Ngẩng cao đầu rời Olympic

THU SÂM (từ Paris, Pháp)

VHO - Trong thi đấu thể thao ai cũng muốn thắng, ai cũng muốn bước lên bục vinh quang cao nhất, nhưng không phải cứ muốn là được bởi giữa ước mơ và thực tế có khi lại là khoảng cách không thể lấp đầy.

 Ngẩng cao đầu rời Olympic - ảnh 1

HLV Park Chunggun, VĐV Trịnh Thu Vinh và Trưởng đoàn Đặng Hà Việt tại Olympic Paris 2024

Tinh thần quật cường

Sau khi “cày” nhọc nhằn xong lượt chèo ở tứ kết Olympic Paris 2024, tay chèo vừa bước sang tuổi 35 Phạm Thị Huệ đã có thể cười tươi, vì dù không thể cải thiện thứ hạng nhưng Huệ đã đạt được mục tiêu vượt qua chính mình. Thành tích 7 phút 56 giây 96 tại vòng tứ kết là thành tích tốt nhất của Huệ trong năm nay. Và đó cũng là thành tích giúp cô xếp thứ hai châu Á và thứ nhất Đông Nam Á ở vòng này.

Tay chèo thuộc đơn vị chủ quản là Đà Nẵng tâm sự: “Khi được có mặt trong tốp 24 thế giới để tranh chấp ở tứ kết, tôi đã biết tôi nằm ở vị trí thứ 24 rồi. Dù biết là như vậy nhưng tôi không muốn từ bỏ, vẫn cố vươn lên giống như tinh thần quật cường của người Việt Nam vậy. Sau khi xuất phát được 300m, tôi biết tôi đang là người cuối cùng trong đợt đua nhưng vẫn nhất quyết không bỏ cuộc. Tôi vẫn cố gắng chắc tay chèo thi đấu với ý chí mạnh nhất để về đích”.

Thực ra việc lọt vào tới tứ kết Olympic với Phạm Thị Huệ đã là một thành tích đáng ghi nhận. Bởi với vóc dáng nhỏ bé của người Đông Nam Á, việc đua tài với các đối thủ cao lớn vượt bậc ở một môn thể thao đòi hỏi nhiều sức lực đã là một nỗ lực lớn. Thế nên không có gì phải buồn, phải tiếc cho Huệ bởi cô đã chiến đấu hết mình, đã có được thành tích tốt nhất. Từ đó cho thấy được khát vọng, ý chí của con người Việt Nam và tinh thần không bao giờ từ bỏ trước khó khăn. “Trong thi đấu với tôi không có từ “giá như” và không có từ “có cơ hội làm lại lần sau”. Bởi mỗi cuộc đua khi kết thúc, tức là đã khép lại, tôi sẽ không bao giờ có thể thay đổi được thành tích. Vì thế tôi luôn nỗ lực tối đa, không từ bỏ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào”, Phạm Thị Huệ bày tỏ.

 Ngẩng cao đầu rời Olympic - ảnh 2

 Phạm Thị Huệ đã có thành tích tốt tại Olympic

Sau kỳ Olympic này, nữ VĐV kỳ cựu đã có thể trở về trong vòng tay thân thương của gia đình và kể chuyện với 2 cô con gái về Thế vận hội, về những nỗ lực tột độ cho lần đầu tiên ấy. Có thể 4 năm sau khi Olympic tiếp theo được tổ chức, Huệ sẽ không còn thi đấu nhưng với một VĐV có ý chí và nghị lực mạnh mẽ như cô thì không gì là không thể. Và đó cũng chính là lý do để Thể thao Việt Nam luôn để lại hình ảnh đẹp về những nỗ lực vượt khó.

Ý chí không từ bỏ

Còn với tay vợt nữ số 1 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh, dù còn tiếc nuối vì đã bám đuổi sít sao nhưng cuối cùng vẫn không thể vượt qua tay vợt hơn tới 15 bậc trên bảng xếp hạng thế giới. Tuy nhiên với những gì đã thể hiện, Thùy Linh vẫn xứng đáng nhận được sự khen ngợi tại kỳ Olympic này. Sau trận thắng dễ ở lượt ra quân, Thùy Linh đã bước vào trận đấu gặp tay vợt Mỹ, gốc Trung Quốc Beiwen Zhang. Dù đối thủ rất mạnh nhưng Linh đeo bám quyết liệt và chỉ chịu thua với điểm số sát nút trong cả 2 séc, đều là 20-22.

 Ngẩng cao đầu rời Olympic - ảnh 3

 Thùy Linh luôn được các cổ động viên nhiệt thành ủng hộ vì màn thi đấu đầy cống hiến trước các đối thủ đẳng cấp

Dù thua trận nhưng ngay khi rời sân, tay vợt Nguyễn Thùy Linh vẫn nhận được tràng pháo tay nhiệt thành của khán giả Pháp. Cô cũng được các hãng thông tấn lớn phỏng vấn ngay sau khi vừa kết thúc thi đấu. Bên ngoài sân nhóm cổ động viên cổ vũ đến khản cả giọng trong 2 hiệp Linh thi đấu, vẫn chờ sẵn. Dù việc chờ đợi cô là khá lâu vì sau khi thi đấu, VĐV còn phải dành thời gian thả lỏng. Dù mệt và tiếc nhưng khi thấy các CĐV đang đợi, Thùy Linh vẫn nở nụ cười tươi rói và hỏi thăm xem các VĐV mua vé có khó khăn không, hành trình đi đến đây thế nào. “Hot girl” của làng Cầu lông Việt Nam cũng dành thời gian chụp ảnh cùng các tình nguyện viên trước khi đi bộ ra bãi để xe rồi trở về Làng VĐV Olympic.

