Đỗ Thị Ánh Nguyệt lĩnh ấn tiên phong

THU SÂM

VHO - Theo lịch thi đấu của Thế vận hội thể thao lớn nhất thế giới - Olympic Paris 2024, Đỗ Thị Ánh Nguyệt sẽ là VĐV lĩnh ấn tiên phong cho Đoàn Thể thao Việt Nam.

 Đỗ Thị Ánh Nguyệt lĩnh ấn tiên phong - ảnh 1

 Đỗ Thị Ánh Nguyệt là người thi đấu mở màn cho Thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024. Ảnh: QUÝ LƯỢNG

 Theo giờ địa phương, nữ cung thủ xinh đẹp này sẽ là người thi đấu đầu tiên vào 9h30 ngày 25.7 ở vòng loại nội dung cung 1 dây cá nhân nữ. VĐV thi đấu tiếp theo là cung thủ Lê Quốc Phong. Anh sẽ thi đấu vào 14h15 ngày 25.7, nội dung cung 1 dây cá nhân nam. Sau khi thi đấu vòng loại, căn cứ theo thành tích thi đấu, các cung thủ mới biết được khả năng đi tiếp vào các vòng trong.

Sau khi Thế vận hội khai mạc vào ngày 26.7, các môn thi đấu sẽ tiếp tục từ ngày 27.7. Trong ngày này, ở môn Judo võ sĩ Hoàng Thị Tình sẽ thi đấu vòng loại hạng 48 kg nữ vào 10h ngày 27.7. Với môn Bắn súng, Trịnh Thu Vinh sẽ thi đấu vòng loại nội dung 10m súng ngắn hơi nữ vào lúc 12h30. Nếu lọt vào top 8 VĐV có mặt ở chung kết, Trịnh Thu Vinh sẽ thi đấu vào lúc 12h ngày 28.7.

Trong khi đó cũng trong ngày 27.7, vào lúc 15h30, võ sĩ môn Boxing Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh sẽ thi đấu hạng 54 kg và 60 kg nữ. Môn Cầu lông, “hot girl” Nguyễn Thùy Linh sẽ thi đấu nội dung đơn nữ vào lúc 8h30 và đây cũng là thời điểm tay vợt Lê Đức Phát thi đấu ở nội dung đơn nam. Môn Rowing, Phạm Thị Huệ cũng sẽ thi đấu vào buổi sáng cùng ngày ở nội dung thuyền đơn nữ hạng nặng.

Trong những ngày tiếp theo, các VĐV sẽ tiếp tục thi đấu tại vòng loại và các vòng trong, nếu lọt vào sâu hơn. Nhận định về khả năng đoạt huy chương của các VĐV Việt Nam, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024 Đặng Hà Việt đánh giá, đối với đấu trường Olympic, chúng ta đã có huy chương ở môn Taekwodo, Cử tạ, đặc biệt là tấm HCV, HCB của cựu xạ thủ Hoàng Xuân Vinh môn Bắn súng. Tuy nhiên, theo xu thế phát triển của Thể thao hiện đại thì ở đấu trường Olympic dần hạn chế, thậm chí là cắt bỏ những nội dung thi đấu ở hạng cân nhẹ (Cử tạ bỏ hạng cân 56 kg), hay ở môn Đua thuyền, bỏ nội dung thuyền nhẹ mà chỉ để lại 4 nội dung thi đấu (trước đây có nhiều nội dung hơn).

Chính vì vậy, việc giành huy chương cho các đoàn Thể thao Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sẽ khó khăn hơn do những hạng cân nhẹ là lợi thế đã không còn nhiều. Đối với các bộ môn được ngành TDTT đầu tư trọng điểm và đã có nền tảng, lịch sử thành tích tốt cũng như cần sự khéo léo, tính toán, độ chính xác cao như Bắn súng thì những năm gần đây các thế hệ vàng đã qua đi hoặc đã giải nghệ như Hoàng Xuân Vinh và chúng ta đang có thế hệ VĐV trẻ, tài năng, đó là niềm hy vọng rất lớn cho Thể thao Việt Nam.

Tuy nhiên, những môn thể thao này ngoài trang thiết bị tập luyện, rèn luyện chuyên môn còn cần đến sự tập trung cao độ. Do đó, đòi hỏi các VĐV phải có một tâm lý vững vàng trong thi đấu, không bị sao nhãng bởi những tác động bên ngoài. Đây không chỉ là áp lực với chỉ riêng VĐV mà còn với cả HLV, các nhà quản lý.

“Ở kỳ Olympic này, dựa vào trình độ và thành tích của VĐV ở các giải đấu quốc tế diễn ra trong thời gian qua, Thể thao Việt Nam đang đặt kỳ vọng vào các môn như: Bắn súng, Bắn cung và Cử tạ. Tuy nhiên, những VĐV của các môn thể thao khác như: Cầu lông, Đua thuyền, Xe đạp, Judo, Boxing, Điền kinh, Bơi cũng có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, cùng sự tính toán chiến thuật phù hợp của ban huấn luyện để các VĐV có thể thi đấu vượt qua chính mình tại kỳ Thế vận hội này”, Trưởng đoàn Đặng Hà Việt kỳ vọng.

Olympic Paris 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26.7 đến ngày 11.8 tại thủ đô Paris (Pháp) với sự tham dự của 10.700 VĐV, ở 32 môn thi. Đoàn Thể thao Việt Nam đến Thế vận hội với 39 thành viên, trong đó có 16 VĐV, tranh tài ở 11 môn thể thao. Phóng viên Văn Hóa sẽ đồng hành cùng Đoàn Thể thao Việt Nam và cung cấp những thông tin cập nhật, đầy đủ, sinh động về hành trình thi đấu, tranh tài của Thể thao Việt Nam tại Thế vận hội thể thao lớn nhất thế giới.