Hungary:

Tu viện nghìn năm tuổi bảo vệ kho sách cổ trước hiểm họa côn trùng

KHÁNH MY

VHO - Bên trong tu viện Pannonhalma hơn 1.000 năm tuổi, các nhân viên đang tiến hành chiến dịch khẩn cấp: di dời, khử trùng và phục hồi hàng chục nghìn cuốn sách cổ bị đe dọa bởi loài côn trùng tí hon nhưng tàn phá dữ dội.

Tu viện nghìn năm tuổi bảo vệ kho sách cổ trước hiểm họa côn trùng - ảnh 1
Một cuốn sách cổ bị hư hại do bọ cánh cứng gây ra. Ảnh: Pannonhalma Archabbey

Di sản nghìn năm đứng trước nguy cơ bị xóa sổ

Tu viện Pannonhalma Archabbey, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận là một trong những trung tâm học thuật cổ xưa nhất châu Âu. Được thành lập vào năm 996, tu viện tọa lạc trên một ngọn đồi ở phía tây bắc Hungary.

Không chỉ là thánh địa của dòng tu Benedictine, nơi đây còn lưu giữ hơn 400.000 đầu sách. Trong đó có 19 bộ sách nổi bật, đáng chú ý là một cuốn Kinh Thánh hoàn chỉnh từ thế kỷ XIII.

Ngoài ra, còn hàng trăm bản thảo viết tay có niên đại từ trước khi máy in ra đời vào giữa thế kỷ XV, cùng với hàng chục nghìn cuốn sách được xuất bản từ thế kỷ XVI, phản ánh kho tàng tri thức tích lũy qua nhiều thế kỷ.

Thế nhưng, dấu tích thời gian giờ đây không còn là mối đe dọa chính đối với di sản nơi đây.

Thứ khiến giới chuyên gia lo lắng là những con bọ cánh cứng - loài côn trùng thường sống trong thực phẩm khô nhưng cũng đặc biệt "ưa chuộng" gelatin và tinh bột trong bìa và keo dán sách cổ.

Cuộc xâm nhập được phát hiện gần đây trong quá trình vệ sinh định kỳ. Nhân viên tu viện nhận thấy bụi lạ xuất hiện trên các giá sách và những lỗ thủng bất thường ở gáy. Khi mở ra, từng trang sách hiện rõ dấu vết rỗ chằng chịt, hậu quả từ sự gặm nhấm âm thầm của côn trùng.

Tu viện nghìn năm tuổi bảo vệ kho sách cổ trước hiểm họa côn trùng - ảnh 2
Bìa sách cổ tại Tu viện Pannonhalma xuất hiện lỗ thủng do bọ cánh cứng gây ra. Ảnh: Pannonhalma Archabbey

Theo bà Zsófia Edit Hajdu, Giám đốc phục chế dự án, đây là đợt nhiễm côn trùng nghiêm trọng nhất mà tu viện từng đối mặt. Trước tình hình đó, một chiến dịch bảo tồn khẩn cấp đã lập tức được triển khai.

Khoảng 100.000 cuốn sách được cẩn thận di chuyển khỏi kệ, đóng vào các thùng niêm phong và đưa vào quy trình khử trùng bằng khí nitơ nhằm tiêu diệt hoàn toàn các loại côn trùng đang ẩn náu.

Dự kiến, tu viện sẽ mở cửa trở lại vào đầu năm tới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thiệt hại dù chỉ xảy ra với một phần nhỏ bộ sưu tập cũng là mất mát không thể thay thế đối với di sản văn hóa, lịch sử và tôn giáo.

“Ngay cả khi có hàng chục bản in khác, một cuốn sách bị cắn thủng vẫn là một phần văn hóa không còn nguyên vẹn,” bà Ilona Ásványi, Giám đốc tu viện chia sẻ.

Với bà, việc bước vào tu viện mỗi ngày là một trải nghiệm đầy kính cẩn. “Thật choáng ngợp khi nghĩ rằng ở nơi này, đã có một thư viện tồn tại cách đây hơn một thiên niên kỷ. Chúng tôi đang gìn giữ những trang đầu tiên của nền tri thức Hungary,” bà nói.

Tu viện nghìn năm tuổi bảo vệ kho sách cổ trước hiểm họa côn trùng - ảnh 3
Sách được bảo quản trong các túi nhựa kín để khử trùng. Ảnh: Bela Szandelszky/AP

Côn trùng và biến đổi khí hậu

Tuy nhiên, đây không chỉ là một cuộc chiến chống lại côn trùng hay bảo tồn cổ vật. Đợt xâm nhập lần này còn phơi bày một mối nguy sâu xa hơn: biến đổi khí hậu.

Theo bà Zsófia Edit Hajdu, khí hậu Hungary những năm gần đây đang ấm lên rõ rệt, tạo điều kiện để côn trùng hoàn thành nhiều chu kỳ sinh sản hơn mỗi năm.

Nếu trước đây, thách thức chủ yếu là nấm mốc, thì giờ đây, các loài côn trùng như bọ cánh cứng đang nổi lên như mối đe dọa hàng đầu đối với các kho lưu trữ và thư viện.

“Chúng tôi tin rằng biến đổi khí hậu là yếu tố thúc đẩy đợt bùng phát lần này. Và điều đáng lo hơn là: nó sẽ không dừng lại ở đây,” bà lo lắng.

Trước thách thức ấy, Tu viện Pannonhalma không chỉ đối mặt với tổn thất vật chất, mà còn với một câu hỏi lớn hơn về trách nhiệm bảo tồn di sản tinh thần của nhân loại.

Giám đốc tu viện, bà Ilona Ásványi, cho biết đời sống tu viện dòng Benedictine được tổ chức nghiêm ngặt theo bộ luật đã duy trì gần 15 thế kỷ, trong đó việc bảo tồn tri thức là một phần thiết yếu của đời sống đức tin.

“Luật của Thánh Benedict quy định rằng mọi tài sản trong tu viện phải được trân trọng như những vật thiêng,” bà chia sẻ. “Tôi cảm nhận sâu sắc trách nhiệm thiêng liêng trong việc gìn giữ và bảo vệ kho tàng này, không chỉ cho hiện tại, mà cho cả thế hệ mai sau.”

Trong suốt hơn 1.000 năm tồn tại, tu viện Pannonhalma Archabbey đã trở thành một trong những trung tâm tôn giáo và văn hóa tiêu biểu nhất của Hungary cũng như toàn bộ Trung Âu.

Công trình này đã vượt qua nhiều thế kỷ chiến tranh, bao gồm cả cuộc xâm lược và chiếm đóng của đế chế Ottoman vào thế kỷ 16, để tiếp tục giữ vai trò biểu tượng lịch sử và tinh thần của khu vực.