Di sản văn hóa của Sudan đang gặp nguy
VHO- Những cuốn sách quý trong một thư viện lớn tại Thủ đô Sudan đã bị đốt cháy, bảo tàng quốc gia bị cắt điện; tại Darfur, một bảo tàng khác bị mưa dột sau khi đạn bắn xuyên thủng mái nhà... Di sản văn hóa của Sudan gặp nguy hiểm do các cuộc giao tranh khốc liệt đang diễn ra.
Nghĩa trang Hoàng gia Kim tự tháp Meroe tại Begrawiya, bang River Nile, Sudan Ảnh: REUTERS
Sudan có kho tàng di sản văn hóa trải dài hàng ngàn năm. Quốc gia Bắc Phi này không chỉ tự hào về những ngôi đền cổ mà còn rất nhiều bảo tàng, thư viện. Nhưng hiện cuộc xung đột gay gắt giữa các phe phái quân sự đối địch đã gây thiệt hại nặng nề cho di sản văn hóa phong phú của Sudan, trong đó có Vương quốc Kush cổ đại, từng kiểm soát thương mại giữa miền Nam châu Phi và Ai Cập vào thời các Pharaoh.
Giới chuyên gia đang nỗ lực làm mọi cách để bảo vệ những di sản còn sót lại. Theo một báo cáo được công bố mới đây của Heritage For Peace, một tổ chức phi chính phủ về di sản văn hóa, ít nhất 28 địa điểm văn hóa và khảo cổ trên khắp đất nước Sudan bị coi là mục tiêu bắn phá và hứng chịu nhiều thiệt hại. Nhà khảo cổ học Mahassin Yousif (Đại học Bahri) thông tin, một số trường đại học bị trưng dụng cho mục đích quân sự. Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) cũng công bố đoạn video vào đầu tháng 6 cho thấy họ đang chiếm đóng bên trong Bảo tàng Quốc gia Sudan (trung tâm thủ đô Khartoum) - nơi lưu giữ nhiều cổ vật lâu đời nhất thế giới, trong đó có cả những xác ướp. Tuy nhiên, nhân viên của Bảo tàng không thể vào trong để kiểm tra thiệt hại.
Ismail Hamid Nour, một nhà nghiên cứu người Sudan tại Đại học Birmingham (Anh) nhận định: Tình trạng cướp phá và trộm cắp tại quốc gia này ngày càng gia tăng. Theo Heritage for Peace, tình hình bất ổn trên khắp khu vực phía tây Darfur đã khiến ít nhất 4 bảo tàng bị hư hại nghiêm trọng. Trong đó, mái của Bảo tàng Nyala bị thủng do đạn bắn, trong khi mùa mưa của Sudan đang đến gần. Bảo tàng này trưng bày đồ gốm, đồ trang sức và công cụ lao động, thể hiện sự đa dạng của các nền văn minh từng phát triển rực rỡ tại Darfur.
Tổng công ty Cổ vật và Bảo tàng Quốc gia Sudan (NCAM) cho biết, tại Đại học Ahliya ở Omdurman (một trong ba thành phố lớn của Sudan), khoảng 50 cuốn sách và các bộ sưu tập quý hiếm đã bị lửa thiêu rụi. Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy nhiều sách quý và bản thảo đã cháy thành than. Nguồn vốn cho bảo tồn văn hóa ở Sudan từ lâu đã rất hạn hẹp. NCAM phải kêu gọi gây quỹ để trả lương cho 100 lính bảo vệ và thanh tra viên, đồng thời đào tạo ứng phó khẩn cấp, ngăn chặn các cuộc khai quật bất hợp pháp và dạy học sinh Darfur về di sản văn hóa. Ibrahim Musa, Tổng Giám đốc của NCAM cho biết, đó là một phần trong những nỗ lực lan tỏa cho mọi người thấy về tầm quan trọng của văn hóa, và đây không phải mục tiêu của các nhóm vũ trang.
NCAM cùng Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phục hồi Tài sản Văn hóa Quốc tế (ICCROM) đang cố gắng lập kế hoạch bảo tồn di sản và sơ tán cổ vật. Đại diện ICCROM cho biết: “Dù mọi người đã nhận thức được về tầm quan trọng của di sản văn hóa và nỗ lực bảo vệ nó trong thời kỳ khủng hoảng, nhưng thách thức lớn nhất của chúng tôi là đưa văn hóa trở thành đối tượng cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp”.
Sau khi một số bản thảo cổ ở Timbuktu (Mali) bị đốt, chuyên gia Marilyn Deegan và các nhà nghiên cứu địa phương đã bắt đầu dự án tạo kho lưu trữ kỹ thuật số về lịch sử văn hóa của Sudan. Ở thời điểm chiến tranh nổ ra, họ đã số hóa tới 150.000 hình ảnh tư liệu có niên đại từ 4.000 năm trước Công nguyên cho đến cuộc nổi dậy năm 2019. Thế nhưng, vẫn còn hàng triệu di chỉ chưa được chuyển sang dạng số hóa và có nguy cơ biến mất mãi mãi.
HẢI CHI