 Dù mong ước là có thể tiến càng sâu càng tốt, nhưng thực tế khó khăn khiến tôi phải dừng bước dù đã thi đấu với hơn 100% sức lực. Tôi thực sự biết ơn tình cảm của mọi người và sẽ nỗ lực tập luyện, thi đấu tốt để đáp lại những tình cảm tốt đẹp đó.

(VĐV NGUYỄN THÙY LINH)

“Tôi rất tiếc vì không thể đi tiếp nhưng tôi đã nỗ lực hết mình. Olympic là đấu trường lớn, với nhiều tay vợt hàng đầu thế giới nên mỗi trận đấu là một cuộc chiến đầy khốc liệt. Dù mong ước là có thể tiến càng sâu càng tốt, nhưng thực tế khó khăn khiến tôi phải dừng bước dù đã thi đấu với hơn 100% sức lực. Tôi thực sự biết ơn tình cảm của mọi người và sẽ nỗ lực tập luyện, thi đấu tốt để đáp lại những tình cảm tốt đẹp đó. Trước mắt tôi vẫn sẽ còn những giải đấu lớn và sẽ tiếp tục mang theo tinh thần, ý chí quyết tâm không từ bỏ để thi đấu tại những giải đấu này”, Thùy Linh chia sẻ sau khi kết thúc hành trình Olympic.

Và nỗ lực đáng ghi nhận

Rạng sáng 1.8, tay vợt mới lần đầu dự Olympic Lê Đức Phát cũng đã khép lại hành trình dự Olympic sau trận thua 1-2 trước tay vợt người Ấn Độ Prannoy. Ở trận đấu này dù gặp đối thủ hơn mình tới 57 bậc trên bảng xếp hạng thế giới nhưng Phát cũng đã nhập cuộc tự tin, tạo bất ngờ trong séc 1 khi thắng với điểm số 21-16. Tuy nhiên đẳng cấp đã lên tiếng, sau séc đầu choáng váng Prannoy đã kịp bừng tỉnh và thắng lại ở 2 séc sau. Giống như Thùy Linh, Phát cũng rời sân trong sự hò reo của khán giả. Trước đó dù được đánh giá thấp hơn đối thủ nhưng Phát cũng đã thể hiện được sự tự tin khi ra biển lớn và đã có thể ngẩng cao đầu rời Olympic.

 Ngẩng cao đầu rời Olympic - ảnh 4

Lê Đức Phát cũng đã có màn chia tay đẹp với Olympic

Có thể thấy việc Phạm Thị Huệ, Thùy Linh, Lê Đức Phát hay các VĐV khác của Thể thao Việt Nam không thể đi vào các vòng tranh chấp huy chương tại kỳ Olympic này là điều đã nhìn thấy từ trước. Ngay như niềm hy vọng lớn nhất để đoạt huy chương là xạ thủ Trịnh Thu Vinh, nội dung 10m súng ngắn hơi nữ cũng vậy. So với Hoàng Xuân Vinh, khi đến với Olympic, Thu Vinh không có “số má” bằng, cô cũng chưa từng thi đấu tại nhiều giải đấu lớn, chưa từng đạt nhiều thành tích như Hoàng Xuân Vinh. Để có tấm HCV, HCB Olympic Rio 2016, Hoàng Xuân Vinh cũng từng đứng thứ tư tại Olympic London 2012.

Muốn có thành tích thì phải có quá trình tập luyện, thi đấu và trưởng thành, phải trải nghiệm ở nhiều đấu trường lớn, chứ không phải cứ muốn là vươn đến đấu trường lớn nhất thế giới. Vì thế việc Thu Vinh đứng thứ tư nội dung 10m súng ngắn hơi nữ đã là một nỗ lực đáng ghi nhận. Cô sẽ còn tranh tài ở nội dung 25m súng ngắn thể thao, nhưng đây không phải là nội dung sở trường của Thu Vinh. Vì thế không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào nữ xạ thủ ngành Công an này.

Trong quá trình tác nghiệp, người viết ấn tượng với câu nói của tay chèo Phạm Thị Huệ: “Cuộc đời vận động viên, ai cũng muốn được thi đấu ở Olympic, được tiến vào càng sâu càng tốt. Nhưng nhiều khi mong ước lại quá xa vời so với thực tế. Vì thế chúng tôi chỉ biết nỗ lực hết mình, thi đấu với hơn 100% sức lực để không bao giờ phải hối tiếc”.

Thế nên từ ước mơ, từ khát vọng đến thực tế sẽ là cả một câu chuyện dài. Và nếu muốn biến ước mơ hôm nay thành sự thật của ngày mai, đòi hỏi một quá trình không ngừng nỗ lực, không ngừng phấn đấu. Quá trình này không chỉ có một mình HLV, VĐV hoặc nỗ lực của riêng ngành Thể thao mà còn cần đến sự hỗ trợ, chung sức, đồng lòng của toàn xã hội. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc