Giấy phép du lịch điện tử:
Xu hướng toàn cầu trong kiểm soát nhập cảnh
VHO - Giấy phép du lịch điện tử (ETA) đang được nhiều quốc gia triển khai nhờ đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, được liên kết điện tử với hộ chiếu, giúp giảm tải quy trình kiểm soát tại cửa khẩu. Bắt đầu từ ngày 2.4, công dân các nước châu Âu đến Vương quốc Anh bắt buộc phải có ETA.

Trước đó, từ tháng 1, Anh đã áp dụng chính sách này với công dân Mỹ, Canada và nhiều quốc gia được miễn thị thực khác. ETA của Anh là phiên bản tương tự chương trình ETIAS của Liên minh châu Âu (EU), dành cho công dân các nước được miễn thị thực khi nhập cảnh vào 30 quốc gia châu Âu, bao gồm Pháp và Đức. Tuy nhiên, chương trình ETIAS của EU đã bị hoãn đến năm 2026.
Theo Bộ trưởng Di trú Anh Seema Malhotra, việc triển khai ETA là một phần trong nỗ lực số hóa hệ thống nhập cư, hướng đến mô hình “đường biên giới không tiếp xúc” nhằm tăng cường an ninh và hiện đại hóa quy trình kiểm soát.
Hiện nay, du khách đến Anh có thể đăng ký ETA trực tuyến với mức phí 16 bảng Anh. Giấy phép có hiệu lực trong 2 năm, cho phép lưu trú tối đa 6 tháng, áp dụng cho tất cả đối tượng, kể cả trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.
Quy trình đăng ký khá đơn giản, người nộp đơn cần cung cấp ảnh hộ chiếu và ảnh chân dung. Theo Bộ Nội vụ Anh, quá trình nộp ETA chỉ mất khoảng 10 phút, nhưng du khách được khuyến cáo nên nộp ít nhất 3 ngày trước chuyến đi để tránh rủi ro.
ETA được liên kết điện tử với hộ chiếu. Tuy nhiên, hành khách chỉ quá cảnh tại khu vực cách ly mà không nhập cảnh vào Anh sẽ được miễn.
EU sẽ triển khai hệ thống quản lý xuất nhập cảnh mới vào mùa thu năm nay. Hệ thống này sử dụng công nghệ sinh trắc học để thay thế hình thức đóng dấu hộ chiếu truyền thống, giúp tăng cường kiểm soát biên giới và hạn chế nhập cư trái phép.
Tất cả công dân ngoài EU sẽ phải đăng ký tên, số hộ chiếu và dữ liệu sinh trắc học (vân tay, ảnh) khi đến các nước thuộc EU, bao gồm khu vực Schengen như Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland và Liechtenstein.
Ủy viên châu Âu Magnus Brunner cho biết, hệ thống mới sẽ giúp EU xây dựng nền tảng kiểm soát biên giới tiên tiến bậc nhất thế giới.
Tại châu Á, Thái Lan thông báo đã áp dụng ETA cho du khách được miễn thị thực từ tháng 12.2024. Điều này đồng nghĩa công dân từ 93 quốc gia sẽ phải đăng ký ETA trước khi đến Thái Lan.
Chính phủ Hàn Quốc đã miễn trừ K-ETA cho công dân của 8 quốc gia, chương trình này kéo dài đến 31.12.2025 và du khách vẫn có thể kiểm tra tình trạng đủ điều kiện trên trang web K-ETA.
Dù miễn K-ETA, nhưng nếu muốn hưởng quyền lợi như miễn khai báo nhập cảnh, du khách vẫn phải trả phí để đăng ký. Hàn Quốc kỳ vọng sẽ thu hút 30 triệu du khách vào năm 2027, nhờ các biện pháp hỗ trợ số hóa du lịch và cải thiện dịch vụ.
Nhiều nước như Australia, Canada và Mỹ đã triển khai ETA từ lâu. Mỹ sử dụng hệ thống tương tự gọi là ESTA. Ngoài mục tiêu tăng cường an ninh (thông qua việc kiểm tra tiền sử tội phạm, sức khỏe, lịch sử du lịch của du khách) ETA còn là công cụ để tăng nguồn thu.
Ví dụ, phí ETA tại Australia là 20 AUD, tại Mỹ là 21 USD. Đầu năm 2024, Kenya gây chú ý khi miễn thị thực cho toàn bộ du khách quốc tế, đồng thời áp dụng hệ thống ETA bắt buộc. Mô hình này vừa đảm bảo thuận tiện, vừa giúp nhà chức trách sàng lọc thông tin du khách hiệu quả hơn.
ETA đang dần trở thành xu hướng toàn cầu khi nhiều quốc gia siết chặt kiểm soát biên giới bằng các công cụ công nghệ hiện đại.
Trong bối cảnh di chuyển quốc tế phục hồi sau đại dịch, ETA không chỉ nâng cao an ninh mà còn góp phần nâng cấp trải nghiệm nhập cảnh, hướng đến biên giới số hóa, an toàn và hiệu quả hơn cho cả du khách lẫn quốc gia tiếp nhận.