còn thấp; chính sách về bảo hiểm, đối với các vận động viên đội tuyển quốc gia, đội tuyển trẻ cũng chưa thật sự thỏa đáng.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, hiện có 419 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến toàn ngành VHTTDL, trong đó ngành Thể thao có 76 văn bản gồm cả luật, nghị định, thông tư, trong đó thông tư chiếm 86%.

Ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, pháp luật về TDTT cơ bản thống nhất trong nội ngành nhưng ngoài ngành thì lại chưa thống nhất, chưa có sự tương hỗ, sự cộng hưởng để tạo ra sức mạnh chung. Ngoài ra, một số yêu cầu thực tiễn không nằm khuôn khổ pháp luật quy định và cần có sự đánh giá lại.

Kiến tạo cho sự phát triển của TDTT - ảnh 7
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, ngành TDTT có 76 văn bản quy phạm pháp luật

Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Hoàng Việt cho rằng, từ thực tiễn thời gian qua, ngành TDTT cần rà soát lại chế độ, chính sách cho các đối tượng như: bác sĩ thể thao, người thể thao khuyết tật. Hoàn thiện quy chế VĐV, HLV đua thuyền quốc gia.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng, Luật TDTT sửa đổi đã thực hiện được 5 năm và phát sinh nhiều bất cập từ thực tiễn, vì vậy cần phải thực hiện đánh giá tác động để báo cáo các cấp thẩm quyền sửa đổi trong những năm tiếp theo.

Ngoài ra, với nghị định, thông tư trong thẩm quyền không còn phù hợp cần phải rà soát để tiến hành sửa đổi ngay để phù hợp với tinh thần được Bộ Chính trị chỉ rõ tại Kết luận 70 về phát triển TDTT trong giai đoạn mới.

Kiến tạo cho sự phát triển của TDTT - ảnh 8
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Lê Hồng Phong phát biểu

Nêu ý kiến tại cuộc họp, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho hay, cần phải thống nhất khái niệm thể thao để có định hướng tiếp cận trong việc sửa Luật theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của quốc tế.

Còn theo Thứ trưởng Hồ An Phong, hiện nay chính sách về thể thao ở địa phương đang vẫn “mạnh ai nấy làm”, chưa có sự đồng bộ. Vì vậy cần có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, cần có sự rà soát tổng thể cái gì ưu tiên, cấp bách để làm trước với kế hoạch, lộ trình cụ thể.

Kiến tạo cho sự phát triển

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng nhìn nhận việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không phải là việc có thể hoàn thành trong ngày một, ngày hai mà phải rà soát, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đánh giá tác động. Qua cuộc họp ngày hôm nay, Bộ trưởng đề nghị Cục TDTT và các Cục, Vụ liên quan cần thống nhất nội dung, xác định được chủ trương sẽ hoàn thiện sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nào trước và đề ra lộ trình để thực hiện.

Cục phải triển khai quyết liệt, bài bản, tập trung toàn sức, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, khắc phục các khoảng trống về mặt pháp lý để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, kiến tạo cho sự phát triển. Đây không chỉ là việc của riêng ai mà là công việc chung của toàn ngành nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong lĩnh vực TDTT.
(Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng)

Về các nhiệm vụ cụ thể, Bộ trưởng chỉ đạo, trên cơ sở là các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Cục TDTT cần nghiên cứu kỹ xu hướng phát triển của thế giới, việc thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để rà soát, đánh giá tác động của Luật TDTT cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác để xem còn vướng mắc ở đâu để sửa đổi, bổ sung.

Cục TDTT cũng cần phải “đeo bám” trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, như tinh thần Kết luận 70 của Bộ Chính trị; sớm trình Đề án quản lý, khai thác cơ sở vật chất của Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình.

Một công việc cũng rất quan trọng nữa, Bộ trưởng giao Cục TDTT phối hợp với các đơn vị chức năng rà soát lại toàn bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, những thông tư đã quá cũ, lạc hậu thì cần đề xuất thay thế bằng thông tư mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn; tập trung ưu tiên vào việc rà soát các thông tư để nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về chế độ, chính sách cho các HLV, VĐV, cơ chế hoạt động cho các Liên đoàn, Hiệp hội…

Ý kiến bạn đọc